Chương trình diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội (7/6), Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng (15/6) và Nhà hát Lớn TP HCM (12/7). Trong hai tiếng, nhạc sĩ Lê Minh Sơn và một số ca sĩ trong nhóm nhạc của anh sẽ biểu diễn các ca khúc như Bốn trọng ân, Dâng hương, Giác đạo, Niệm Phật, Con đường Như Lai.
Ca từ trích trong kinh Chuyển pháp luân bằng tiếng Việt, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam giữ bản quyền, đã cho phép nhạc sĩ sử dụng. Dự án phát sóng trực tiếp miễn phí, không thu lợi nhuận.
Năm ngoái, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - gợi ý Lê Minh Sơn phổ nhạc kinh Phật. Theo ông, nhiều hòa thượng trên thế giới đã dùng cách này để truyền tải tư tưởng "sống đời đẹp đạo" một cách gần gũi. Sau sáu tháng, nhạc sĩ viết xong 11 bài, từng biểu diễn ở một số ngôi chùa.
"Kinh Phật vốn hay và giàu ý nghĩa, nhưng khi chuyển thành bài hát cần có hòa thanh, tiết tấu và dấu ấn của nhạc sĩ. Cái khó của tôi là có những câu lặp đi lặp lại đến năm, bảy lần, phải tìm cách biến tấu để giai điệu không nhàm chán", Lê Minh Sơn nói. Anh nghiên cứu kỹ nội dung, ý nghĩa bản kinh Chuyển pháp luân, đồng thời tham khảo một số ca khúc nhạc Phật của Ấn Độ, Đài Loan, Tây Tạng.
Những năm gần đây, nhiều sư thầy trên thế giới phổ nhạc kinh Phật theo các phong cách khác nhau, thu hút sự quan tâm của khán giả. Điển hình, thầy Kanho Yakushiji - người Nhật Bản - có tour lưu diễn cháy vé ở nhiều nước châu Á.
Lê Minh Sơn 49 tuổi, tốt nghiệp xuất sắc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng tu nghiệp ở Pháp. Anh gắn bó dòng nhạc dân gian đương đại, những hình ảnh như ruộng vườn, ao chuôm, cánh cò, đồng lúa. Nhạc sĩ có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Ôi quê tôi, Chuồn chuồn ớt, Đá trông chồng, Bên bờ ao nhà mình.
Hà Thu