Lê Minh Sơn tự nhận mình vừa béo, vừa già, vừa xấu dù trong giới nhạc sĩ, anh được tiếng là cao to, đẹp trai. |
- Live show của anh năm nào cũng có sự đặc biệt: khi thì là Đào Anh Khánh múa khi thì rao đồng nát. Năm nay, với “Một khúc sông Hồng”, anh gây ấn tượng với khán giả bằng điều gì?
- Đến hẹn lại lên. Tôi trình làng live show với 17 bài hát về một Hà Nội trẻ, một Hà Nội nghìn năm sống và khát vọng trong hai đêm 24 - 25/10 tại Nhà hát Lớn. Mỗi live show của tôi đều là người đàn bà có hình dáng, tính cách khác hẳn nhau. Lần đầu tiên, tôi sẽ mời một cô gái dân tộc về hát show của mình. Đó là Thu Hương, người mà tôi đánh giá là một “Thị Màu vùng cao”, sẽ hát ca khúc Ngày em ra đời. Tôi phát hiện ra cô gái này nhân chuyến dàn dựng chương trình cho Đoàn ca múa Lào Cai dự Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc.
Cũng trong live show này, tôi sẽ tự mình gây hiệu ứng nhỏ bằng cách hát bài hát ca ngợi đàn ông. Từ trước đến nay, tôi ca ngợi đàn bà mãi rồi lần này cũng phải tuyên dương đàn ông một chút. Tôi viết tuyên dương đàn ông không phải vì thấy đàn ông quá tuyệt mà vì thấy đàn ông bây giờ thiếu trách nhiệm với phụ nữ. Thay vì chê họ, tôi ca tụng để họ có dịp nhìn lại mình. Người đàn ông trong bài hát của tôi, phải tròn trịa và hoàn hảo, không được mắc sai lầm: "Là đàn ông khó lắm / Không được khóc nhè / Từ lúc bé thơ đến khi sải cánh chim bay". Từ bé, tôi hay được dặn câu: đàn ông không được khóc. Sau này tôi cũng nói với con trai tôi như thế. Đàn bà thì khác. Đàn bà có quyền sai. Nếu họ sai, người đàn ông sẽ bảo: Hãy tha thứ cho nàng vì nàng là đàn bà.
- Bản thân anh thấy mình thế nào khi đặt trong tham chiếu với bài hát mà anh viết ca tụng đàn ông?
- Tôi ca ngợi đàn ông nhưng trong đó không có tôi. Tôi chỉ ước mình được như thế. Một người đàn ông hoàn hảo không được để đàn bà thất vọng. Mong muốn của đàn bà đơn giản nhưng khó làm tròn lắm. Họ mong mình có sức khỏe tốt để yêu tốt, viết tốt, kiếm tiền tốt nhưng có ai chiến đấu mãi được với thời gian. Có ai như Thanh Lam ngày càng trẻ ra đâu. Đàn ông nhanh già, chóng xuống lắm. Trời cho đến đâu thì biết bằng đó thôi.
Tôi cho rằng, đàn ông đẹp trai là vứt đi, duyên cũng vứt đi. Cái để lại là tấm lòng nhân hậu. Nhân hậu là biết cảm nhận giọt nước mắt đàn bà có thật hay là nước mắt cá sấu. Trong bài Cò về phố, tôi đã viết: "Cá sấu lên bờ cho ai những giọt nước mắt". Với Lê Minh Sơn, tất cả đàn bà đều đẹp, vì tôi nhìn thấy cái đẹp bên trong đàn bà xấu. Tôi thương đàn bà nên đàn bà cũng thương tôi lắm, dù tôi vừa béo, vừa già, vừa xấu.
"Bây giờ, tôi biết mỉm cười và chấp nhận số mệnh". |
- Trong lần ra mắt CD “Nơi bình yên” của Thanh Lam, anh cũng nói mình già còn Thanh Lam ngày càng trẻ. Cái già khiến anh thay đổi thế nào về cách nhìn nhận cuộc sống, sáng tác cũng như đánh giá phụ nữ?
- Tôi thấy bây giờ mình lỳ lợm hơn trước các vấn đề. Tôi biết bình thường hóa sự việc và biết cuộc đời không như mình nghĩ. Để nhận ra điều đó cũng phải trải qua nhiều đau đớn. Gặp một người con gái đẹp cũng bình tĩnh để tiếp xúc, cảm nhận và biết: hóa ra cô ấy không đẹp như bên ngoài.
Bây giờ, tôi mỉm cười chấp nhận định mệnh của mình. Tôi biết mình thế nào, sức làm được đến đâu, có cái gì để đẻ. Nghệ sĩ sáng tác và phụ nữ đẻ con, mỗi người có cái đau riêng. Phụ nữ biết mình có gì trong bụng mà rặn, còn nhạc sĩ có biết mình có gì đâu? Nói thế nhưng tôi vẫn tâm niệm, không gì thiêng liêng hơn việc người phụ nữ đẻ ra một linh hồn, còn sáng tác không có gì vĩ đại, vì ở Việt Nam, hầu như ai cũng sáng tác được.
- Nhiều khán giả cho rằng anh quá lạm dụng chất lạ để tạo sự khác biệt cho mình khi sáng tác. Anh lý giải thế nào về điều này?
- Tôi không thể đi giải thích được hết với mọi người. Cái chất của tôi thế nào thì nó bộc lộ ra thế ấy. Hoa giả thì còn có người mua chứ người giả thì chẳng ai thích cả. Tôi thấy bây giờ người ta lạm dụng từ “điên” nhiều quá. Nhiều người giả điên chứ mấy ai điên thực sự được đâu. Thời gian, ngoại cảnh làm mình tỉnh ra ngay. Tôi cũng muốn điên nhưng tôi là người bình thường, thậm chí quá tỉnh. Tôi sống được vì mạnh thường quân của tôi là lý trí. Tôi không coi âm nhạc là thứ gì cao siêu. Tôi coi nó là hàng hóa. Hàng hóa phải có người mua mình mới sống được. Năm nào tôi cũng làm live show, không bán được thì tôi sống thế nào? Tôi không có nhiều thời gian để quan tâm đến quá nhiều điều. Phục vụ người đàn bà mình yêu, con trai mình và những thứ mình thích cũng quá mệt rồi.
- Có những nghệ sĩ cả đời chỉ có một live show như Thuận Yến, lại có những người mỗi năm đều đặn trình làng như Lê Minh Sơn. Anh nghĩ gì về tương quan này?
- Tôi nghĩ đó là do sự trẻ. Trẻ dám làm những diều người già không làm (chứ không phải không dám làm). Ngày xưa chỉ có radio, những nhạc sĩ có nhiều bài phát trên đài phát thanh là thành nổi tiếng. Bây giờ nổi tiếng khó quá vì có nhiều kênh lựa chọn như Internet, tivi, tụ điểm âm nhạc, nhạc sĩ cũng nhiều như nấm. Thế nhưng, những người làm show mà bán vé được như Lê Minh Sơn thì chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Sức hút chương trình của tôi nằm ở chính tôi. Khán giả đến thấy tôi cháy hết mình trên sân khấu, từ đầu đến cuối chương trình chứ không như những nhạc sĩ khác, ngồi ở dưới xem và cuối giờ nhận chúc mừng.
"Tôi thích những người phụ nữ đẫm nước mắt". |
- Trong “Một khúc sông Hồng”, anh để Thanh Lam lĩnh trọng trách là người hát bài hát chủ đề. Anh nói sao về sự ưu ái thiên vị với giai nhân âm nhạc?
- Một khúc sông Hồng, theo tôi đánh giá có sức công phá bằng 5 lần Đá trông chồng mà Thanh Lam từng biểu diễn trước đây. Đó là bài hát tôi viết sau những quan sát khi đi câu. Có xác chết trôi, có tình yêu, có sự thậm thụt… Tôi viết tặng Thanh Lam vì lâu lắm rồi tôi mới có bài hát có sức nặng dành cho người có sự biểu cảm mãnh liệt. Chỉ thế thôi. Đừng dùng từ “giai nhân âm nhạc” với tôi vì tôi không phải anh Hà Dũng. Tất cả ca sĩ của tôi, trừ Thanh Lam, đều xấu. Tôi không để ý đến ngoại hình mà chỉ nhìn vào giọng hát mà thôi.
- Trước đây, anh từng nói thích đàn bà chứ không thích con gái. Vì sao vậy?
- Tôi thích những người phụ nữ đẫm nước mắt vì họ từng trải nên biết chắt chiu những điều quý giá của cuộc sống.
- Anh làm gì khi đàn bà rơi lệ vì mình?
- Tôi không để đàn bà khóc vì mình hoặc không cơ hội nhìn thấy đàn bà khóc vì tôi. Đàn bà khóc có thể vì đau khổ, cũng có thể vì sung sướng. Mỗi cuộc tình, dù vì lý do gì, chia tay cả hai đều khổ. Một người đàn bà đi qua đời mình, phải ba, bốn năm sau mình mới lại cân bằng, mới lại rung động được. Tôi rặt bị đàn bà bỏ. Mà toàn vì yêu tôi quá. Đàn bà như trận đồ bát quái, đàn ông không biết đâu mà lường. Không yêu bỏ mà yêu quá cũng ra đi.
Tôi rất thích có một cô con gái nhưng con gái thường hay thần tượng cha, hay lấy cha ra làm hình mẫu để chọn người yêu, chọn chồng. Thế nên tôi không đẻ con gái nữa. Nhỡ sau này nó yêu phải người như tôi và phải bỏ thì thương lắm.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Ngọc Trần