Với cái chân trái rất ngọt để phất những đường tấn công hiểm hóc cho đồng đội phía trên hay khả năng đánh chặn hiệu quả, các đối thủ trong khu vực luôn rất ngán ngại cô gái nhỏ nhắn đeo băng đội trưởng của tuyển nữ Việt Nam. Nhưng không phải ngẫn nhiên mà HLV Trần Vân Phát tín nhiệm giao cho Lê Thị Thương giữ trọng trách thủ lĩnh tinh thần ở đội bóng của mình.
Chức vô địch AFF Cup nữ 2012 vừa qua cho thấy Lê Thị Thương xứng đáng là kỳ vọng của bóng đá nữ Việt Nam trong tương tai gần. Để có được thành công như hiện nay, tiền vệ nhỏ con này đã trải qua nhiều vất vả, nhọc nhằn từ cuộc sống thiếu thốn tình cảm đến những thăng trầm trong nghiệp quần đùi áo số.
Lê Thị Thương (áo trắng) là tiền vệ trụ cột của tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: TTVH. |
Lớn lên dưới bàn tay tảo tần của người mẹ, với cô gái gốc Quảng Ninh Lê Thị Thương, mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời cô. Thương được biết về bố mình không nhiều và cô cũng chưa từng gặp mặt để trò chuyện cùng ông. Cuộc sống tự lập từ nhỏ giúp Thương mạnh mẽ và không đầu hàng trước khó khăn. Vì thế, chưa có điều gì làm Thương và mẹ cô phải gục ngã. Nhà Thương gần một quả đồi được gọi là "đồi tên lửa" có khoảng sân rất rộng. Cô thường theo đám bạn trong xóm ra đây đá bóng. Vóc dáng nhỏ, nhưng Thương lại nhanh nhẹn và sở hữu kỹ thuật không tồi nên được lũ con trai cho đá ở vị trí tiền vệ. Tính cách mạnh mẽ có phần cứng rắn và ngang bướng của cô cũng được thể hiện trong lối chơi khiến đám con trai mê đá bóng trong xóm phải kính nể.
Năm 1998, Lê Thị Thương sang Hòn Gai đăng ký một lớp học hè về bóng đá. Từ đó mỗi tuần Thương hì hục đạp xe cả chục cây số đến chỗ tập. Cuối năm 2001, Thương cùng một vài người bạn đến sinh hoạt tại Cửa Ông, nơi có đội bóng đá nữ Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đóng quân. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã được cùng đội TKV đi thi đấu tại giải Quảng Ngãi mở rộng năm 2002. Chỉ một năm sau cô được gọi lên đội tuyển. Khi đó, Thương vẫn chưa có vị trí chính thức bởi lúc đó bóng đá nữ Việt Nam đang có những tiền vệ trung tâm xuất sắc như Thanh Mai (Hà Nội) và Mai Lan.
Sau SEA Games 2009, đàn chị Mai Lan giải nghệ, Thương đã thay thế xứng đáng vị trí tiền vệ trung tâm của đội tuyển nữ và CLB TKV.
Trong chuỗi đường thành công của mình, Thương nhớ nhất là kỳ SEA Games 2009 ở Lào, khi cô được HLV Trần Vân Phát tin tường giao cho đá chính nhiều trận đấu: "Bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì được tin tưởng và tôi cố gắng hết mình. Tại giải đấu đó chúng tôi chiến thắng Thái Lan để lên ngôi vô địch".
Sau bao năm phấn đấu, hiện tại, Lê Thị Thương đã chứng tỏ được bản lĩnh khi được bầu làm đội trưởng và cái tên Lê Thị Thương luôn là lựa chọn hàng đầu mỗi khi ĐTQG nữ tập trung.Thương chia sẻ: "Được BHL, đồng đội tín nhiệm bầu làm đội trưởng, khi nhận vai trò này tôi tự hứa với mình phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với nó. Tôi hăng say luyện tập thêm chuyên môn, thể lực để mỗi khi ra sân là thi đấu với 100% sức lực của mình. Đồng thời trong cuộc sống cũng cần phải biết tính tình người này người kia nữa để an ủi, động viên họ đúng lúc vì trong một tập thể không phải ai cũng giống nhau. Với vị trí thủ quân, tôi luôn nghĩ rằng phải tạo sự đoàn kết để chị em chơi hết mình".
Vẫn bị bạn bè gọi là "còi", nhưng Thương đã bù đắp bất lợi về hình thể đó bằng sự khéo léo, tinh quái trong từng động tác.
Trong trận chung kết với đối thủ Myanmar tại AFF Cup nữ 2012 vừa qua, ngay từ phút thứ 10 cô bị đối phương vào bóng ác ý ngay vị trí chấn thương cũ. Mặc dù khá đau nhưng Thương vẫn cắn răng thi đấu giúp tuyến giữa nữ Việt Nam ổn định đến khi kết thúc trận đấu.
Là người thứ hai bước lên chấm đá luân lưu, khi đó Thương nghĩ: "Đã rất lâu rồi tại giải đấu này nữ Việt Nam chưa vô địch. Đây là cơ hội để chúng tôi khẳng định vị trí số một Đông Nam Á của Việt Nam, nên khi bước lên chấm phạt đền tôi chỉ nghĩ mình phải sút vào để Việt Nam trở thành nhà vô địch".
Bằng một giọng rất tự hào, Thương chia sẻ về cảm xúc khi nâng trên tay chiếc Cup Đông Nam Á: "Tôi cảm thấy rất sung sướng vì nỗ lực chung của toàn đội đã đạt kết quả tốt. Lúc đó không chỉ tôi mà mọi người đều vô cùng hạnh phúc".
Trên con đường đến thành công sự nghiệp của nữ thủ quân nữ Việt Nam này cũng lắm thăng trầm, Lê Thị Thương chia sẻ: "Kỷ niệm buồn nhất của Thương khi tham gia SEA Games 24 tại Thái Lan, trong trận chung kết gặp Thái Lan tôi không được đá chính. Chứng kiến đội nhà thua Thái Lan, tôi cảm thấy rất buồn vì mình không thể giúp gì cho đội để chiến thắng đối thủ".
Tại trận đấu cuối mùa giải bóng đá nữ quốc gia 2012, Lê Thị Thương ghi bàn thắng quyết định mang vinh quang cho TKV. Cô chia sẻ cảm xúc của mình về chức vô địch của TKV: "Mùa giải năm nay TKV không được đánh giá cao về lực lượng bởi có rất nhiều cầu thủ như Từ Thị Phụ, Bùi Thị Phượng, Nguyễn Thị Lành... đều đã nghỉ thi đấu. Trong đội hình toàn những gương mặt trẻ, thậm chí có cầu thủ mới chỉ được ra sân có vài trận đấu mang tính chất giao hữu trước mùa giải, thế nhưng chúng tôi đã động viên nhau, người có chuyên môn tốt kèm cặp, nhắc nhở những người yếu. Nhiều động tác chúng tôi phải hướng dẫn hàng chục lần, nhưng các em vẫn hăng hái luyện tập. Chính người hâm mộ và những lời động viên đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất".
Lê Thị Thương được vinh danh với danh hiệu Quả bóng bạc 2011. Ảnh: TTVH. |
Con gái theo nghiệp thể thao đã khổ, gắn bó với bóng đá còn khổ gấp nhiều lần, Thương nói: "Không như những đồng nghiệp nam, các VĐV nữ luôn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi đã quyết tâm gắn bó với thể thao chuyên nghiệp. Đơn giản như việc lập gia đình, nuôi con... sẽ cản trở họ trên con đường luyện tập, thi đấu và đã có rất nhiều VĐV chấp nhận hy sinh sự nghiệp để chăm sóc gia đình. Còn cầu thủ bóng đá nữ thì vất vả lắm. Nếu như một số môn thể thao được tập trong nhà thì các cầu thủ bóng đá nữ phải tập ngoài trời. Thời tiết mát mẻ còn đỡ chứ nếu vào ngày nắng nóng, oi bức thì khổ vô cùng. Nhiều người ốm ngay sau buổi tập đầu tiên và sau đó sợ không dám tập tiếp. Các cầu thủ nữ phơi nắng nhiều cứ đen nhẻm đi, mất hết cả nét nữ tính".
Nhưng dù cuộc sống có thế nào thì trên sân cỏ các nữ cầu thủ vẫn luôn cống hiến hết mình và tỏa sáng, và nghĩ tới đấylại thấy buồn cho một số cầu thủ bóng đá nam...
Chưa từng học qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào, nên Thương biết mình khó có thể trở thành một HLV sau khi giải nghệ. Ước mơ của cầu thủ 27 tuổi này là có được một việc làm ổn định tại Công ty Than Khoáng sản Việt Nam sau khi chia tay bóng đá. "Khi giải nghệ, tôi muốn có một công việc ổn định do Công ty sắp xếp. Nếu được, tôi sẽ xin về chi nhánh ở gần nhà để có điều kiện chăm sóc mẹ. Sau từng ấy năm hy sinh, tôi muốn bù đắp cho mẹ. Những gì dành dụm được khi còn thi đấu, tôi muốn đưa mẹ để trang trải cuộc sống. Còn nếu không có được công việc như mong muốn, có thể tôi sẽ kinh doanh gì đó để kiếm sống", Thương tâm sự.
Trăn trở về sự đi xuống của phong trào bóng đá nữ hiện tại, Thương nói: "Tôi mong sau này bóng đá nữ sẽ được quan tâm hơn nữa để các bạn gái có ý định đến với môn thể thao này không phải băn khoăn về đãi ngộ. Muốn phát triển phong trào, bóng đá nữ cần được đưa vào trường học như một môn học chính thức. Từ đó mới có thể tuyển chọn được những cầu thủ tài năng, giúp bóng đá nữ Việt Nam tiến xa hơn trong tương lai".
Với việc đoạt danh hiệu quả bóng bạc Việt Nam và vừa cùng TKV giành chức vô địch quốc gia và mới đây nhất là chức vô địch Đông Nam Á, tiền vệ Lê Thị Thương đã trở thành một hình tượng tiêu biểu của thể thao Quảng Ninh. 2012 là một năm đầy thành công của tiền vệ thủ quân nữ Việt Nam.
Thể Thao & Văn Hóa