Thứ bảy, 6/7/2024
Chủ nhật, 16/6/2024, 19:22 (GMT+7)

Lễ trưởng thành của học trò mồ côi sau Covid-19

Đà NẵngMười học sinh lớp 12, sau 3 năm sống và học tập tại Trường Hy Vọng, đã có dịp tri ân các thầy cô, bày tỏ tình cảm với lứa đàn em trong Lễ trưởng thành.

Chiều 15/6, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy Vọng (Hope School) tổ chức Lễ trưởng thành cho 10 học sinh hoàn thành chương trình lớp 12. Đây là lễ trưởng thành đầu tiên của học sinh Trường Hy Vọng sau 3 năm Tập đoàn FPT nhận nuôi dạy trẻ mồ côi sau đại dịch Covid-19.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhà sáng lập Trường Hy Vọng, trao khăn và chỉnh lại mũ cho em Mai Thị Thuý Anh (quê TP HCM).

Chia sẻ với những học sinh sắp rời Trường Hy Vọng, ông Bình mong muốn "những chú chim đại bàng rời tổ" sẽ luôn sống yêu thương và nghị lực để ngày một trưởng thành, bản lĩnh hơn.

Bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Quỹ Hy Vọng - Hội đồng sáng lập Trường Hy Vọng, trao những chiếc khăn rằn miền tây cho các học sinh rồi ôm động viên những "đứa con".

Em Đoàn Hoàng Bảo Trâm (18 tuổi) đến dự Lễ trưởng thành trên xe lăn, khi đang phải điều trị bệnh hiểm nghèo, nhận được sự chăm sóc, động viên của mọi người.

Ba học sinh Trường Hy Vọng tốt nghiệp lớp 12 năm ngoái, đang là sinh viên đại học tại Đà Nẵng, cũng được mời đến dự lễ trưởng thành và nhận khăn từ Chủ tịch Tập đoàn FPT.

Bà Trương Thanh Thanh chia sẻ, ngay những ngày đầu đón các em về, Quỹ Hy Vọng đã nhận được rất nhiều sự đồng hành của các cá nhân, đơn vị. Bà nhắn gửi các học sinh đã ra trường hãy luôn biết ơn các thầy cô, quý ân nhân xa gần.

"Nuôi các con khôn lớn thành người, bước ra khỏi bóng tối là một điều khó khăn, nhưng chúng tôi hy vọng xây được niềm tin và hy vọng để các con bước vào đời", bà chia sẻ.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT, dành tặng các học sinh trưởng thành nhiều món quà, trong đó có những cuốn sách được chọn lọc để chắp thêm hành trang cho các em vào đời.

Cả hội trường cùng đứng dậy để học sinh Trường Hy Vọng đọc 10 lời hứa. Trong môi trường tập thể, các em được rèn luyện tính kỹ luật và lối sống chia sẻ, yêu thương nhau.

Lê Thị Thu Thảo (bìa trái) và Huỳnh Thị Nhã Trân tươi tắn trong trang phục tốt nghiệp. Năm nay Thảo đăng ký thi tuyển ngành Sư phạm âm nhạc Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Còn Trân muốn theo học ngành xét nghiệm của Đại học Phan Châu Trinh.

"Lễ trưởng thành là để nối tiếp hành trình của đời mình. Em luôn tự hứa không được phép từ bỏ chặng đường phía trước, quyết tâm học thật giỏi và làm người có ích cho xã hội, không phụ lòng các thầy cô", Nhã Trân chia sẻ.

Trước khi nhận bằng và khăn của Lễ trưởng thành, học sinh Trường Hy Vọng cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong 3 năm ở trường. Chương trình Lễ trưởng thành do các học sinh Trường Hy vọng tự viết kịch bản và dàn dựng.

Ngoài nỗi nhớ người thân, những lá thư gửi cha, mẹ ở thế giới bên kia, mười học sinh lớp 12 cũng lần đầu chia sẻ về niềm vui, nỗi buồn mình đã trải qua, cả những lần phạm lỗi với thầy cô và bạn bè cũng như các em nhỏ ở Trường Hy Vọng.

Các học sinh cùng nhau lớn lên ở mái trường này không ngại ngần thể hiện tình cảm và cả những giọt nước mắt. Nghe chia sẻ tận đáy lòng của học trò, nhiều người mắt đỏ hoe.

Để tri ân người sáng lập Trường Hy Vọng, 10 học sinh lớp 12 cùng nhau làm bức tranh tặng Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.

"Điều em hạnh phúc nhất là được sống trong môi trường của tình yêu thương. Chính thầy cô, bạn bè đã giúp em không còn sống khép mình mà ngày một vui tươi, trưởng thành hơn", em Mai Thị Thuý Anh chia sẻ.

Trường Hy Vọng là nơi tiếp nhận học sinh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tuổi từ 6 đến 18, ưu tiên các em hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng và được người giám hộ chấp thuận.

Trước đó, Hope School ra mắt "vườn ươm" Hoa Hy Vọng giúp học sinh trong trường có điều kiện khởi nghiệp, học cách kinh doanh những sản phẩm do chính tay mình làm ra, thông qua các câu lạc bộ: Sen đá, xà bông, làm bánh, vườn rau, nghệ thuật... Ảnh: Nguyễn Huy.

Các em nhỏ lần lượt giới thiệu về sản phẩm mà các câu lạc bộ đang làm, báo cáo những thành quả bước đầu và định hướng cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hơn 4.000 bánh xà bông do các bạn học sinh Hope School làm ra, đã được đặt mua, trong đó có tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy. Các chậu sen đá được doanh nghiệp đặt mua để trưng bày ở bàn làm việc khắp toà nhà. Ảnh: Nguyễn Huy.

Nguyễn Đông