Trong ván đấu ở vòng 9 gặp Anh, Đại kiện tướng (GM) Lê Tuấn Minh (Elo 2.564) có thời điểm đưa tay lên xoắn tóc mái liên tục sau khi GM Luke McShane (2.611) đi một nước yếu. Khi bình luận ván đấu trên kênh Chess24, GM Daniel Naroditsky (2.619) mỉm cười rồi nói với GM Judit Polgar (2.675): "Lê Tuấn Minh đang xoắn tóc rồi. Cậu ấy thường làm vậy mỗi khi suy nghĩ sâu, và đó cũng là dấu hiệu không ổn với đối thủ".
Naroditsky dự đoán không sai, kỳ thủ Việt Nam chiếm ưu thế kể từ đó, rồi chuyển hóa thành thắng lợi chỉ sau 30 nước cờ. "McShane có thể coi là kỳ thủ huyền thoại, nhưng đối thủ của anh là Lê Tuấn Minh", Naroditsky nói thêm. "Lê Tuấn Minh đã hạ gục liên tiếp những Siêu đại kiện tướng tại giải này. Ở vòng trước, cậu ấy cũng hủy diệt Aryan Tari như gặp một cậu bé".
Lê Tuấn Minh khép lại Olympiad cờ vua 2024 với HC đồng cá nhân bàn ba bảng Mở rộng, với hiệu suất thi đấu 2.795, cao hơn cả hiệu suất 2.783 của kỳ thủ đoạt HC vàng bàn hai là GM Nguyễn Thái Đại Văn (2.647), đội CH Czech. Lê Tuấn Minh chơi trọn 11 ván tại giải, không cần nghỉ dưỡng sức, nhưng thắng bảy, hòa bốn và không thua ván nào. Bại tướng của anh có hai kỳ thủ từng là Siêu đại kiện tướng, gồm Javokhir Sindarov (2.677) và McShane.
Hiệu suất thi đấu trong cờ vua là chỉ số đánh giá phong độ của một kỳ thủ tại một hoặc vài giải đấu liên tiếp. Còn Elo để xác định năng lực kỳ thủ trong thời gian dài hơn, khoảng một vài năm. Hiệu suất thi đấu 2.795 của Lê Tuấn Minh cho thấy anh có phong độ tại Olympiad 2024 giống như một kỳ thủ có Elo 2.795. Kỳ thủ có Elo như vậy sẽ đứng trong Top 5 thế giới hiện tại. "Lê Tuấn Minh đã thể hiện một giải đấu để đời", Naroditsky nói thêm. "Cậu ấy như thể sẽ kiếm thêm 8 triệu Elo nữa".
Ở câu cuối, GM người Mỹ chỉ nói vui, bởi Lê Tuấn Minh "chỉ" kiếm được 34 Elo tại Hungary lần này, nâng hệ số hiện tại của anh lên 2.598. Hệ số này giúp anh trở thành kỳ thủ Việt Nam mạnh thứ tư lịch sử, xét theo Elo đỉnh cao, sau Lê Quang Liêm 2.741, Nguyễn Ngọc Trường Sơn 2.665 và Đào Thiên Hải 2.609.
Quang Liêm đạt Elo trên 2.600 tuổi 18, Trường Sơn muộn hơn chút ở tuổi 19, còn Thiên Hải cũng vươn tới mốc này khi 26 tuổi. Lê Tuấn Minh hiện 28 tuổi, chỉ còn cách cột mốc này 2 Elo.
Tìm người kế cận Quang Liêm và Trường Sơn là câu hỏi chưa có lời giải hơn 10 năm qua. Hai kỳ thủ này đã song hành tại Olympiad cờ vua từ năm 2006, cùng nhau ngồi hai bàn đầu tiên của đội nam từ năm 2008.
Kể từ đó, những kỳ thủ ngồi bàn ba thường thay đổi từ Thiên Hải đến các GM như Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Huỳnh Minh Huy hay Trần Tuấn Minh đều không có hiệu suất thi đấu đạt mức 2.700. Nếu không tính Thiên Hải năm 2008, hiệu suất của những kỳ thủ còn lại đều dưới 2.600, cho đến khi Lê Tuấn Minh lần đầu dự Olympiad lần này.
Trước đây, giới chuyên môn đã đặt kỳ vọng vào GM Nguyễn Anh Khôi, kỳ thủ Việt Nam duy nhất hai lần vô địch trẻ thế giới, U10 năm 2012 và U12 năm 2014. Tuy nhiên, kỳ thủ 22 tuổi đã không còn theo nghiệp cờ vua, vì ước mơ trở thành bác sĩ.
Giữa Anh Khôi và Lê Tuấn Minh có nhiều điểm trái ngược. Nếu như Anh Khôi đã dự Olympiad khi mới 14 tuổi (năm 2016), Lê Tuấn Minh phải đến 28 tuổi mới góp mặt lần đầu tại giải này. Kỳ thủ sinh năm 1996 cũng chỉ học cờ vua từ năm 8 tuổi, muộn hơn hai năm so với Anh Khôi hay những GM khác.
Khi còn trẻ, Lê Tuấn Minh cũng không có những thành tích vượt trội. Anh cũng không dành quá nhiều thời gian vào cờ vua như những tài năng trẻ khác, vì nhiều lý do, trong đó có kinh phí thi đấu. Anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc học, tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và sau này là Đại học Luật Hà Nội.
Lê Tuấn Minh đã chơi 405 ván cờ tiêu chuẩn tính Elo, đến hết tháng 6/2024. Con số này thấp hơn nhiều so với kỳ thủ 27 tuổi Trần Tuấn Minh, với 1.236 ván. Những GM khác cũng được cọ xát nhiều hơn hẳn ở tuổi 28, với Lê Quang Liêm là 1.157 ván, Trường Sơn 917 ván, Đức Hòa 702 ván, Minh Huy 732 ván và Văn Huy 596 ván.
Do ít chơi cờ tiêu chuẩn, Lê Tuấn Minh phải chờ đến năm 26 tuổi mới trở thành Đại kiện tướng. Trong khi đó, những GM thế hệ 9x trở về sau đều làm được điều đó trước tuổi 21.
Khi mới còn là Kiện tướng Quốc tế (IM), Lê Tuấn Minh đã nổi danh ở làng cờ, với hệ số cờ chớp và siêu chớp trực tuyến có lúc thuộc Top 10 trên nền tảng Chess. Nhiều cao thủ đặt coi anh là "IM mạnh nhất thế giới". Nói về Lê Tuấn Minh, năm 2021, cao thủ Hikaru Nakamura (2.802) nói rằng việc anh trở thành GM chỉ là vấn đề thời gian.
GM Bùi Vinh thì nhận xét sức cờ tiêu chuẩn của Lê Tuấn Minh cũng thuộc Top 100 thế giới, và nếu được đầu tư, anh có thể chạm tới tầm Siêu đại kiện tướng, điều mới có Quang Liêm làm được tại Việt Nam.
Khoảng hơn hai năm qua, Lê Tuấn Minh dành thời gian nhiều hơn cho cờ vua, khi tốt nghiệp Đại học và lập một kênh riêng trên nền tảng Twitch. Kênh của anh dùng tiếng Anh, đã có hơn 25.000 người theo dõi. Kỳ thủ 28 tuổi cũng được mời hoặc giành suất dự nhiều giải trực tuyến tầm cỡ, nổi bật là Speed Chess Championsship 2024, nơi anh thua số một thế giới Magnus Carlsen ở vòng 1/8.
Trong thời gian này, nhờ sự hỗ trợ của cờ vua Hà Nội, Tuấn Minh thi đấu cờ tiêu chuẩn quốc tế nhiều hơn để tăng Elo, từ mức 2.514 lên 2.598 như hiện tại. Sự vươn lên của anh giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để đạt thành tích cao tại Olympiad cờ vua những năm tới, khi bàn ba đã thành điểm mạnh của đội tại Hungary vừa qua. Nhưng điểm yếu ở bàn bốn và năm khiến đội rơi từ vị trí thứ hai xuống 25.
Ở hai kỳ tiếp theo tại Olympiad cờ vua năm 2026 và 2028, Quang Liêm, Trường Sơn và Lê Tuấn Minh sẽ tiếp tục là lá cờ đầu của đội nam. Khả năng cạnh tranh nhóm đầu của đội sẽ phụ thuộc vào mức độ trưởng thành của lứa kỳ thủ sinh năm 2009-2011 hiện tại, như Bành Gia Huy, Phạm Trần Gia Phúc, Đầu Khương Duy hay Đinh Nho Kiệt.
Lê Tuấn Minh sẽ đóng vai trò như gạch nối giữa hai thế hệ, và khả năng giành huy chương của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào những kỳ thủ trẻ nói trên.
Xuân Bình
Ngân hàng phát triển TP HCM (HDBank) hơn 10 năm đồng hành cùng giải cờ vua quốc tế, thúc đẩy sự trưởng thành của thế hệ kỳ thủ vàng Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Quang Liêm, Phạm Lê Thảo Nguyên... và góp phần đưa bộ môn cờ vua Việt Nam vào top thế giới.