Hơn một ngày sau chuyến bay đưa Chí Tài về Mỹ hôm 12/12, nhiều khán giả và nghệ sĩ vẫn bày tỏ thương tiếc, lời tri ân dành cho anh. Độc giả Thái Đông bình luận trên VnExpress: "Tuổi thơ của tôi là những tác phẩm mà Chí Tài, Hoài Linh đóng chính như Ru lại câu hò. Cảm ơn những gì chú mang tới cho khán giả Việt".
Anh Đình Bảo - quản lý fanpage cố nghệ sĩ - cho biết đa phần người hâm mộ thuộc độ tuổi 9x, 10x. Các dòng bình luận, tin nhắn cho thấy họ vẫn chưa nguôi nỗi buồn trước sự ra đi đột ngột của anh. Còn trên mạng xã hội, những hình ảnh xúc động trong đám tang lan tỏa mạnh mẽ.
Tình cảm khán giả dành cho Chí Tài có thể là kỷ niệm khó quên với những ai dự đám tang tại Sài Gòn. Vốn nhận được vô số lần tán dương suốt 30 năm đi diễn, ở phút tiễn biệt, khán giả không quên tặng anh tràng pháo tay cuối. Khi xe tang lăn bánh hướng về sân bay, không ai bảo ai, đám đông hô to: "Chí Tài ơi, vĩnh biệt". Họ, từ trẻ thơ đến mái đầu bạc, nhoài người ra hàng rào, bàn tay vẫy theo bóng xe tang đang hòa cùng dòng người kín đặc trên phố.
Hành trình xe tang di chuyển gần bốn cây số từ Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp) đến sân bay Tân Sơn Nhất lâu hơn thường nhật. Những làn đường ken chặt bởi hàng nghìn chiếc xe máy chạy theo đưa tiễn. Có người đứng bên đường, tay cầm loa mở ca khúc Nhỏ ơi - nhạc phẩm quen thuộc gắn liền với giọng hát cố nghệ sĩ - và hát theo. Từ trong xe nhìn ra, Trấn Thành khóc và nói: "Chưa bao giờ thấy nghệ sĩ nào được khán giả trân trọng và thương tiếc nhiều như vậy trong buổi đưa tiễn".
Ở không ít lễ tang nghệ sĩ trước đây, hình ảnh đám đông xô bồ, hiếu kỳ thường để lại dư âm buồn cho người thân, gia đình lẫn fan của người quá cố. Đám tang nghệ sĩ Chí Tài là trường hợp ngoại lệ. Anh qua đời đột ngột, gia đình đều ở Mỹ, sự quan tâm của công chúng do đó tăng lên gấp bội. Trái với cảnh các streamer chen chúc trước Trung tâm pháp y hôm danh hài qua đời, hàng nghìn khán giả đã trật tự xếp hàng. Một hệ thống hàng rào ba lớp được lập ra, đội ngũ an ninh đảm bảo không ai xô đẩy, chen lấn.
Người hâm mộ đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn - theo quy định của ban tổ chức lễ tang - và cùng chờ vào viếng. Một cụ ông không nói thành tiếng vì cổ họng vừa phẫu thuật, viết giấy xin Hoài Linh được "đặc cách" vào nhìn mặt danh hài lần cuối. Một anh xe ôm chạy từ Long An lên TP HCM trong đêm để kịp giờ viếng. Họ cúi đầu khi vòng quanh linh cữu, chắp tay tiễn anh.
Chiều hôm đó, trời đổ mưa - một cơn mưa ít thấy giữa mùa khô Sài Gòn, đám đông vẫn kiên nhẫn cầm ô dù, khoác áo mưa đứng đợi. Họ không tản đi khi Hoài Linh thông báo ngưng viếng để tiến hành công tác khử khuẩn. Giờ làm lễ di quan, nhiều người hát theo giọng Tuấn Ngọc trên loa ca khúc "Về đây nghe em" (Trần Quang Lộc), mắt đỏ hoe.
Đám tang Chí Tài là nỗ lực của các nghệ sĩ thân thiết anh. Nhiều ngày qua, Hoài Linh gác lại nỗi đau để lo hậu sự của đàn anh được chu tất. Anh liên hệ bộ phận tổ chức tại Nhà tang lễ để chuẩn bị cho không gian thăm viếng, nhờ sắp xếp lực lượng hậu cần gồm 180 người, tự tay chọn những khoảnh khắc của danh hài trên sân khấu lẫn đời thường in thành ảnh, trưng bày ở buổi viếng. Trên loa phát thanh, anh điều phối mọi công tác tổ chức lễ tang, từ việc sắp xếp nghệ sĩ vào viếng, đến cảm ơn khán giả đã nhẫn nại giữ trật tự. Trước mỗi lượt khách, anh đều túc trực ở cửa, cúi đầu thay gia đình cảm tạ tấm lòng người hâm mộ.
Từng tâm nguyện nhỏ của cố danh hài đều được Hoài Linh chú trọng và làm theo. Anh đề nghị không viếng vòng hoa, mong góp tiền phúng điếu để thay người quá cố thực hiện lời hứa với miền Trung sau bão lũ. Anh đặt làm 18 vòng hoa - đại diện cho 18 đơn vị sân khấu, truyền thông, tổ hậu cần... thân thuộc với cố nghệ sĩ. Anh vẫn mỉm cười động viên ngược nhiều nghệ sĩ khi họ ôm chầm anh khóc òa giữa tang lễ, dù bản thân anh đang bị ốm.
Đến giờ chót, khi biết thời gian bên cạnh đàn anh không còn nhiều, Hoài Linh mới tự cho phép mình yếu lòng. "Xin rơi một giọt nước mắt để tiễn biệt người anh", nghệ sĩ quỳ xuống sàn nhà và khóc nghẹn. Hơn 20 năm đứng trên sân khấu cùng nhau, khi nhắc đến Hoài Linh, người ta thường hỏi: "Chí Tài đâu rồi?" và ngược lại. Bộ ba nức tiếng của sân khấu Nụ Cười Mới cách đây mười mấy năm, Hoài Linh - Chí Tài - Hữu Lộc, giờ đã ra đi hai người. "Từ giờ, không ai cô độc hơn tôi đâu" - Hoài Linh đã nói với một người em trong đám tang như thế.
Không chỉ Hoài Linh hay Việt Hương, các nghệ sĩ thuộc thế hệ đàn em Chí Tài đã cùng ở lại bên anh đến phút cuối. Người hâm mộ sẽ còn nhớ mãi hình ảnh các nghệ sĩ nắm tay thành hàng rào xung quanh linh cữu khi anh được đưa đến nhà tang lễ, hay cùng ôm nhau dưới mưa trong giờ di quan. Ngồi trong chiếc xe 16 chỗ chở Chí Tài ra sân bay là những đồng nghiệp thân thiết nhất của anh. Họ quây quần, kể những chuyện vui về Chí Tài. Đại Nghĩa hỏi: "Mình nói xấu vậy ổng nghe không ta?". Trấn Thành đáp: "Có chứ, sao mà ổng không nghe được". Họ cùng bật cười mà nước mắt rơi.
MC Kỳ Duyên gọi Chí Tài là "người duy nhất không có kẻ thù hay anti-fan, một nghệ sĩ chỉ biết đem niềm vui đến cho khán giả và đồng nghiệp". Hoài Linh cũng từng nói, bản thân anh có thể người thích kẻ ghét, nhưng Chí Tài thì luôn được yêu mến.
* Những khoảnh khắc xúc động trong tang lễ Chí Tài
Chí Tài qua đời vì đột quỵ chiều 9/12. Linh cữu anh được mang sang Mỹ theo nguyện vọng gia đình. Sự kiện thăm viếng, cầu nguyện diễn ra ngày 18/12 tại Công đoàn Giáo xứ Thánh Linh (Holy Spirit Catholic Church), Fountain Valley, California, Mỹ. Lễ an táng bắt đầu sáng 19/12. Chiều cùng ngày, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang.
Chí Tài tên đầy đủ là Nguyễn Chí Tài, sinh năm 1958. Những năm 1999 - 2000, Chí Tài theo vai trò nghệ sĩ hài và nhanh chóng được khán giả yêu mến. Cùng Hoài Linh, anh có nhiều tiểu phẩm nổi tiếng, như Ru lại câu hò, Con sáo sang sông, Âm dương đôi đường, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài...Anh cũng là gương mặt quen thuộc của màn ảnh với hàng loạt phim truyền hình - điện ảnh, trong đó có Trúng số (2015), Dạ cổ hoài lang (2017)...
Vân An - Mai Nhật