Sáng 13/11, họp trực tuyến với các đơn vị liên quan để phối hợp chuẩn bị lễ tưởng niệm, ông Phùng Khánh Tài (Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết, ngoài hai điểm cầu chính Hà Nội và TP HCM, các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh; các tổ chức tôn giáo... có thể lựa chọn hình thức phù hợp để hưởng ứng.
Trong thời gian diễn ra lễ tưởng niệm, Mặt trận đề nghị các cơ quan trung ương và địa phương hạn chế hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Các đài truyền hình tạm ngừng phát sóng các chương trình này và ưu tiên tiếp sóng lễ tưởng niệm từ Đài truyền hình Việt Nam.
"Việc tổ chức buổi lễ nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh; chia sẻ với các gia đình mất người thân và lan tỏa tinh thần nhân ái cộng đồng", ông Phùng Khánh Tài nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 8/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, đề cập có hơn 22.500 người tử vong do Covid-19 và đánh giá "mất mát này hết sức to lớn".
Ông đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức một ngày quốc tang những người đã mất vì Covid-19. Trên thế giới một số nước đã thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận, cũng đề xuất tổ chức ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19. "Chúng ta nên lấy 27/4, ngày bùng phát dịch lần thứ tư gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và sinh mạng của người dân, làm ngày tưởng niệm", ông nói.
Sau đó, tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương tổ chức lễ tưởng niệm trực tuyến đồng bào tử vong vì Covid. Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP HCM, các địa phương tổ chức lễ tưởng niệm này.
Đến hết ngày 12/11, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 22.930.