Thứ sáu, 20/12/2024
Chủ nhật, 15/10/2023, 00:00 (GMT+7)

Lễ Sene Dolta của người Khmer ở Sài Gòn

Ngoài cúng vong hồn, người Khmer ở TP HCM còn cúng dường cho sư đi khất thực quanh chùa Chantarangsay, để cầu bình an trong lễ Sene Dolta, ngày 14/10.

Theo phong tục của người Khmer ở Nam Bộ, từ 29/8 đến mùng một tháng 9 âm lịch (năm nay là ngày 13-15/10 dương lịch) diễn ra lễ Sene Dolta. Tín ngưỡng này có ý nghĩa như lễ Vu Lan báo hiếu của người theo phật giáo Nam Tông.

Trưa 14/10, tại chùa Chantarangsay, quận 3, 150 chư tăng chùa đi khất thực (còn gọi là đi bát) quanh chùa. Phật tử hai bên cúng dường bánh trái, tiền vào trong bát cho các chư tăng.

Đi đầu là hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người có chức danh cao nhất trong đoàn chư tăng đi khất thực. Các sư đến từ một số chùa ở TP HCM và các tỉnh miền Tây. Tất cả đều đi chân đất theo đúng nghi lễ Phật giáo Nam tông.

Theo trụ trì chùa, nghi lễ đi khất thực với ý nghĩa gieo duyên lành. Người cúng dường sẽ cầu mong bản thân mạnh khoẻ, hồi hướng cho ông bà tổ tiên giúp họ vượt cảnh khổ đau, sớm tái sinh ở cõi tốt đẹp và cho cả các linh hồn bất hạnh khác.

Các sư cầm bát ngang hông, hai bên phật tử bỏ vào bốn món chính là cơm, bánh, trái cây và tiền. Chư tăng đi chậm rãi, một vòng quanh chánh điện và sân chùa.

Bên hông chánh điện, chị Tuyết Minh, quê Trà Vinh thành kính cúng dường cho từng nhà sư. "Với người Khmer thì lễ Sene Dolta quan trọng như ngày Tết vậy. Bà con có bận rộn mấy cũng ráng lên chùa cúng cho tổ tiên, cầu bình an cho gia đình, người thân", người phụ nữ 34 tuổi nói.

Cha con người ngoại quốc cúng dường bánh kẹo đến các sư. Tùy theo lòng thành mà người tham gia nghi lễ đi bát cúng vật phẩm khác nhau.

Hoạt động đi khất thực diễn ra trong khoảng 25 phút. Sau khi cúng dường xong, phật tử chắp tay cầu nguyện, bày tỏ lòng tôn kính tới các chư tăng, đức Phật.

Trước đó, nhiều hoạt động khác trong lễ Sene Dolta của cộng đồng Khmer diễn ra tại chùa Chantarangsay. Từ 5h, phật tử đến chùa thực hiện nghi thức rải cơm vắt cho những vong hồn vô chủ.

Người đi đầu cầm theo cờ chiêu hồn (góc phải) như để dẫn đường cho ngạ quỷ biết nơi cúng đồ ăn mà tới. Nhóm người phía sau lần lượt bỏ đồ ăn vào các khay đặt quanh chánh điện. Khoảng thời gian này, trời tờ mờ sáng, ngạ quỷ có thể hiện thân để nhận hương hoa từ người cúng.

Lễ phẩm thường có cơm vắt, thức ăn mặn ngọt, trái cây được cắt nhỏ để linh hồn dễ ăn. Mọi người thường đi ba vòng khi thực hiện nghi lễ này, trong đó vòng đầu tiên để cúng cho ông bà tổ tiên, vòng kế cho người thân hoặc cha mẹ và cuối cùng là cho các linh hồn cơ nhỡ.

Ngoài ra trong chùa còn có hoạt động buộc chỉ đỏ cầu may mắn, bình an. Ở chánh điện, sư tăng thực hiện nghi lễ pháp thoại, tụng kinh chúc nguyện đến phật tử ở buổi lễ và cầu siêu cho các hương linh quá vãng.

Đến trưa, phật tử dâng cúng cơm mặn cho những nhà sư và cầu nguyện phía dưới. Các món ăn thường là thịt kho, xào, rau củ, lẩu, trái cây...

Hệ phái Nam tông thực hành theo giới luật Phật giáo nguyên thủy, mọi người cúng dường thức gì thì sư ăn nấy. Vì vậy, tu sĩ Phật giáo Nam tông không ăn chay thuần túy mà được phép dùng mặn.

Chantarangsay xây dựng năm 1946, còn được gọi là Candaransi (có nghĩa là Ánh Trăng) và là ngôi chùa Khmer đầu tiên ở Sài Gòn. Chùa có diện tích 4.500 m2, là chốn tu hành của các nhà sư theo trường phái Nam Tông, nơi sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer Nam Bộ.

Trong năm, chùa tổ chức các ngày lễ lớn theo truyền thống Phật giáo và văn hóa của người dân Khmer như: tết Chol Chnam Thmay, lễ Phật đản, lễ Ok Om Bok, lễ Sene Dolta...

Quỳnh Trần