Việc Lê Minh Sơn ôm đàn lên sân khấu đã là hình ảnh quen thuộc với khán giả yêu mến anh. Ảnh: Ngọc Trần. |
Ngay từ đầu cuộc trò chuyện, Lê Minh Sơn đã có một lưu ý nhỏ: Không khai thác về “câu cá”, "đàn bà”, “tình yêu” và “quần áo, đầu tóc”. Anh bảo đã quá chán những chuyện câu khách nên chỉ muốn hướng sự tập trung của người đọc thuần vào âm nhạc.
Lê Minh Sơn làm liveshow không còn là chuyện mới mẻ. Năm nào cũng vậy, cứ rằm tháng riêng, gã nhạc sĩ sinh năm 1975 lên Nhà hát lớn Hà Nội, mở sổ ra chọn hai ngày đẹp của mùa thu để tổ chức đêm nhạc của mình. Anh là nhạc sĩ trẻ duy nhất thực hiện liveshow thường xuyên. Khán giả luôn thấy một Lê Minh Sơn trực tiếp cháy cùng phần đàn guitar điêu luyện - đây là điều khác lạ vì hầu hết nhạc sĩ không xuất hiện trên sân khấu.
Những liveshow trước Lê Minh Sơn đều lấy tên mình để đặt. Lần này, anh chọn “Ôi quê tôi” làm chủ đề chương trình. Chọn bài hát quá quen thuộc thay vì tên những ca khúc mới, con trai nhạc sĩ Lê Minh Châu muốn hướng người xem đến một khoảng lặng, một sự thư thái tâm hồn giữa Hà Nội những ngày náo nhiệt. Nhưng “quê” mà không “cũ”. Trong số 20 tác phẩm trình diễn lần này, anh sẽ giới thiệu 16 tác phẩm mới - công sức của cả một năm làm việc.
Ca sĩ ngoài những gương mặt quen như Thanh Lam, Ngọc Khuê, Hoàng Quyên sẽ có thêm những gương mặt lạ như Trung Quân, Việt Anh - những học trò của Lê Minh Sơn vừa thử sức ở Sao Mai 2011. Việc cho hai nam ca sĩ trẻ đứng trên sân khấu của mình - theo nhạc sĩ là một sự kiểm chứng, xem họ đã có độ nhuyễn nhất định chưa. Theo đánh giá của Lê Minh Sơn, Trung Quân và Việt Anh có thể hát nhẹ nhàng, trong sáng nhưng không có được chất mãnh liệt như Tùng Dương. Tuy nhiên, khi liveshow “Ôi quê tôi” diễn ra, Tùng Dương đang cùng nhạc sĩ Nguyên Lê lưu diễn tại Pháp không về kịp. Với cả Sơn và khán giả của anh, đây là một điều đáng tiếc.
Với mỗi cuộc chơi âm nhạc, anh lại có một món quà bất ngờ dành cho khán giả. Ảnh: Ngọc Trần. |
Tuy nhiên, Sơn không quá lo bởi lá bài mang tính quyết định của anh lại là nhạc phẩm không lời mang tên Dòng chảy. Tác phẩm dài 17 phút được trình diễn theo phong cách kèn đám ma với 20 chiếc trống lớn. Đây là tác phẩm anh viết khi ngồi uống rượu ở Lào Cai, cạnh dòng sông Hồng. Nhiều người rùng mình khi thấy Lê Minh Sơn bắt khán giả nghe nhạc đám ma. Nhưng anh lý giải, không có nhạc cụ nào gần gũi với người Việt hơn kèn đám ma và theo Sơn, tiếng kèn đám ma đánh thức sự sống chứ không phải gọi cái chết. Tiếng kèn ám ảnh này đã được Sơn đưa vào sáng tác của mình từ năm 2004 với Đá trông chồng và sau đó là Một khúc sông Hồng, nhưng đây là lần đầu tiên được đứng thành một tác phẩm độc lập. Người được anh chọn mặt gửi vàng là nghệ sĩ Ngọc Anh - tay thổi kèn đám ma số 2 Việt Nam, chỉ chịu đứng sau bố mình.
Ngoài Dòng chảy, Lê Minh Sơn sẽ trình diễn một số tác phẩm không lời mà anh sẽ phát hành trong CD “Guitar À í a” như Don Kihote và Dulcinea. Với Sơn, Tây Ban Nha - xứ sở của điệu Flamenco, nơi khởi sinh cây đàn guitar - chẳng khác nào quê hương thứ hai. Đêm nhạc sẽ như một dòng chảy xuyên suốt, không có sự ngắt mạch bởi cách phân chia phần thường thấy. Trong đó, Lê Minh Sơn tự tin với việc vừa chơi đàn, vừa làm biên tập và đạo diễn.
Ngọc Trần