-
06h00
Trên đường Lê Viết Thuật, TP Vinh, trước khu vực dẫn vào Nhà tang lễ Quân khu 4, rất đông người dân đến theo dõi lễ viếng và truy điệu đại tá Trần Quang Khải, phi công hy sinh khi chiếc Su-30MK2 rơi ở biển Nghệ An ngày 14/6.
Trước đó tối 19/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã cùng với lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An đến thăm, chia buồn với người thân, gia đình của đại tá Trần Quang Khải đang có mặt tại Quân khu 4.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới vợ, con, người thân đại tá Khải và khẳng định Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước sẽ không quên tấm gương hy sinh anh dũng của đại tá Khải; sẵn sàng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ người thân, gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
-
6h30
Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Sư đoàn Không quân 371 thông báo, sau lễ viếng tại Nghệ An, lễ viếng phi công Trần Quang Khải tiếp tục tổ chức tại nhà riêng ở tỉnh Bắc Giang. Đại tá Khải sẽ được hỏa táng ở Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội), an táng ngày 21/6 tại xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) theo nguyện vọng của gia đình.
-
7h00
Lễ viếng đại tá phi công Trần Quang Khải bắt đầu, tiếng nhạc của bài "Hồn tử sĩ" vang lên. Ban tổ chức lễ tang đọc tiểu sử của đại tá Khải.
Tham dự lễ tang có phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Đoàn đại biểu Chính phủ và tỉnh Nghệ An viếng đầu tiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số lãnh đạo cấp cao của nhà nước gửi vòng hoa kính viếng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại diện Chính phủ viếng và viết vào sổ tang đầu tiên. "Sự hy sinh của đồng chí làm tô thắm thêm cho lá cờ truyền thống vẻ vang của không quân Việt Nam anh hùng, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng", ông Dũng viết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng gửi lẵng hoa kính viếng phi công Khải và chia buồn với gia đình.
-
7h15
Cán bộ, chiến sĩ đến từ nhiều quân, binh chủng nghiêm trang chào tiễn biệt đại tá Trần Quang Khải. Anh Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân. Anh từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.
-
7h30
Đứng ở góc đầu nơi gần linh cữu chồng, người vợ ánh mắt đỏ hoe, cô con gái nhỏ thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn mẹ. Một số người họ hàng đã dùng quà dỗ bé để không khóc.
Trong ký ức người thân, đại tá Trần Quang Khải là người đàn ông vững chãi, ấm áp, hay cười và có tình yêu vô hạn với bầu trời. Anh dự định xây nhà ở quê Bắc Giang theo kiến trúc Thái Lan. "Cậu thích xây nhà ở quê để bố an hưởng tuổi già và vợ chồng, con cái về chơi cho thoải mái. Cậu định khi nghỉ hưu sẽ về quê, sống gần gũi bên anh em họ hàng", người cháu gái chia sẻ.
-
7h40
Hàng trăm người dân tập trung trước nhà tang lễ Bệnh viện Quây y 4 (TP Vinh (Nghệ An) để chờ đợi đến lượt vào viếng đại tá phi công Trần Quang Khải. Nhiều người bày tỏ thương tiếc tới người chiến sĩ đã hy sinh trong thời bình.
Luôn hướng ánh mắt vào trong, chốc chốc lại lấy tay lau chấm những giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Bích Hiến (75 tuổi, xã Hưng Lộc, TP Vinh) cho biết, có con là Lê Đình Thắng cùng đơn vị với đại tá Trần Quang Khải, nghe con báo tin về, bà muốn đến thắp nhang, chia buồn với gia đình.
-
7h50
-
8h15
"Anh Khải ơi, có lẽ mỗi người trong chúng ta đều có một số phận đã được định trước. Thế nên anh mới ra đi như thế. Chúc anh ở thế giới bên kia luôn được an lành, phù hộ cho con cháu anh nhé. Rất thương yêu anh", ông Lại Văn Sâm, Giám đốc VTV3, viết trong sổ tang.
Chia sẻ sau lễ viếng, ông Lại Văn Sâm cho biết, thời gian nghỉ phép, đọc nhiều bài thơ viết về phi công Trần Quang Khải, bản thân rất xúc động. Vì thế, ông quyết định bay vào viếng, dù không quen biết anh Khải.
-
8h30
Trong dòng người tới viếng, ngoài những người ở trong lực lượng vũ trang còn có các phật tử. “Từ khi nghe tin các anh gặp nạn, tôi luôn cầu nguyện mong có phép màu đến với các anh, nhưng điều mong ước của tôi đã không thành sự thật. Một người trở về trong vòng tay gia đình, người còn lại nằm mãi ở nơi biển khơi”, một phật tử nói.
-
8h50
Ngồi lặng bên ngoài hành lang, thượng tá Nguyễn Văn Thuyết, Sư đoàn 371 (đơn vị cấp trên của đại tá phi công 43 tuổi) cho biết, anh Khải là phi công có lập trường, quan điểm chính trị tốt, gương mẫu trong phong cách sống, luôn tận tình với đồng đội.
Nhiều người dân Nghệ An dù không quen biết, nhưng trước sự hy sinh của phi công Khải, đã đến chia buồn và không cầm được nước mắt khi đi qua linh cữu anh.