- Trong đêm nhạc vừa qua ở TP HCM, chị đặt chiếc guitar tại một chỗ ngồi trên hàng ghế đầu tiên, chị gửi gắm điều gì vào hình ảnh này?
- Tôi đặt chiếc guitar ở hàng ghế trang trọng nhất trong đêm diễn với ý nghĩa: sau hàng chục năm dài xa quê, giờ anh Phương cũng thấy tôi thực hiện tâm nguyện của anh - trở về hát trên quê hương. Điều mà khi sống anh chưa kịp làm thì nay tôi thực hiện.
Từ trước đến nay, tôi luôn tin chồng vẫn còn hiện diện bên cạnh tôi, dõi theo những công việc tôi đang làm. Ban đầu, tôi định mang chiếc guitar thực sự của anh từ Mỹ sang. Nhưng lại sợ đường xa di chuyển làm vật kỷ niệm bị hư hỏng nên tôi dùng tạm một chiếc guitar khác.
- Bao năm chồng mất, nếp sống của chị thay đổi ra sao?
- Lọ hài cốt của anh luôn ở chung nhà với tôi. Vài năm trước, khi tôi tìm được mảnh đất rộng tại phố Bolsa, Mỹ, tôi rất mừng rỡ vì tìm được địa điểm thích hợp xây nhà mới. Tôi tham gia vào quá trình xây dựng, từ việc cất mảnh vườn, tạo lập một không gian hoàn toàn Đà Lạt mộng mơ để chúng tôi được sống trong không gian ngày xưa. Trong vườn nhà tôi có 5 cây thông cổ thụ tuổi đời hơn trăm năm. Trên một con hồ nhỏ, tôi cất gian nhà gỗ xinh xắn lập bàn thờ anh. Đó là nơi tôi để chiếc bàn con, cái gối nhỏ, bình trà và cây đàn guitar để mỗi sáng anh có thể uống trà, nghe tiếng thông reo, chim hót... như hồi ở Đà Lạt.
Anh đi rồi, cuộc sống tôi phải thay đổi hoàn toàn. Khi còn anh, tôi là một người vợ, người tình nhân được sống trong vòng tay yêu thương của chồng, không phải lo nghĩ gì và chỉ thấy cuộc đời một màu hồng. Khi anh mất, cuộc sống tôi chỉ màu đen. Lúc đó, tôi mới nhận ra, anh ảnh hưởng đến cuộc đời tôi quá sâu sắc. Nhưng dù anh không hiện hữu bên cạnh tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy xa anh.
- Sau vài đêm diễn trong nước, chị tiếp tục hành trình thực hiện tâm nguyện trước khi mất của chồng ra sao?
- Một tâm nguyện tôi đang muốn thực hiện là mang tro cốt của anh từ Mỹ về đặt tại quê hương Đà Lạt. Mới đây, có khán giả ở Đà Lạt cho biết sẵn sàng tặng một mảnh đất để làm mộ cho anh ở một vị trí đẹp trong thành phố này. Vị khán giả cũng ngỏ lời dành sẵn cho tôi chỗ nằm cạnh anh. Tôi rất vui mừng trước tấm chân tình này và đang suy nghĩ về lời đề nghị.
Tôi đang tiến hành kế hoạch tour diễn cho học sinh - sinh viên trong nước. Tôi cũng sắp bắt tay vào việc viết hồi ký về cuộc đời thăng trầm của anh, cũng như khởi động dự án phim truyền hình về cuộc đời Lê Uyên Phương. Song song đó, tôi muốn giới thiệu gia tài âm nhạc chưa từng công bố của chồng tôi đến khán giả.
- Số lượng ca khúc Lê Uyên Phương để lại sau khi qua đời là bao nhiêu?
- Anh để lại hơn 60 ca khúc chưa bao giờ ghi âm hay công bố ở đâu. Thời gian qua, tôi thu âm được khoảng 10 ca khúc. Hầu hết những sáng tác này được anh viết vào khoảng cuối 1979 khi còn ở Việt Nam. Sau này qua Mỹ, do thay đổi môi trường sống, xa rời thiên nhiên của Đà Lạt, anh chủ yếu phổ nhạc vào thơ người khác chứ không sáng tác nhiều như trước. Những ca khúc chưa công bố của Lê Uyên Phương luôn giữ một màu sắc xuyên suốt về tình yêu, thân phận con người. Trong đó, ca khúc Có được cuộc đời mà anh dành riêng cho tôi sau khi tôi hồi phục từ tai nạn "thập tử nhất sinh". Đó là một bài hát tôi rất yêu thích.
- Chị làm thế nào có thể thực hiện được tất cả những điều anh ấp ủ?
- Hiện tại, tôi được ca sĩ Quang Thành tư vấn và hỗ trợ rất nhiều trong việc thương thảo với các đơn vị đầu tư, nhà sản xuất, việc xin cấp phép và phổ biến các ca khúc mới của Lê Uyên Phương trong nước, ra album mới... Quang Thành còn tiếp tục hỗ trợ cho những dự án lâu dài trong nước của tôi về sau.
Chúng tôi dự định khởi động tour diễn dành cho học sinh - sinh viên vào đầu năm 2015, bắt đầu từ thành phố Đà Lạt, sau đó qua các thành phố như Đà Nẵng, Cần Thơ... Để làm được điều này, tôi rất cần sự giúp sức của một ê-kíp và tôi đang nỗ lực để tìm kiếm sự giúp đỡ ấy.
- Chị gặp khó khăn gì khi phải thực hiện nhiều việc như thế?
- Việc thực hiện cuốn sách và bộ phim cũng là hai việc khá vất vả. Bạn bè thân thiết, những người có thể giúp tôi chấp bút thì đều qua đời, nên tôi phải tự mình làm việc này. Cũng may là tôi giữ gần như trọn vẹn, đầy đủ tư liệu về cuộc đời của anh Lê Uyên Phương nên cần có thời gian xem và chắt lọc lại... Trong bộ phim về cuộc đời và chuyện tình của chúng tôi, tôi mong mỏi gửi gắm đến khán giả những hình ảnh tư liệu đáng giá đánh dấu hành trình âm nhạc của Lê Uyên Phương.
Sinh thời, anh Lê Uyên Phương sống như một thiền sư, dễ tính, giản dị và thuận theo tự nhiên mà sống và làm việc. Tôi cũng học tập cách sống ấy từ anh, hy vọng mọi chuyện đặt ra sẽ gặp "thiên thời địa lợi nhân hòa" để tiến hành suôn sẻ.
- Hai con gái của chị ủng hộ các kế hoạch của mẹ ra sao?
- Hai con tôi không đi theo con đường ca hát của ba mẹ nhưng lại rất thích nghe nhạc của cha. Chúng luôn ủng hộ mẹ thực hiện tâm nguyện do cha để lại. Con gái út của chúng tôi (sinh năm 1981) khá giống tôi thời trẻ. Nên chắc khi thực hiện phim về cuộc đời Lê Uyên Phương, biết đâu tôi nhờ cháu đóng thay hình ảnh mình khi đó.
Ngày anh còn sống, chúng tôi đều thống nhất với nhau quan điểm dạy con làm sao để chúng có sức "đề kháng tinh thần" mạnh mẽ với cuộc đời. Dù hoàn cảnh xung quanh có thay đổi, có biến động như thế nào cũng giữ cái tâm an lành, tự tại. Hai con gái của tôi lớn lên ở môi trường giáo dục của Mỹ nhưng rất Việt Nam. Cháu ngoại của tôi năm nay 21 tuổi, sinh ra ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ "you", "me" hay dùng tiếng Anh để nói chuyện với bà ngoại. Chúng tôi đều cố giữ nếp nhà như đúng nguồn cội của mình.
Trước khi trở về Mỹ, ca sĩ Lê Uyên tiếp tục có hai đêm diễn nói lời chia tay khán giả trong nước. Chương trình diễn ra vào tối 15 và 16/11 tại phòng trà Tiếng Xưa, TP HCM mang chủ đề "Đêm tạm biệt". Tại đây, bên cạnh các nhạc phẩm của chồng, chị thể hiện ca khúc của: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Huỳnh Anh, Lam Phương... Ca sĩ Quang Thành góp mặt để cùng Lê Uyên thể hiện nhiều tác phẩm nhạc xưa. |
Thoại Hà thực hiện