Ở Malaysia, Datuk là danh hiệu được nhà nước trao cho những người được coi là anh hùng dân tộc. Lee Chong Wei trở thành "Datuk" sau khi đoạt HC bạc Olympic 2008. Những đóng góp của anh cho thể thao Malaysia chưa ai sánh bằng, với ba HC bạc Olympic. Nhưng, khi tuyên bố giã từ sự nghiệp hôm 13/6, Lee vẫn để lại nhiều nuối tiếc.
Những giọt nước mắt của Lee trong buổi họp báo tuyên bố gác vợt cho thấy điều đó. Anh khép lại sự nghiệp với hai kỷ lục lớn, đó là số danh hiệu Super Series - hệ thống giải đấu lớn nhất làng cầu trắng, và số tuần đứng trên đỉnh thế giới. Lee chỉ không hài lòng vì chưa có danh hiệu thế giới, và đặc biệt là Olympic.
Tháng 9/2018, Lee Chong Wei phát hiện ung thư mũi. Anh tuyên bố sẽ chiến thắng ung thư và chinh phục HC vàng Olympic đầu tiên ở Tokyo 2020. Tay vợt 36 tuổi đã vượt qua căn bệnh, nhưng sức khỏe không cho phép anh tiếp tục thi đấu. "Tôi xin lỗi vì không thể đến Tokyo được nữa, và cũng xin lỗi vì không thể mang HC vàng Olympic về cho Malaysia. Tôi không hối tiếc vì đã cố gắng cật lực rồi. Thật sự đấy. Cảm ơn mọi người", Lee viết trên Twitter.
Lee sinh ngày 21/10/1982 ở thị trấn ven biển Bagan Serai, bang Perak, trong gia đình nghèo có bố là người Trung Quốc, mẹ người Malaysia. Lee là con thứ tư trong gia đình, sau hai anh trai và một chị gái. Ra đời nằm ngoài toan tính của bố mẹ, anh suýt bị mang cho gia đình khác nuôi vì gia cảnh khốn khó. Mẹ của Lee - bà Khor Kim Choi - cương quyết không bỏ con và cùng chồng bươn trải nuôi dạy bốn đứa con.
Bố của Lee - ông Ah Chai - vừa phải lái taxi, vừa chuyên chở hải sản. Bà Khor làm nội trợ và luôn nấu nướng cho Lee thậm chí đến khi anh đã trở thành huyền thoại cầu lông Malaysia. Ba người con lớn cũng nhận việc bán thời gian để trang trải phần nào cuộc sống gia đình.
Gia cảnh rèn cho Chong Wei tính tự giác kỷ luật, yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của một VĐV. Kể từ khi được tuyển vào Đại học thể thao Malaysia năm 16 tuổi, anh luôn ngủ vào 22h và dậy lúc 5h hôm sau. Nếu không phải đi học, Lee có thể dành cả ngày để tập luyện. Không chỉ tìm tòi những bài tập mới lạ, hay vùi mình trong phòng gym, anh còn thường chạy bộ lên xuống 272 bậc ở Động Batu. Chủ nhật là ngày nghỉ duy nhất của Lee, và anh dành trọn thời gian bên gia đình.
Lee rất thận trọng với chế độ ăn uống của bản thân. Anh loại bỏ hoàn toàn thực phẩm có nguồn gốc từ dầu. Lượng mỡ trong cơ thể của Lee gần như ở mức thấp nhất. Anh không uống nước lạnh và cũng chẳng bao giờ thử dù chỉ một giọt đồ uống có ga hoặc cồn. "Chúng tôi bị sốc khi biết Lee cuồng ăn uống điều độ như thế nào", Wong Chun Wai - ký giả của The Star - tiết lộ. "Anh ấy giống như một người đàn ông 50 tuổi, quan tâm đến sức khỏe một cách tối đa".
Lee đề cao sức khỏe một phần vì sự quan tâm của mẹ. Hồi nhỏ, anh đam mê bóng rổ, nhưng bà Khor can ngăn vì không muốn đứa con út chơi bóng dưới cái nắng gay gắt quanh năm ở Malaysia.
Cầu lông lần đầu trở thành môn Olympic chính thức tại Barcelona 1992. Khi đó, anh em nhà Sidek - Razif và Zalani - mang về HC đồng đầu tiên cho Malaysia. Quả cầu trắng dần thịnh hành với những đứa trẻ ở Malaysia, trong đó có Lee và những người bạn. Thường phải đấu với những anh lớn tuổi hơn, Lee thua nhiều hơn thắng. Nhưng từ đó, cậu nhận ra bản thân ngày càng tiến bộ và chênh lệch trình độ dần được thu hẹp.
Năng khiếu cầu lông của Lee lần đầu được phát hiện bởi Teh Peng Huat năm 1993. Teh - người thầy ươm mầm nhiều tài năng cầu lông Malaysia - đánh giá cao sự nhanh nhẹn và lanh lợi của Lee. Ông đề nghị bố mẹ Lee cho con trai đến tập luyện ở trung tâm của ông, với lời bảo đảm: "Cậu bé sẽ tiến bộ chóng mặt chỉ sau ba tháng". Ban đầu ông Ah Chai từ chối vì vấn đề tài chính, nhưng thầy Teh không bỏ cuộc. Ông hứa đưa đón Lee về nhà sau mỗi buổi tập và miễn các khoản phí cho cậu bé. "Ban đầu, Lee chưa bộc lộ phẩm chất của một nhà vô địch thế giới. Nhưng cậu ta thăng tiến, và khi đó, tôi cam đoan Lee sẽ đủ khả năng thi đấu quốc tế trong tương lai", ông Teh nói.
Thầy Teh không sai, khi Lee liên tiếp vô địch các giải của bang và được đôn lên đội tuyển năm 17 tuổi. Tay vợt nhỏ con có thầy mới - người anh cả của nhà Sidek - ông Misbun. Lee học được nhiều từ thầy Misbun, đặc biệt là kỷ luật và thể lực. Khi ông Lí Mâu thay Misbun huấn luyện tuyển Malaysia năm 2005, Lee tiến bộ vượt bậc ở kỹ thuật và khả năng di chuyển. Nhờ đó, anh lần đầu leo lên số một thế giới năm 2006. "Trở thành tay vợt số một thế giới là nốt thăng sự nghiệp của tôi", Lee nói.
Thời đại học, Lee dành thời gian tập luyện gấp đôi các tay vợt khác. "Có những lúc tôi tập một mình, đánh đến nỗi tay phồng rộp, rồi để lại sẹo. Hai bàn tay sưng tấy, nhưng tôi biết một ngày nào đó chúng sẽ mang lại quả ngọt", anh nói. Tại giải trẻ thế giới năm 2000 ở Quảng Châu, Lee vào đến bán kết và đoạt huy chương đầu tiên ở một giải tầm vóc quốc tế. Đồng giải ba với Lee là Lâm Đan (Lin Dan) - đối thủ lớn nhất sự nghiệp của huyền thoại người Malaysia.
Lee và Lâm Đan giống như nước với lửa. Lâm thuận tay trái, có chiều cao vượt trội và cá tính bùng nổ. Tay vợt người Trung Quốc sẵn sàng chửi nhau với trọng tài, và thậm chí, HLV ngay trên sân. Trên hai cánh tay của Lâm cũng được phủ nhiều hình xăm. Những đặc điểm đó đều trái ngược Lee. Nhưng các trận đấu giữa Lee và Lâm luôn được coi là kinh điển ở làng cầu trắng. Ở mọi giải đấu nếu khác nhánh, hai tay vợt luôn được kỳ vọng gặp nhau ở chung kết trong mơ.
Trong sự nghiệp 19 năm chuyên nghiệp, Lee đoạt 69 danh hiệu, trong đó có 11 Super Series Premier, 28 Super Series, bốn Super Series Finals. Thành tích của anh ở những giải Super Series đều vượt trội Lâm. Lee cũng đang giữ kỷ lục 348 tuần đứng trên đỉnh thế giới, cao gấp hơn bốn lần người đứng thứ hai - Kham Long, còn Lâm mới 14 tuần là số một. Nhưng Lee từng nói anh sẵn sàng đánh đổi những danh hiệu có được để lấy HC vàng Olympic. Trong hai kỳ Thế vận hội liên tiếp: 2008 và 2012, Lee đều thua Lâm. Ở giải thế giới, Lee cũng hai lần gác vợt trước huyền thoại người Trung Quốc năm 2011 và 2013. Xét về đối đầu, Lâm áp đảo với 28 chiến thắng qua 40 lần so vợt.
Ở Rio de Janeiro 2016, làng cầu trắng Malaysia vỡ òa khi Lee hạ Lâm ở bán kết Olympic. Tay vợt số một thế giới khi đó gặp Kham Long (Chen Long) ở chung kết, đứng trước cơ hội mang về HC vàng lịch sử cho thể thao Malaysia ở Olympic. Người hâm mộ Malaysia khắp nơi treo khẩu hiệu: DLCW (viết tắt của Datuk Lee Chong Wei, cũng có nghĩa là Don't let China win - đừng để Trung Quốc thắng). Nhưng qua hai game, Lee đều thua 18-21 và tan mộng vàng.
Bên cạnh kỹ thuật, Lee được đánh giá cao ở sự nhẫn nại khi thi đấu. Trong trận chung kết Malaysia Mở rộng 2006, Lee bị Lâm dẫn 20-13 ở game cuối nhưng vẫn thắng ngược để đăng quang trên sân nhà. Hay như khi thua Lâm ở chung kết Olympic 2008, Lee bị sốc bởi dù anh đạt phong độ cao, đối thủ trình diễn hoàn hảo. Nhưng huyền thoại Malaysia vẫn gượng dậy và bảo vệ vị trí số một cho đến khi tái đấu Lâm ở Olympic bốn năm sau.
Lee không ngại đánh cầu bền từ cuối sân nhằm phá sức đối thủ. Anh hiếm khi chủ động thay đổi chiến thuật này nếu không có cơ hội dứt điểm rõ ràng. Vũ khí mạnh của Lee là những cú nhảy đập chéo sân, hoặc bỏ nhỏ trên lưới. Lối đánh toàn diện giúp anh luôn ngự trên đỉnh thế giới, trừ khi chấn thương hay bị phạt.
Về bí quyết thành công, Lee cho biết: "Thua cũng là thắng. Mọi người hay nhận xét tôi sợ đối thủ. Thực tế, ai thắng cũng có nỗi sợ bị tiếm ngôi. Điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt với thất bại. Nếu giữ được tinh thần và thái độ tốt, chúng ta vẫn ở trên đường đến thành công".
Lee không đạt được ước nguyện HC vàng Olympic, nhưng đã thành công với tư cách huyền thoại làng cầu trắng.
Xuân Bình