Sách đề cập nhiều tên tuổi nổi bật trong lịch sử nước nhà gồm các vua Hùng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, và các vị tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, hay các văn thần nổi tiếng tài giỏi như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ở mỗi bài viết, tác giả có phần tóm lược tiểu sử trước khi kể chuyện, giúp người đọc dễ hình dung về nhân vật, đi kèm hình ảnh minh họa. Tác giả chọn lọc các chi tiết để đảm bảo được sự kiện nổi bật trong cuộc đời nhân vật. Chẳng hạn, trong câu chuyện về nguyên phi Ỷ Lan, có tên bài viết là Vì sao có tên gọi Ỷ Lan, tác giả viết về cuộc gặp gỡ tình cờ hay là mối duyên kỳ ngộ giữa một cô thôn nữ ở nương dâu với vua Lý Thánh Tông. Phần viết về công chúa Lê Ngọc Hân tập trung vào chi tiết vua Quang Trung từ Thăng Long lệnh đưa cành đào hỏa tốc về Phú Xuân tặng cho Bắc cung hoàng hậu.
Chọn lối viết tường minh, cụ thể với ngôn từ hiện đại, nhiều chỗ giọng văn pha màu sắc hài hước, tác giả cho biết muốn góp phần xóa đi định kiến kể chuyện về lịch sử thường khô khan.
Nhà sử học Lê Văn Lan, 89 tuổi, quê Hà Nội. Ông từng theo học chuyên ngành lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam, nhất là về cổ sử. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Viện Sử học, thuộc thế hệ những người sáng lập. Lê Văn Lan từng có dịp làm việc cùng những tên tuổi đầu ngành của nền sử học hiện đại Việt Nam như học giả Đào Duy Anh, giáo sư Trần Văn Giàu, Văn Tân.
Nhiều năm qua, ông làm cố vấn môn Lịch sử cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam, phụ trách chuyên mục giải đáp các vấn đề lịch sử của báo Khoa học và Đời sống. Ông có khoảng 500 bài viết lịch sử dành cho độc giả trẻ.
Hà Thanh Vân