Chủ nhật, 8/3/2020, 07:00 (GMT+7)

Lea Trúc: Tôi muốn thay đổi định kiến về phụ nữ Việt

Lea Trúc, trước khi trở thành diễn giả trong các sự kiện công nghệ của Facebook, Google, từng là giảng viên tại đại học ở Mỹ.   

Ít ai biết, trước khi trở thành diễn giả nổi tiếng trong các sự kiện, hội thảo của TEDx, Google, Facebook, cô gái Sài Gòn từng xuất thân với chuyên ngành quản lý thiết kế và từng là giảng viên tại một trường đại học danh tiếng ở Boston, Mỹ.

Năm 2015, Lea Trúc - tên đầy đủ là Lê Xuân Trúc - du học thạc sĩ ngành Quản Lý Thiết Kế và Thời Trang tại Atlanta (Mỹ). Vừa học vừa làm, cô trở thành trợ lý giám đốc tại một bảo tàng nghệ thuật. Đến đầu 2017, Trúc ứng tuyển và trở thành giảng viên trường đại học ở trung tâm Boston. Đây là dấu mốc có ý nghĩa quyết định với cuộc đời cô gái Việt.

"Thời gian đầu đi dạy, sinh viên chọc hoài vì mình trông trẻ quá, không nghĩ là giảng viên. Việc một cô gái châu Á, đứng trên giảng đường danh tiếng ở Mỹ là một cảm giác rất đặc biệt và có phần tự hào", Trúc kể lại. Những đồng nghiệp quanh mình lúc đó đều là giáo sư, tiến sĩ lão làng. Họ tỏ ra khá bất ngờ khi thấy một cô gái trẻ, tóc đen da vàng thường xuyên xuất hiện trong khu vực nhân sự cấp cao của trường.

Trong hai năm đi dạy, Lea Trúc tham dự nhiều workshop, hội thảo. Sau một hội nghị chia sẻ về các dự án công nghệ có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, Trúc bắt đầu tò mò về lập trình. "Khi tham gia workshop công nghệ, mình thấy đa phần diễn giả là nam giới. Mình muốn một ngày, có thể đứng ở đó để chia sẻ, code demo cho mọi người thấy rằng nữ giới cũng có thể làm được chứ không phải chỉ nam".

Lea Trúc bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển hướng sang công nghệ. Người đầu tiên cô tham khảo ý kiến từ một kỹ sư phần mềm người Mỹ. Khi đó người bạn chỉ cười và nói: "Lea, em sẽ không bao giờ thành công được trong ngành này đâu, đừng cố gắng lãng phí thời gian, công sức".

Lea Trúc tại văn phòng của Google.

Cô gái Việt cảm thấy khá hụt hẫng, thay vì nhận được sự ủng hộ thì lại bị "dội gáo nước lạnh". Bản thân Trúc cũng không thích bị người khác áp đặt suy nghĩ. Những định kiến về nữ giới trong ngành càng khiến cô quyết tâm hơn.

Trong nửa năm cuối giảng dạy ở Boston, Lea Trúc dành nhiều thời gian để suy nghĩ về cơ hội phát triển trong ngành lập trình, phải bắt đầu từ đâu, những rủi ro phải đối mặt. Cô cũng phải đấu tranh, cân nhắc rất nhiều về những cơ hội khác ở Mỹ nếu chuyển sang lĩnh vực mới. "Nếu đi dạy, mình sẽ ổn định, có danh tiếng, nhưng nó chỉ dừng lại ở đó. Còn công nghệ thì mở ra muôn vàn cơ hội. Mình vẫn có thể đi dạy, vẫn có thể làm quản lý, có thể làm lập trình, có thể startup, tự mình làm một sản phẩm mới...", Trúc nói . Sau đó cô quyết định bỏ ngang công việc giảng viên và bắt đầu từ con số 0 với ngành lập trình.

Khi đã quyết định, Trúc thông báo với bố mẹ sẽ nghỉ việc tại trường đại học. Quyết định của cô khiến gia đình khá bất ngờ và bối rối. Khi nghe lý do và dự định theo đuổi ngành lập trình, gia đình cô mới thật sự bị sốc. 

Như phần đông suy nghĩ trong xã hội, bố mẹ Trúc cũng cho rằng nghề lập trình là công việc của nam giới. Chưa kể các kỹ sư đã mất rất nhiều thời gian theo đuổi, trong khi con gái mình là tay ngang thì làm sao có cơ hội.

"Bố mẹ lo lắng rất nhiều về cơ hội công việc tốt đã bỏ qua sẽ không quay lại được, sợ thất bại, thời gian công sức của tôi bỏ ra sẽ đổ sông đổ bể...", Lea Trúc kể. Theo quan niệm của người Việt Nam, cô cũng đã đến tuổi ổn định để tính chuyện lập gia đình. Giờ nghỉ ngang và bắt đầu lại với một ngành xa lạ, bố mẹ cô hoang mang.

Thời gian đầu, bản thân Trúc cũng rất sợ. Cô sợ những gì bố mẹ lo lắng sẽ thành sự thật, sợ cả những định kiến của mọi người về phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ châu Á sẽ đúng, nhất là với ngành lập trình cô định theo đuổi. Hơn hết cô cũng hiểu mình không còn trẻ để thử và thất bại. 

"Cuối cùng mình nghĩ, bây giờ chỉ có một cách là phải vượt qua nỗi sợ. Mình phải tiếp tục đi, đi đủ lâu, đủ dài thì mới tới nơi. Có thể đích đến không phải như mình mong đợi, nhưng ít nhất nó cũng đưa mình đến một cột mốc nào đó. Nếu sợ hãi, mình chỉ giậm chân tại chỗ". Trúc quyết định một mình bước đi trên con đường hoàn toàn mới. Gia đình không cản được Trúc nhưng cũng không hoàn toàn ủng hộ.

Một trong những điều hấp dẫn Lea Trúc nhất khi chọn công nghệ cho ngã rẽ cuộc đời là máy tính sẽ không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc... Ngôn ngữ lập trình chỉ có đúng và sai. Hơn nữa công nghệ thay đổi hàng ngày, những gì mình học hôm nay, các anh chị kỹ sư đi trước cũng đều phải học. Mọi người đều có cơ hội ngang nhau, người đến sau nếu cố gắng vẫn có thể bắt kịp chứ không bị bỏ lại.

Những ngày đầu, Trúc tự lên Internet để tìm hiểu và học kiến thức cơ bản về lập trình. Cô thừa nhận rất sợ công nghệ, sợ máy tính vì xuất thân là dân mỹ thuật, không phải đam mê với máy tính từ nhỏ như câu chuyện của nhiều nữ lập trình viên khác.

Lea Truc thuyết trình trong hội thảo công nghệ Google I/O.

Trúc tự mày mò trên các khoá học online. "Thời gian đầu mình bị stress, tóc rụng mất một nửa, mặt mày xanh xao bên chiếc laptop. Đó là thời gian thật sự khó khăn vì phải tự mày mò, không có người hướng dẫn", Trúc nhớ lại.

Lea Trúc tiếp tục tự mày mò và tham gia nhều hơn vào các workshop, các hội thảo kỹ thuật. Từ đây, cô không chỉ được học thêm về lập trình mà còn tìm được bạn bè và có thêm động lực để theo đuổi con đường mới. 

Game đầu tiên cô viết là khi tham gia một workshop về logic lập trình. Vào phút cuối, code bị lỗi, không thể hiển thị được hình trong game. Khi đó cũng hết giờ nên giáo viên nói mọi người tự làm tiếp theo hướng dẫn để chữa lỗi. Lea Trúc tiếp tục mày mò, muốn làm một game của riêng mình, tự mình thiết kế đồ hoạ, làm tất cả mọi khâu.

"Lúc này mình mới phát hiện ra, để đưa được hình ảnh vào game, màn hình nó phải tuân theo những luật định bitmap. Có nghĩa, mình đã sai ngay từ khâu hình ảnh. Vì vậy mình mới vào photoshop, làm từng pixel hình ảnh và code chia cho 8". Cuối cùng game "con mèo" của Trúc cũng chạy được. Cô gửi email, giải thích với cả nhóm về nguyên nhân lỗi, để khắc phục thì cần phải qua những bước gì. Trúc cũng chia sẻ với mọi người về game nhỏ của mình và nhận được phản hồi của giáo sư hướng dẫn. Ông không ngờ cô có thể tìm ra được nguyên nhân và giải quyết được nó trong thời gian ngắn. Game nhỏ mà cô lập trình cũng khiến ông rất bất ngờ. Chính những ghi nhận, động viên đó là động lực để cô tiếp tục dấn thân trên con đường lập trình.

Đến cuối năm 2018, Lea Trúc thành lập cộng đồng "Cat Can Code" với khẩu hiệu "Nếu một chú mèo có thể code, bạn cũng có thể". Tổ chức phi lợi nhuận của Lea Trúc bất ngờ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Tên tuổi của cô gái Việt từ đó cũng được nhiều người biết đến hơn. Sau một sự kiện làm việc cùng Facebook Developer Circle, Lea Trúc được Google Developer Group Vietnam mời làm workshop về công nghệ cho phụ nữ.

Lea Trúc cũng nhận thấy Việt Nam hoàn toàn không có tên trên hệ thống Women Techmakers (Nữ nhân công nghệ) của thế giới. Trong khi những cộng đồng công nghệ dành cho phụ nữ nước ngoài hoạt động rất tích cực. "Khi đó mình đã tự hứa với bản thân là sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để đưa Việt Nam lên bản đồ Women Techmakers thế giới".

Trong thời gian mới về Việt Nam, Trúc phát hiện ra có những hội thảo chuyên sâu về công nghệ, cô gần như là nữ giới duy nhất tham gia. Phụ nữ trong nước gần như không có cộng đồng nào có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau về lập trình. Vì vậy đến cuối 2018, Trúc quyết định tổ chức workshop "Women Meet Code". Workshop đầu tiên được diễn ra với khoảng 60 bạn nữ tham dự. Đây cũng có thể xem là workshop về lập trình đầu tiên tại Việt Nam dành cho nữ giới.

Cũng từ Women Meet Tech, Việt Nam lần đầu có tên trên bản đồ Women Techmakers thế giới. Lea Trúc trở thành đại sứ đầu tiên của Google Techmakers tại Việt Nam. Hiện tại dự án Women Meet Tech được bảo trợ bởi Tổng lãnh sự quán Mỹ. Cộng đồng không chỉ hoạt động tại Việt Nam và còn có những đóng góp tích cực tại các quốc gia đang phát triển như Thái Lan, Brunei, Myanmar, và Malaysia. Tên tuổi của Lea Trúc cũng được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng quốc tế và mang đến cho cô nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Ước mơ của Trúc không phải là trở thành một thợ code giỏi mà có thể thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về bình đẳng giới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

"Thi thoảng bạn bè có hỏi mình về nước là do Việt Nam cần mình hay mình cần Việt Nam nên mới về. Lúc đó mình cũng suy nghĩ rất nhiều về việc nên ở lại Việt Nam hay sang Mỹ". Cuối cùng Lea quyết định, ở đâu cần mình thì sẽ ở đó, có thể là quê hương hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

"Mình đã trải qua nên hiểu, khó khăn nhất của nữ giới trong ngành công nghệ là họ bị thiếu một cộng đồng, một hình mẫu để có thể tự tin khẳng định giá trị bản thân. Mình cứ cố gắng từng chút, từng chút, khi có nhiều bạn nữ tham gia vào nghề này, khoảng cách giới tính cũng được thu hẹp, xã hội cũng bớt định kiến hơn về việc lựa chọn công việc vốn chỉ dành cho nam", Lea Trúc nói.

Tháng 7/2019, Lea Trúc thành lập cộng đồng Women Meet Code, hoạt động dưới sự bảo trợ của Tổng Lãnh sự quán Mỹ.

Song song với việc duy trì hai tổ chức về lập trình phi lợi nhuận, Lea Trúc cũng được mời tham gia nhiều vào các hội thảo, workshop quốc tế. Khi tiếp xúc với cộng đồng lập trình viên trên khắp thế giới, cô nhận ra những định kiến về phụ nữ châu Á nói chung và nữ giới Việt Nam nói riêng vẫn còn rất nặng nề. "Giá trị của những người phụ nữ tóc đen, da vàng đến từ các nước đang phát triển vẫn chưa được coi trọng. Nữ giới châu Á thành công và tạo ảnh hưởng đã hiếm, trong ngành công nghệ lại càng khó hơn. Vì vậy mình tự nhủ với bạn thân phải cố gắng và phải thành công hơn nữa để thay đổi những định kiến của thế giới về phụ nữ Việt Nam. Mình phải cho họ thấy phụ nữ Việt Nam cũng có thể làm được những gì họ muốn và thậm chí còn làm rất tốt".

Theo Lea Trúc, trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp không khó, nhưng tìm được một người vừa có thể làm được, vừa có thể nói được và truyền cảm hứng cho mọi người thì không dễ vì phải truyền đạt được ngôn ngữ công nghệ trừu tượng. Chưa kể bạn phải giỏi thuật ngữ chuyên ngành để làm sao có thể giải thích từ tiếng Anh sang tiếng Việt để những người bình thường nhất có thể hiểu được. Hơn nữa, những hoạt động cộng đồng cũng không mang lại thu nhập chính và ổn định như công việc khác.

Theo Lea Trúc, thành quả ngọt ngào nhất cô nhận được cho đến bây giờ là đưa được cộng đồng lập trình Việt Nam lên bản đồ Google Women Techmakers, ngang hàng với các nước trên thế giới. Lea Trúc cũng nhận được giải thưởng Ngoại giao Liên bang của Mỹ và trở thành diễn giả trong nhiều sự kiện trên khắp thế giới. 

Quan trọng hơn, Trúc đã vượt qua được nỗi sợ của chính mình, biết được giới hạn của mình ở đâu. Những hoạt động của "Women Meet Tech" cũng dần thay đổi được định kiến của xã hội về nữ giới, đặc biệt trong giới lập trình, công nghệ mà nam giới chiếm đa số. Trúc quan niệm, việc thành công trong ngành công nghệ và giúp những bạn nữ khác thành công cũng có thể chứng minh cho thế giới thấy, phụ nữ Việt Nam không chỉ giỏi về cầm kỳ thi hoạ mà trong cuộc sống hiện đại, họ cũng đa tài không thua kém bất kỳ ai ở bất kỳ nơi đâu.

Khương Nha