-
8h45
Kết thúc lễ diễu binh, diễu hành qua lễ đài ở quảng trường Ba Đình, 30.000 người chia thành hai ngả đang tiến sâu vào các tuyến phố Hà Nội. Ngả thứ nhất là quảng trường Ba Đình - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Liễu Giai. Ngả thứ hai quảng trường Ba Đình - Hùng Vương - Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn - Trần Khánh Dư.
-
8h40
Tại quảng trường Ba Đình, lễ mít tinh chuẩn bị khép lại với màn văn hóa - nghệ thuật, giai điệu bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên. Trong khi đó, tại Sài Gòn, đường phố vắng vẻ. Ở quán cafe, nhiều người dân theo dõi diễu binh, diễu hành qua màn ảnh nhỏ.
Ông Văn Quốc Huy (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, 70 năm Quốc khánh là mốc trọng đại của dân tộc, việc theo dõi diễu binh cũng là cách nhìn lại chặng đường đã qua. "Tôi kỳ vọng đất nước sẽ ngày càng phát triển, đời sống thịnh vượng hơn", vị cựu chiến binh nói.
Ông Hà Văn Tải (86 tuổi), nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, cán bộ tiền khởi nghĩa từng tham gia cướp chính quyền, dạy bình dân học vụ, chia sẻ cảm xúc khi theo dõi lễ diễu binh.
-
8h35
Tại quảng trường Ba Đình, kết thúc phần diễu hành là đoàn xe Quốc hiệu, đi đầu là biểu tượng nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên, sau đó là biểu tượng nhà nước Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Kết thúc phần nghi lễ tại quảng trường Ba Đình, đoàn diễu binh, diễu hành sẽ chia làm hai ngả về phía Kim Mã và ngược lên Văn Miếu.
Trên các tuyến đường đoàn diễu binh đi qua, người dân đứng, ngồi kín hai bên. Nhiều cựu chiến binh đã trải qua chiến tranh, từng nếm trải những mất mát, đau thương; hay các em bé lần đầu tiên được xem diễu binh đều chăm chú theo dõi.
Bà Nguyễn Thị Hằng (83 tuổi ở Kim Mã) mang ghế ra vỉa hè ngồi từ 5h sáng. Cách đây 70 năm, bà Hằng là cô bé 13 tuổi theo bố mẹ đi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập. Khi đó không được vào quảng trường nhưng bà vẫn rất háo hức. "Đất nước 70 tuổi rồi, chỉ mong sẽ ngày càng giàu mạnh, nhân dân ấm no, lớp trẻ lớn lên được hưởng thành quả tốt nhất", bà nói.
-
8h24
Tại quảng trường Ba Đình, khối nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên đang tiến qua lễ đài. Trong khi đó, các khối quân đội, công an nhân dân chia thành hai ngả đã tiến sâu vào các tuyến phố. Người dân đứng kín hai bên đường vỗ tay chào đón. Rất nhiều người đã dùng điện thoại, máy ảnh để ghi lại cảnh diễu binh.
-
8h15
Tại quảng trường Ba Đình, các khối công an nhân dân gồm: cảnh sát cơ động, giao thông, phòng chống tội phạm, đặc nhiệm, phòng cháy chữa cháy... đang tiến qua lễ đài. Ra đời từ khi chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, trải qua các thời kỳ, cảnh sát nhân dân đã gắn bó với nhân dân và các lực lượng chức năng, trừng trị tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân.
-
8h05
Các khối nam, nữ dân quân tự vệ tiến vào lễ đài. Cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng nữ tự vệ đã có vai trò quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến, nữ tự vệ vừa lao động sản xuất, bảo vệ nhà máy, vừa chịu đựng vất vả, động viên chồng con lên đường đánh giặc.
Tuổi già, không thể xuống Hà Nội theo dõi lễ diễu binh trực tiếp, ông Hoàng Đình Trân (82 tuổi, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Lạng Sơn, theo dõi qua tivi. Nhận xét các đội diễu binh đi rất đẹp, thể hiện được sức mạnh, ông Trân mong rằng đất nước Việt Nam phát triển mạnh, ai cũng có công ăn việc làm, sinh viên ra trường không còn rơi vào cảnh thất nghiệp. Lao động trong nước không phải đi xuất khẩu mà Việt Nam còn thuê được người nước ngoài về làm giàu cho mình.
-
8h00
Khối sĩ quan đặc công đang tiến vào lễ đài. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò lực lượng này: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt”. Thực tế đây là binh chủng mạnh trong quân chủng lục quân.
Ở Lạng Sơn, người dân thành phố và các huyện lân cận như Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng đổ đến khu vực tượng đài Hoàng Văn Thụ để theo dõi chương trình giao lưu dân ca chào mừng ngày 2/9. Bà Hà Thị Cồ (62 tuổi, huyện Cao Lộc) cho biết năm nào cũng rủ vài người cùng làng ra thành phố chơi hội 2/9. Đến đây, bà được hát sli lượn giao duyên.
Tại Nghệ An, cùng con cháu theo dõi tivi màn diễu binh 2/9, thiếu tướng Bùi Tùng chia sẻ cảm nhận:
-
7h50
Khối học viên các trường sĩ quan tiến qua lễ đài. Tham dự đợt kỷ niệm này có rất nhiều trường sĩ quan, gồm: lục quân, chính trị, hậu cần, kỹ thuật quân sự, phòng không không quân, không quân, hải quân, biên phòng, đặc công, tăng thiết giáp, pháo binh, công binh, phòng hóa, thông tin, bộ binh... Các học viên được tập trung tập luyện từ 4 tháng trước.
-
7h43
Đội hình diễu binh của lực lượng vũ trang tiến vào lễ đài. Đi đầu đội hình diễu binh là xe chỉ huy của trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp theo đoàn diễu binh là các khối quân nhạc, sĩ quan lục quân, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, phòng không, không quân, hải quân.
-
7h35
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc bài diễn văn hơn 20 phút bằng lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân, đưa đất nước sánh vai cùng bè bạn, giữ gìn toàn vẹn non sông gấm vóc, tin tưởng dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục lập nên những kỳ tích mới.
Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu chỉ đạo lễ diễu binh, diễu hành trong tiếng quân nhạc. Đi đầu đội hình là xe Quốc huy nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy được đặt trên nền trống đồng tượng trưng cho lịch sử, cội nguồn văn hóa dân tộc. Hành tiến cùng xe Quốc huy là 54 đôi nam, nữ thanh niên, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Tiếp theo là khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc và xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.