Thứ ba, 28/1/2025
Chủ nhật, 10/3/2019, 17:38 (GMT+7)

Lễ trỉa hạt của người dân Tây Nguyên

Những hạt giống đầu tiên của mùa vụ được gieo xuống trong lễ trỉa hạt ở Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Sáng 10/3, tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra lễ trỉa hạt của một số đồng bào dân tộc miền Trung, Tây Nguyên. 

Đây là nghi thức thường được đồng bào dân tộc Ê Đê (tỉnh Đăk Lăk), RagLai (tỉnh Ninh Thuận), Cơ Tu, Tà Ôi (tỉnh Thừa Thiên Huế), Xơ Đăng (tỉnh Kon Tum), Ba Na tỉnh (Gia Lai) tiến hành vào tháng 3 hàng năm, vào cuối mùa xuân. Sau khi chọn được ngày giờ tốt trong tháng, già làng sẽ kêu gọi người dân trong buôn tập trung làm lễ.

Mâm lễ cúng thần linh (Yang) có thủ lợn, gà, xôi, rượu, bánh a quất, nến...

Hạt giống ngô, lúa được tuyển chọn kỹ lưỡng từ mùa vụ trước và được phơi khô để giữ trong ống tre, treo trên gác bếp tránh mối mọt. 

Các thầy cúng làm lễ xin thần linh cho hạt giống khỏe mạnh, cây cối lên nhanh, mưa gió thuận hòa, lúa về trĩu hạt, bắp thì đầy kho.

Những hạt giống đầu tiên được gieo xuống chân cây nêu nơi đặt ban thờ lễ.

Đồng bào dân tộc Ba Na cúng cây nêu tại rẫy với một con gà và chai rượu. Họ dùng tiết gà đặt lên cây nêu để cầu mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi lễ cúng kết thúc, những người cao tuổi trong làng cầm theo hạt giống chọc lỗ tra hạt. Từ đây, người dân trong buôn, làng bắt đầu trồng cấy cho mùa vụ mới trong năm.

Người phụ nữ được làng cử ra dùng rượu trong quả bầu vẩy xung quanh mảnh ruộng trước khi những người khác chọc lỗ tra hạt.

Người dân trỉa hạt với trang phục truyền thống.

Sau buổi lễ, mọi người quây quần bên cây nêu, cùng nhau nhảy múa với hi vọng màu xanh sẽ phủ khắp buôn làng, mùa màng bội thu.

Ngọc Thành