Sáng 7/10, tại nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức lễ truy điệu cố Tổng bí thư Đỗ Mười trước khi đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà.
Cố Tổng bí thư từ trần đêm 1/10 sau thời gian dài trị bệnh, hưởng dương 101 tuổi. Tang lễ ông tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày. Từ sáng sớm, nhiều cụ già tóc bạc trắng, sinh viên tình nguyện đứng thành hai hàng trước cửa nhà tang lễ, mang theo ảnh kỷ niệm của cố Tổng bí thư lúc sinh thời.
Bà Trần Tiếp Thuỷ bắt xe buýt từ Bắc Giang lúc 5h sáng và có mặt ở nhà tang lễ lúc 6h30. Bà bày tỏ lòng kính trọng các thế hệ lãnh đạo xưa như ông Đỗ Mười, nên muốn tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, niệm phật cho vong hồn ông được siêu thoát.
Ông Nguyễn Xuân Hùng (90 tuổi, ở thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) từng mang cơm và làm hoa tiêu dẫn đường cho cố Tổng bí thư trong thời gian hoạt động bí mật những năm 1940. Ông xúc động chia sẻ: "Anh ấy luôn xưng hô thân mật với tôi là mày - tao. Mỗi lần đi hoạt động, anh thường đùa tao mà bị bắt thì mày cũng tiêu. Mới ra tù, anh gầy và xanh xao lắm. Mẹ tôi lúc nào cũng xót xa".
Đúng 9h, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu, nhấn mạnh, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, cố Tổng bí thư Đỗ Mười có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông được tặng thưởng huân chương sao vàng, huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Những ngày qua, hơn 1.600 đoàn với 60.000 người đã tới viếng, trong đó có hơn 100 đoàn ngoại giao, ba đoàn lãnh đạo cấp cao các nước Lào, Campuchia, Cuba.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu, nêu bật "cố Tổng bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn".
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ông Đỗ Mười sớm giác ngộ cách mạng, 19 tuổi đã tham gia phong trào bình dân, tổ chức ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông nhiều lần vào sinh ra tử, bị cầm tù, bị tra tấn nhưng hết mực kiên trung, giữ khí tiết của người cộng sản. Một trong những đóng góp nổi bật của cố Tổng bí thư Đỗ Mười thời kháng chiến chống Mỹ là tổ chức xây đường ống dẫn dầu bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào sự kiện thống nhất đất nước năm 1975.
Thập niên 1990 - giai đoạn xây dựng đất nước thời hậu chiến đầy khó khăn, ông đã thực hiện thành công đường lối đổi mới, tạo được bước ngoặt lịch sử: chuyển từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có các giải pháp chống lạm phát hiệu quả.
Khi đất nước bị bao vây, cấm vận, ông có đóng góp to lớn trong việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với các nước, đưa Việt Nam tham gia ASEAN.
Trọn 80 năm cống hiến cho tổ quốc, ông luôn giữ vững ý chí của người cộng sản, tìm tòi sáng tạo, quyết đoán, hành động quyết liệt trong mọi công việc.
"Cuộc đời ông là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, học tập và noi theo. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Đỗ Mười kính mến của chúng ta", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc điếu văn.
Sau phút mặc niệm, ông Nguyễn Duy Trung, con trai nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười thay mặt gia đình bày tỏ lòng cảm ơn tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người bạn quốc tế đã dành tình cảm, tới chia buồn cùng gia đình.
"Từ nay trong căn nhà ấm cúng, chúng con không còn bố nữa. Những bữa cơm đạm bạc hàng ngày chúng con không được ngồi cùng ăn với bố nữa. Những quyển sách trên bàn bố đang đọc, chiếc phản gỗ đơn sơ bố thường nằm nghỉ bên phòng làm việc vẫn còn đó. Giờ đây bố đã đi xa rồi. Bố về với Bác Hồ, về với tổ tiên, về với mẹ của chúng con.
Khi còn sống, bố luôn dạy bảo, nhắc nhở chúng con phải cố gắng học tập, rèn luyện mọi mặt theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Có những điều chúng con đã thực hiện được và còn những điều chúng con chưa làm tốt. Chúng con xin hứa và nguyện thực hiện theo những điều bố đã dặn", ông Trung gửi lời tâm sự đến cha.
Lễ truy điệu kết thúc, lãnh đạo cùng gia đình đi vòng quanh linh cữu trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nhiều người rơi nước mắt ngậm ngùi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao, đặt tay lên trên linh cữu phủ quốc kỳ, mắt hướng về phía người đã khuất. Tiếp sau, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh... bước vòng quanh linh cữu, chắp tay bái biệt.
Lãnh đạo đảng, nhà nước cùng nhiều người tiễn theo đoàn xe chở linh cữu cố Tổng bí thư ra cổng nhà tang lễ, đưa ông qua nhà tại phố Phạm Đình Hổ (Hoàn Kiếm) để làm các nghi thức theo quan niệm truyền thống.
Đoàn linh xa đi qua Quảng trường Ba Đình, phố Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Giải Phóng... để về quê ông tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Trên các tuyến phố, hàng nghìn người dân đứng dọc hai bên đường, trong đó có nhiều người cao tuổi, tiễn biệt vị cựu lãnh đạo.
Cùng thời điểm với Hà Nội, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười được cử hành trang trọng tại Hội trường Thống Nhất. Hơn 1.000 người tham dự xúc động theo dõi lễ truy điệu được truyền hình trực tiếp từ Hà Nội.
Lễ an táng cố Tổng bí thư diễn ra lúc 13h tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Xem diễn biến chính