![]() |
Nhiếp ảnh Lê Thanh Hải. Ảnh: NV. |
Là con trai gốc Hà Nội nhưng Lê Thanh Hải sống và làm việc tại TP HCM trong nhiều năm. Anh bảo mình là người tự do, hợp môi trường làm việc sôi động của Sài thành, nhưng bản thân lại thích cách sống thâm trầm của Hà Nội. Và đặc biệt, anh thích cái lạnh ở đây. Vì vậy, anh vẫn luôn chọn cách bay ra bay vào. Trong tương lai, anh muốn quay về sống tại nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Có lẽ vì thế, Lê Thanh Hải quyết định lập trường quay “Focus 360 độ” tại Gia Lâm, Hà Nội, phục vụ vào công việc thực hiện các hợp đồng quảng cáo.
Khách hàng của Thanh Hải chủ yếu là người nước ngoài. Trong 18 năm lăn lộn với nghề, anh chỉ có hai khách hàng nội địa. Những vị khách nước ngoài luôn đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, kỹ lưỡng trong từng chi tiết, màu sắc, góc độ và luôn phàn nàn trường quay Việt Nam không chuẩn. "Theo họ, cái không chuẩn hạn chế rất nhiều tới tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ, khiến người ta buộc phải dễ dãi đi tìm những cái đơn giản để có thể làm được", Lê Thanh Hải nói.
Nhiếp ảnh gia kể thêm, mỗi lần ra Hà Nội, anh luôn chọn êkíp tốt nhất với các trang thiết bị rất xịn. Thế nhưng, Thanh Hải cho rằng, những dụng cụ này không được giữ gìn và sử dụng đúng cách. Anh kể, Văn Lan - người từng được xem là chuyên gia ánh sáng hàng đầu của Hãng phim truyện Việt Nam - có lần bảo: "Anh Hải, tôi đứng trên ghế cầm đèn chiếu cho anh".
"Tôi không đồng ý dù anh Văn Lan bảo, anh toàn làm như thế khi làm phim. Khi anh ấy mỏi tay, đèn sẽ từ từ hạ xuống. Còn có trường hợp, đèn được buộc bằng dây thừng treo trên cây, nhìn rất buồn cười. Đó là chưa kể khi đèn nóng lên làm đứt dây rơi xuống, rất nguy hiểm", Thanh Hải nói.
Từng học ở Hollywood, Lê Thanh Hải biết ánh sáng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nhiều lúc nhiếp ảnh gia thấy thương các diễn viên truyền hình Việt Nam vì họ chủ yếu phải diễn bằng hình thể mà không có sự hỗ trợ của ánh sáng.
Lê Thanh Hải phân tích: "Khi nhân vật khóc, phải cho đèn tối lại. Đằng này chúng ta vẫn 'trắng mặt ăn tiền', nên hầu như phim nào, diễn viên cũng hoặc dụi mắt, hoặc nức nở mà không thấy được chiều sâu. Quay phim vẫn dùng một máy. Cảnh quay nhân vật đạp cửa chạy ra ngoài phải thực hiện hai lần, một lần trong phòng và một lần bên ngoài nên không liền mạch nhau. Quay phim chẳng khác gì chụp ảnh có cử động".
![]() |
"Trong nghệ thuật không cần khôn quá". Ảnh: Nga Linh. |
Những phân tích của anh càng làm người nghe tin rằng, anh tuy là người dễ tính trong cuộc sống, nhưng với nghệ thuật thì vô cùng khắt khe, đến mức cực đoan. Để được đúng ý, Thanh Hải quyết định vét hết vốn liếng nhiều năm trời làm một trường quay riêng để thỏa sức tung hoành.
“Focus 360 độ” chỉ rộng 700m2 nhưng đầy đủ phòng quay, phòng dựng và thu thanh. Lê Thanh Hải tự hào nói: "Trường quay của tôi làm chuẩn cho phim nhựa. Khi nhân vật đi thì ánh sáng phải đi. Tôi cho chạy cả dàn ánh sáng, với ba máy quay đồng bộ. Các thiết bị đặc biệt nhập từ nước ngoài".
Hỏi nhiếp ảnh gia về giá cả khi đặt hàng với trường quay chuẩn, anh cười cho biết, giá của Thanh Hải thì không có chuẩn. Anh nói, xây trường quay chủ yếu phục vụ bản thân. Khi cho các đoàn phim khác thuê thì tùy vào kinh phí mà họ có. Anh cũng không đưa ra khung giá mà làm theo kiểu thiện chí với nghề, bởi muốn tạo cho bản thân và bạn bè điều kiện làm việc tốt.
Thanh Hải lấy ví dụ là trường hợp của đạo diễn Quốc Tuấn, người bạn thân của anh. Khi làm phim Trái tim kiêu hãnh, chính nhiếp ảnh gia gọi cho bạn và bảo sẽ làm ánh sáng mà không lấy tiền công.
"Anh trả tôi một đồng hay một triệu đồng, tôi đều làm giống nhau, tức là làm cái tốt nhất cho anh. Khi cho thuê trường quay cũng vậy. Trong nghệ thuật không cần khôn quá", Thanh Hải vừa nói vừa cười sảng khoái.
Ngọc Trần