Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đứng trước một bàn thờ được đặt trên khán đài trong nhà hát quốc gia. Ở vị trí trung tâm trên khán đài là cây cột tượng trưng cho linh hồn của những người đã thiệt mạng trong thảm họa 11/3/2011. Ảnh: AFP |
Nhật hoàng Akihito, Hoàng hậu Michiko, Thủ tướng Yoshihiko Noda cùng khoảng 1.200 quan khách tham dự buổi lễ tưởng niệm chính thức tại nhà hát quốc gia ở thủ đô Tokyo, AFP đưa tin.
Tại buổi lễ này, quốc ca Nhật vang lên trước khi Nhật hoàng và các quan chức cấp cao dành một phút mặc niệm, để tưởng nhớ tới các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa tồi tệ nhất ở đất nước mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II.
Video lễ tưởng niệm / Ảnh lễ tưởng niệm |
Một cây cột tượng trưng cho linh hồn của những người đã mất được đặt ở giữa khán đài trong nhà hát quốc gia Nhật. Nó được trang trí bằng những bông hoa cúc và hoa loa kèn màu trắng.
Nhật hoàng Akihito, người vừa trải qua ca phẫu thuật tim 3 tuần trước, nói rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ quên thảm kịch 11/3/2011 và nhấn mạnh tầm quan trọng của "kizuna", có nghĩa là các mối quan hệ con người, sau thảm họa.
"Rất nhiều khó khăn chồng chất trước mục tiêu tái thiết các vùng chịu thảm họa", Nhật hoàng nói. "Tôi hy vọng rằng mỗi người dân trên cả nước sẽ cùng chung nhịp đập trái tim với những người sống trong vùng bị ảnh hưởng, đồng thời tiếp tục giúp đỡ họ cải thiện cuộc sống".
Thủ tướng Noda thì cam kết Nhật Bản sẽ phục hồi sau thảm kịch. "Tổ tiên của chúng ta, những người đưa đất nước này tới sự thịnh vượng, đã vươn lên bằng lòng quả cảm trong những giai đoạn khủng hoảng", ông nói. "Trong khi thể hiện sự tương trợ với cuộc chiến từng ngày của những người sống trong vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa, chúng ta sẽ cùng theo đuổi sứ mệnh lịch sử của việc "tái sinh nước Nhật bằng các hoạt động tái thiết"".
Các buổi lễ tưởng niệm khác cũng được tổ chức ở quanh khu vực chịu thảm họa cũng như tại thủ đô Tokyo. Hầu hết đều bắt đầu vào lúc 14h46 hôm nay theo giờ địa phương (12h46 giờ Hà Nội), tức là trùng với thời điểm trận động đất 9 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi bờ biển đông bắc của Nhật Bản vào ngày 11/3/2011. Cơn địa chấn vào loại mạnh nhất thế giới thời hiện đại dẫn tới trận sóng thần kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của 15.854 người và khiến 3.155 người mất tích.
Tại Ishinomaki, nơi có một phần năm trong tổng số những người thiệt mạng, những hồi còi báo động sóng thần vang lên để đánh dấu thời khắc trận động đất xảy ra. Gần 4.000 người ở thành phố này đã mất sau sóng thần. Những người dân đang sống rải rác khắp đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa kép này đã được báo trước về những hồi còi báo động sóng thần hôm nay, nhằm tránh gây ra hiểu nhầm.
Video các hoạt động tưởng nhớ nạn nhân sóng thần |
Tại quận Watanoha ở thành phố Ishinomaki, gần 80 người dân đẫm nước mắt tập trung lại thành một nhóm để tưởng nhớ những người đã khuất. Hitomi Oikawa, 37 tuổi, mất cha trong thảm họa sóng thần. "Đã một năm rồi kể từ ngày cha tôi ra đi. Tôi sẽ cầu nguyện để tôi có thể vượt qua nỗi đau và để các con tôi có thể cảm thấy tốt hơn", Oikawa nói với AFP.
Tại Okuma, nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại nghiêm trọng sau sóng thần, những người dân phải đi di tản trở về chốn cũ bằng xe buýt để bày tỏ lòng thành kính với những người thân yêu đã đi xa. Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy những con người thổn thức bên trong lớp áo bảo vệ chống lại phóng xạ cùng với giầy và găng tay chuyên dụng. Họ cùng nhau tổ chức một buổi lễ cho những người đã mất tại Okuma.
Một phụ nữ lớn tuổi, người có cháu trai vẫn còn có tên trong danh sách mất tích, bật khóc khi bà đặt những bông hoa tại một khu vực ở Okuma. "Tôi muốn cháu tôi được tìm thấy", bà nức nở.
Tại thành phố lân cận Koriyama, các nhà sư đánh trống và cầu khấn trước một cuộc biểu tình chống hạt nhân. Số người tham gia hoạt động này vượt xa số ghế của một sân bóng chày được dùng làm nơi tổ chức.
Vùng đông bắc Nhật Bản rung chuyển hôm 11/3/2011 bởi cơn địa chấn 9 độ Richter ngoài khơi nước này. Đây là một trong những trận động đất mạnh nhất trên thế giới trong thời hiện đại. Nó kéo theo một trận sóng thần kinh hoàng, khiến 370.000 nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại. Thảm họa kép này còn dẫn tới các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima và đẩy nước Nhật vào khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ Chernobyl vào năm 1986.
Tính tới ngày 11/3/2012, 15.854 người được xác nhận thiệt mạng trong khi 3.155 người mất tích sau thảm họa động đất sóng thần. Khoảng 340.000 người hiện sống trong những ngôi nhà tạm, chủ yếu là tại 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm Iwate, Miyagi, và Fukushima.
Một cuộc điều tra của NHK cho thấy một phần ba số gia đình đang sống ở các khu nhà tạm nói rằng thu nhập của họ bị giảm một nửa so với trước khi thảm họa xảy ra. Cứ 5 người ở độ tuổi lao động lại có một người đang thất nghiệp. Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng một phần tư số người được hỏi nói rằng họ hiếm khi ra khỏi khu nhà tạm và cảm thấy bị cô lập.
Phan Lê