
Phụ huynh chụp ảnh lưu niệm cùng các con trong Lễ Tri ân và Trưởng thành của học sinh lớp 12 trường THPT Phú Nhuận, TP HCM - Ảnh: Đoàn trường THPT Phú Nhuận
Không biết từ đâu, những hình ảnh từ thời xưa cũ của con gái bỗng ùa về trong tâm trí chị Phương như một cuốn phim. Để có buổi học mầm non đầu tiên trọn vẹn, cả nhà mất mấy tháng tập cho con làm quen trường lớp. Những buổi đầu đi học, con khóc không muốn vào lớp, mẹ bế đưa tận tay cô rồi chạy thật nhanh để trốn. Con không nhìn thấy mẹ nữa sẽ không còn khóc lóc ăn vạ. Những buổi chiều đợi mẹ đến đón, con đã ôm sẵn ba lô ngồi trước cửa.
Ngày khai giảng lớp một, cả nhà dậy sớm hơn bình thường. Bố mẹ chuẩn bị cờ hoa cho con cầm và tết tóc thắt nơ thật đẹp cho con. Đưa con đến lớp, mẹ cẩn thận giao tận tay cô nhưng vẫn đứng ngoài cổng trường cố nhìn xem con thế nào giữa các bạn mới. Những chữ cái đầu tiên con không viết vào vở mà viết lên khắp tường nhà, lên gối, lên đệm khiến mẹ nhiều lúc bực mình quát mắng.
Rồi con vào cấp hai, không còn rụt rè và sợ đi học nữa. Ngày khai giảng đầu tiên ở bậc trung học cơ sở, con vẫy tay chào tạm biệt mẹ ngay ở cổng trường. Con vào cấp ba, buổi đầu, mẹ vẫn đưa đến lớp. Sau đó, con nằng nặc đòi được tự đi. Con được mua một chiếc xe đạp điện để chủ động đi học. Những ngày con thức khuya học bài, mẹ cặm cụi làm những món ăn con thích, bồi bổ cho con.
Nhìn lại quãng đường đã qua của con, chị Phương lại lo lắng khi nghĩ tới kỳ thi quốc gia tháng 7 tới. Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo áp dụng phương án thi gộp tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Cao đẳng Đại học. Tất cả công sức bao năm đèn sách của con sẽ được gói gọn trong kỳ thi đó. "Cả gia đình đang cùng con lo cho kỳ thi năm nay, nhưng điều quan trọng nhất là con đã 18 tuổi, cái mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người đánh dấu sự trưởng thành thực sự", người mẹ nghẹn ngào chia sẻ.
Trong lễ Tri ân và Trưởng thành của các học sinh lớp 12 trường Đinh Thiện Lý (TP HCM) vào tuần trước, cô bé MC học lớp 11 bắt đầu:“Kể từ hôm nay, sau 12 năm, họ không còn được gọi là học sinh nữa. Kể từ hôm nay họ sẽ phải tự đi trên con đường của mình mà không có ai dắt tay. Họ sẽ phải tự khẳng định mình…”. Ngồi trên hàng ghế dành riêng cho các phụ huynh, chị Thu Nga không khỏi xúc động và suy ngẫm. Một cảm giác rất khó tả, vừa hạnh phúc vì con đã trưởng thành, vừa lo lắng chặng đường phía trước đang chờ đợi con, vừa giật mình thảng thốt bởi thời gian trôi nhanh quá.
Nhìn con cùng các bạn tự tin và chủ động trong lễ trưởng thành của mình, chị cảm thấy thật tự hào. Con gái giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp, cao hơn mẹ kể cả khi mẹ đi giày cao gót. Cô thiếu nữ ấy dẫn mẹ vào hàng ghế dành riêng cho các bậc phụ huynh. Chị không còn thấy đâu một cô bé núp sau lưng mẹ trong ngày đầu tiên đi học. 12 năm học tập đã giúp con trưởng thành.
Đứng trên bục nhận hoa từ các con, chị Nga lặng yên lắng nghe từng lời tri ân, miệng mỉm cười nhưng tay lại liên tục lau nước mắt. “Những năm qua chúng con đã làm bố mẹ vất vả nhiều. Sự khôn lớn của chúng con hôm nay được đếm bằng những nếp nhăn ở đuôi mắt mẹ và những sợi tóc bạc trên đầu cha”… Lời những đứa con lần đầu bộc bạch với bố mẹ trong lễ trưởng thành khiến xung quanh chị, các vị phụ huynh khác cũng không ngăn được những giọt nước mắt. Lần đầu tiên, họ được nghe những điều hiển nhiên ấy từ miệng đứa con mà họ vẫn luôn xem là non nớt, ngây ngô.
“Ba mẹ ơi, chúng con biết dù sau này chúng con có thành công hay thất bại, vẫn luôn có ba mẹ dõi theo…”. Tiếng bọn trẻ vẫn líu ríu bên tai. Sự trưởng thành của các con đồng nghĩa với việc cha mẹ ngày càng già đi, nhưng là một người mẹ, với chị Nga, hạnh phúc lớn nhất chính là thấy con trưởng thành.
Con ngoan và luôn tự chủ, với chị Thu Thủy (Bình Thạnh, TP HCM), lễ trưởng thành giúp con nhận rõ hơn những mục tiêu trong cuộc đời. Con chị học trong một trường quốc tế, lớp học chỉ có 12-13 học sinh, gần đến ngày chia tay bọn trẻ không quá quyến luyến với nhau nhưng rất háo hức và hồi hộp trước chặng đường sắp tới. Hơn phân nửa trong số đó có ý tưởng du học ngay sau tốt nghiệp. Con chị cũng định du học Mỹ vài tháng sau đó.
Buổi lễ Tri ân và Trưởng thành diễn ra trong một phòng máy lạnh. Bọn trẻ đọc diễn văn, nói lời cảm ơn thầy cô, cha mẹ, biểu diễn văn nghệ, mặc áo tú tài chụp ảnh lưu niệm. Cuối cùng, giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng thưởng thức một bữa tiệc buffet. Tất cả hoạt động diễn ra khá "Tây", làm chị chợt nhớ tới thời của mình cách đó hơn 20 năm, lớp gần 50 học sinh, rụt rè và "mít ướt" hơn lớp con chị rất nhiều.
"Bọn trẻ hồ hởi, vui vẻ khi trưởng thành nhưng cũng buồn man mác khi chia tay. Chúng không hề biết rằng, chính cha mẹ của chúng cũng có tâm trạng đó", anh Ngọc Bảo (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ. Để dự lễ trưởng thành của con, anh từ chối mọi công việc, cùng con đến trường thật sớm. Là một người cha, anh không muốn bỏ lỡ một sự kiện quan trọng trong cuộc đời con.
Gia đình có truyền thống dạy học, anh Bảo không khỏi so sánh thế hệ của con với thế hệ của mình cách đây hơn 30 năm và cảm thấy có một sự chênh lệch quá lớn. Sự khác nhau đến từ ngay quang cảnh buổi lễ. Ngày trước, đơn giản là ra trường, chỉ có thầy và trò, còn bây giờ, lễ ra trường kết hợp cùng với lễ tri ân, lễ trưởng thành khi 18, thầy trò tổ chức cầu kỳ và vui nhộn với sự chứng kiến của đông đảo phụ huynh. Ngày xưa, khi chia tay, anh và các bạn chỉ biết viết lưu bút, làm thơ tặng nhau, còn bây giờ bọn trẻ ghi lại dấu ấn bằng cách chụp ảnh, đăng lên Facebook...
Đặc biệt ở lứa tuổi này, hai cha con là sự khác nhau giữa kiến thức. Những gì mà thế hệ anh thấy phức tạp thì với con anh quá đơn giản. 30 năm trước, mấy ai biết điện thoại, máy tính là gì. Con anh bây giờ, trừ khi làm bài kiểm tra, còn học tập lúc nào cũng sử dụng đến công nghệ cao, đi học nhiều khi chép bài trên máy tính, tra cứu tài liệu cũng qua máy tính, điện thoại. Ngược lại, ít cầm bút nên chữ của học sinh bây giờ xấu hơn, văn phong lủng củng hơn. Ông bố này vui nhưng cũng không ít suy tư: "Chỉ học và học, trẻ bây giờ kiến thức nhiều hơn nhưng kỹ năng sống lại kém hơn".
Hạnh phúc khi nhìn con lớn, lo lắng khi nhìn về kỳ thi đại học của con, anh cũng không khỏi chạnh lòng khi đã trở thành một ông già 50, bụng bia và hai màu tóc trên đầu.
Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng trường trung cấp Âu Việt cho biết, Lễ Trưởng thành vốn xuất phát từ Tây Âu, mới được du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. 18 tuổi là bước ngoặt về mặt xã hội trong cuộc đời của mỗi con người. 18 tuổi, về mặt pháp luật, thanh niên đó đến tuổi chịu trách nhiệm đầy đủ về nghĩa vụ công dân của mình. Về mặt tâm lý, đứa trẻ trở nên tự tin hơn và muốn được làm người lớn. 18 tuổi, nếu tốt nghiệp trường trung cấp dạy nghề, thanh thiếu niên ấy hoàn toàn đủ tuổi và đủ năng lực để làm việc. 18 tuổi tốt nghiệp phổ thông và tiếp tục học đại học, sống bằng tiền trợ cấp của gia đình thì trẻ chưa hẳn đã trưởng thành. Trưởng thành có nghĩa là người ấy phải tự lo liệu được cuộc sống cho mình.
Giáo sư Hiền cho rằng, Lễ trưởng thành là một việc nên làm, khuyến khích trẻ tự tin bước vào đời. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng trưởng thành ảo, người thanh niên chỉ đạt về số tuổi mà chưa đạt được khả năng tự chịu trách nhiệm. Cha mẹ nên tạo điều kiện để con em được làm một người trưởng thành thực sự, có khả năng tự chịu trách nhiệm về mình. "Thường tâm lý cha mẹ Việt, dù con bao nhiêu tuổi thì vẫn mãi là một đứa trẻ bé bỏng cần sự che chở của cha mẹ", ông Hiền nhận xét.
Kim Anh