Nhạc sĩ Lê Phú tên thật là Lê Văn Phú, định cư tại Australia từ những năm 1981 với nghề kỹ sư điện tử viễn thông cho một tập đoàn đa quốc gia. Tuy thế, niềm đam mê nghệ thuật vẫn âm ỉ trong lòng bởi nó mang lại giá trị của thư giãn. Anh trò chuyện với VnExpress về album nhạc đầu tay Nắng mưa, kết hợp thực hiện với người bạn đời Trịnh Hoàng Diệu và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.
Nhạc sĩ Lê Phú cùng vợ - nhà thơ Trịnh Hoàng Diệu và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh trong buổi ra mắt CD "Nắng mưa". |
- Từ khi nào anh nhận thấy niềm đam mê nghệ thuật trong tâm hồn mình?
- Là từ lúc tôi bắt đầu có hiểu biết. Lúc nhỏ, tôi đã mê ngắm tranh, ảnh và tượng. Nhưng từ đam mê đến quyết định bắt tay làm ra tác phẩm là vào năm 2000. Lần về thăm Việt Nam đó, tôi được tận mắt chứng kiến điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tạc tượng chân dung mình trong vòng 30 phút. Tôi bị thu hút mãnh liệt và học hỏi để tự tay thực hiện các mẫu tượng cho ba, mẹ, người thân của mình.
Năm 2007, tôi đoạt giải nhất Tina Wentcher về điêu khắc tại Australia, hiện là hội viên Hội điêu khắc Victoria (The Association of Sculptors of Victoria - ASV) và Hội Nghệ thuật đương đại của bang này (The Contemporary Art Society of Victoria Inc. - CAS). Tôi tham gia triển lãm hàng năm về hội họa quốc tế tại Melbourne (Melbourne International Flower & Garden Show).
- Còn âm nhạc đến với anh thế nào?
- Công việc của một kỹ sư điện tử viễn thông chiếm của tôi nhiều thời gian, nên tôi thường chỉ dành 2 ngày nghỉ cuối tuần hoặc vài buổi tối cho nghệ thuật. Đó là thú tiêu khiển hiệu quả nhất mà tôi có được. Âm nhạc cũng như điêu khắc, đến với tôi một cách tự nhiên và trở thành không thể thiếu.
Năm 2005, tôi bắt đầu tập trung sáng tác, xem như một hình thức khác để giải tỏa cảm xúc trong lòng. Tôi thích diễn đạt những cảm xúc qua những vần thơ từ bè bạn thân quen, của chính mình để rồi chia sẻ với những người xung quanh.
- Người không chuyên, tự học hỏi thường chịu ảnh hưởng bởi xung quanh rất nhiều. Anh thì sao?
- Tôi nghe và thích nhiều thể loại: cổ điển, thánh ca, trữ tình, lãng mạn... trong môi trường sống xung quanh. Nghệ thuật cũng như bất kỳ ngành nghề nào, dù liên quan đến kỹ thuật hay khoa học thì cũng phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những gì diễn ra xung quanh nó hay những thành tựu trong quá khứ. Con người cũng không thoát khỏi ngoại lệ đó. Nhưng tôi vẫn là tôi với những cá tính trong suy tư, trong âm nhạc và nghệ thuật nói chung.
- Kể cả ảnh hưởng từ khả năng sáng tác của người anh rể tài hoa Trịnh Công Sơn?
- Tôi rất thích một số tình ca của anh, càng quý mến hơn khi biết được rằng Hoàng Diệu hấp thụ được truyền thống nghệ thuật từ anh mình, từ văn chương, ẩm thực đến đời sống vật chất, tinh thần, gu thẩm mỹ... Với 2 người, bất cứ việc gì, dù là trình bày một món ăn hay sáng tác một tác phẩm nghệ thuật cũng được thực hiện bằng đam mê. Đó cũng là niềm hãnh diện.
- Kỷ niệm nào về nhạc sĩ làm anh nhớ nhất?
- Thật sự thì tôi chưa được may mắn diện kiến anh. 2 năm trước khi anh mất, tôi có đến thăm anh 2 lần, nhưng đều không thành. Một lần thì gia đình nói anh đã ngủ, một lần khác thì nói anh đang bệnh không thể gặp.
Nhưng qua Diệu, tôi thấy mình hiểu anh hơn bởi Diệu là người duy nhất trong gia đình thuộc và biết hát tất cả bản nhạc, hiểu hết ý nghĩa của từng lời nhạc của anh mình. Điển hình là chỉ với bài thơ Nắng mưa, tôi như cảm thông được đến tận cùng sự mất mát và mong nhớ của người em gái dành cho anh trai, để làm nên nhạc phẩm cùng tên đầy cảm xúc. Đặc biệt hơn, bài hát này lại được Trịnh Vĩnh Trinh hát. Thật ngậm ngùi khi nghe "mà nay sợi nắng đi đâu về đâu...". Tôi xem đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất về anh.
Tượng Trịnh Công Sơn do điêu khắc gia Lê Phú thực hiện. |
- Đa số bài hát trong album "Nắng mưa" đều do anh phổ từ thơ. Sao anh không đặt cảm xúc riêng của mình vào sáng tác?
- Phổ thơ cũng là cách tạo nét riêng và khó mà bị ảnh hưởng từ người khác nhiều. Khi đọc một bài thơ hay, cảm xúc ngẫu hứng sẽ tự nhiên đến và lúc đó thơ sẽ là nhạc. Ngoài 3 bài trong album, tôi cũng tự viết lời cho khá nhiều sáng tác trong khoảng 60 ca khúc đã viết. Nhưng lần ra mắt này, tôi muốn giới thiệu 10 sáng tác mà mình tâm đắc nhất và chỉ với giọng ca của Trịnh Vĩnh Trinh.
- Thường cảm hứng sáng tác của anh đến từ đâu?
- Nó đến rất tự nhiên trong đời sống. Khi cảm xúc dâng đầy, tôi ghi lại trong ngày, ngay cả trong đêm khuya, nửa đêm thức giấc. Mà tôi rất nhạy cảm, đơn giản như khi đọc một bài thơ hay của Hoàng Diệu, của bạn bè là cảm xúc bất chợt đến. Hoặc như dịp tình cờ gặp một nhóm đồng hương Nha Trang ở Australia, chỉ nghe họ kể chuyện quê hương là bao nhiêu ký ức về tuổi nhỏ ùa về, đong đầy... Thế là tôi viết Một thoáng Nha Trang để nhớ lại những kỷ niệm đẹp nơi mình sinh ra và lớn lên.
- Còn điều gì khơi nguồn khiến anh viết câu hát "tôi sẽ xa đời, tôi sẽ xa người, ai mà chẳng thế, cầu chúc cho nhau an lạc đất trời" nghe như một dự cảm không vui?
- Lời hát thoạt nghe tưởng như bi quan, nhưng không, tôi có một cuộc sống rất lạc quan và yêu đời. Nhưng tôi viết thế là vì trong cuộc sống của mỗi chúng ta, ai mà chẳng có khi mơ ước, hoài vọng, mơ mình là triệu phú, mơ mình đẹp như tiên nữ, mơ mình thành công và thành danh… Và, cũng đến lúc ẩn hiện "một thoáng mơ xa" (tên ca khúc) rằng ta sẽ phải qua đời, sẽ có một giấc thiên thu, một kiếp con người.
Mà thông thường, chúng ta không dễ buông tha cuộc đời. Chúng ta níu kéo vì luyến tiếc, tham vọng, vì nhiều điều cần phải làm… Và tôi nhận thấy chỉ có nghệ thuật mới có thể giúp chúng ta níu kéo và sống lâu trong cuộc đời này.
Hãy cứ hoàn thành mọi công việc của chúng ta từ nhỏ đến lớn trong tinh thần trách nhiệm, trong yêu thương và cảm thông, chúng ta sẽ an tâm và không phải tiếc nuối để giã từ cuộc đời. Ra đi và tràn đầy hy vọng một ngày tái ngộ nơi trời mới, đất mới, nơi chỉ có sự an bình và một màu yêu thương viên mãn.
- Chính vì thế mà anh quyết định công bố các sáng tác của mình lúc này, hay còn lý do nào khác?
- Đúng vậy, đây là thời điểm để giọng hát của Trịnh Vĩnh Trinh được cất cao sau 8 năm yên lặng, để những vần thơ tình cảm, trữ tình của Hoàng Diệu và dòng nhạc của tôi được hòa quyện và cùng chia sẻ với nhau.
Còn về việc sáng tác, tôi đã tập trung sáng tác từ lâu, nhưng chỉ chia sẻ với những người xung quanh. May mắn là bạn bè khen hay và thích thú. Điều đó góp thêm động lực để tôi phát hành CD đầu tay này.
- Sắp tới, anh còn kế hoạch nào khác với âm nhạc?
- Ngoài Trịnh Vĩnh Trinh, tôi đang tìm kiếm một số giọng ca khác thể hiện sáng tác của mình. Tôi cũng dự kiến thực hiện một CD dành cho thiếu nhi. Tôi mong muốn ở khán thính giả sự đồng cảm trong âm nhạc và chia sẻ những cảm xúc trong cuộc sống.
Nhiêu Huy thực hiện
(Ảnh do nhân vật cung cấp)