Bà ôm hôn người bạn một thời tại nhà riêng của ông khi cả hai hội ngộ ở tiệc hồi đầu tháng 3. Lệ Thủy cho biết bà và Lý Huỳnh có tình bằng hữu gần 60 năm. Cả hai sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long. Sau này, hai nghệ sĩ trở thành họ hàng khi cô của Lệ Thủy kết hôn cùng cậu của Lý Huỳnh. Những năm gần đây, vì bệnh tình, Lý Huỳnh chủ yếu ở nhà trị bệnh, còn Lệ Thủy lưu diễn các nơi cùng con trai, họ ít dịp gặp nhau.
"Tôi xúc động khi ông vẫn giữ được nét phong độ khi xưa. Thời tôi còn là cô đào sân khấu, ông đã đạt đến đỉnh cao trong nghề với các bộ phim Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù...", bà nói.
Lý Hùng cho biết mọi năm, gia đình thường tổ chức tiệc mừng thọ cho cha anh. Năm nay, vì ảnh hưởng của Covid-19, bố mẹ anh và các con chỉ làm mâm cơm nhỏ và quây quần ở nhà. Sức khỏe cha anh tiến triển hơn các năm trước. Bệnh tiểu đường của ông đã thuyên giảm, dù hai chân còn yếu, phải chống gậy đi lại. Dịp Tết Canh Tý, anh cùng em gái - diễn viên Lý Hương - đưa cha mẹ đi thăm các đồng nghiệp một thời ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8). Hiện Lý Hùng và em gái vẫn sống cùng cha mẹ trong biệt thự ở quận Tân Bình. "Cha tôi muốn gần gũi con cái khi về già. Ở tuổi này, tôi dành mọi tâm ý để trả hiếu cho cha mẹ", Lý Hùng nói.
Lý Huỳnh sinh năm 1942. Ông là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh. Thuở nhỏ, ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định. Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, bắt đầu đào tạo nhiều võ sĩ giỏi. Từ năm 1972 đến năm 1989, ông đóng nhiều phim, trở thành một trong số người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh thành công. Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp, bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc. Ông tiếp tục đóng các phim Mối tình đầu (1977) - đạo diễn Hải Ninh, Vùng gió xoáy, Ông Hai Củ, Hòn đất, Mùa gió chướng... Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu (1983). Năm 2012, Lý Huỳnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948. Hoàn cảnh khó khăn, bà từng theo bố mẹ lên Sài Gòn kiếm sống và xin làm việc ở gánh Trâm Vàng (Đồng Nai) khi mới 10 tuổi. Sau khi gặp Minh Vương và trở thành đôi song ca, Lệ Thủy được hâm mộ qua các tuồng Tô Ánh Nguyệt, Pha lê và cát bụi, Đời cô Lựu, Đêm lạnh chùa hoang, Lá sầu riêng... Năm 2012, bà được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu trưởng thành từ giai đoạn vàng son của cải lương.
Mai Nhật