Lê Khanh tái xuất trong phim Gái già lắm chiêu 3 của đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, vào vai Thái Tuyết Mai - con dâu trưởng một gia tộc quyền quý ở Huế. Chị diễn xuất bên cạnh nghệ sĩ Hồng Vân, Lan Ngọc, Lê Xuân Tiền, Jun Vũ...
- 20 năm trở lại trường quay, cảm xúc chị thế nào?
- Tôi căng thẳng, hồi hộp, không biết bản thân "thay da đổi thịt" thế nào, có làm cho khán giả thất vọng không. Dàn diễn viên đóng chung với tôi, ngoài Hồng Vân, còn lại đều thuộc thế hệ 9x. Họ xinh đẹp, chuyên nghiệp khiến tôi choáng ngợp. Cả êkíp gọi tôi là mẹ, ưu tiên mọi thứ cho tôi. Dần dần, mọi lo lắng qua đi, tôi thấy như có thêm vài chục đứa con. Mỗi sáng, chúng í ới gọi tôi dậy hóa trang. Có ngày làm việc đến 24 tiếng, mệt lắm nhưng đứng trước ống kính, tôi thấy tươi mới.
Có kỷ niệm vui là mỗi khi vào cảnh quay, tôi phải rón rén, hơi mất tự nhiên vì những đạo cụ trong phim đều quá đắt đỏ. Nếu làm rơi vỡ đồ, chúng tôi sẽ phải tự bỏ tiền đền. Một lần, cả đoàn nín thở vì diễn viên làm rơi một đôi đũa quý. Ngoài ra, tôi rất mê sự cầu kỳ của ẩm thực Huế. Nhưng dù là bà chủ trong phim, bao nhiêu nem công chả phượng bày ra, tôi không được thưởng thức vì các món ngon chỉ phục vụ cho cảnh quay.
- Gia đình, khán giả nói gì trước sự trở lại của chị?
- Gia đình không nói ra nhưng tôi có cảm giác họ "nín thở", hồi hộp theo mình. Trước khi vào vai mới, tôi thường có cảm xúc rất thiêng liêng và thú vị, chỉ ai từng đóng phim điện ảnh mới hiểu. Chồng tôi còn khuyên vui: "đi nhẹ nói khẽ thôi" vì hiểu khi đó tôi bắt đầu là Thái Tuyết Mai rồi. Ai đó từng nói nghệ sĩ vào tác phẩm như thiêu thân, làm việc quên ngày quên đêm. Đôi khi, tôi áy náy vì thường vắng mặt lúc gia đình gặp một số khó khăn. Những ngày sát Tết, tôi còn ra vào TP HCM vài lần để phục vụ cho công tác quảng bá phim. Nhưng đời tôi không dễ có nhiều vai diễn điện ảnh như vậy. Tôi cố gắng xứng đáng với kỳ vọng của gia đình, khán giả.
Trở lại phim trường, tôi nhận được nhiều dòng tin nhắn xúc động từ bạn bè, người xem. Đến chị làm nail cũng hỏi tôi khi nào phim ra rạp. Tất cả điều này làm tôi hạnh phúc. Dường như mọi người vẫn chưa quên cái tên Lê Khanh.
- Vai diễn này có gì giống và khác so với chị ngoài đời?
- Cặp đạo diễn rất khéo, họ lấy câu chuyện của tôi bồi đắp cho Thái Tuyết Mai. Giống bà ấy, tôi là người muốn mọi thứ chỉn chu, hoàn hảo. Tôi cũng là người coi trọng nền nếp, gia phong nhưng không đến mức cực đoan như nhân vật. Tôi yêu gia đình nhưng cũng trân trọng sự nghiệp, muốn chu toàn cả hai.
Ở ngoài, những ai gặp tôi đều nghĩ tôi là người an toàn. Nhưng trong sự nghiệp, tôi dám dấn thân, dám thử những bước đi mạo hiểm. Vào năm 2000, tôi từng gây sốc khi lần đầu đóng hài và khiến mọi người cười nghiêng ngả. 20 năm sau, tôi muốn một lần nữa gây bất ngờ cho khán giả. Ở điện ảnh, tôi từng được yêu quý với những vai nữ chính dịu dàng, hy sinh, đa sầu đa cảm. Vai Thái Tuyết Mai là cơ hội để khán giả biết mặt khác của tôi.
- Chị làm thế nào hóa thân thành mẹ chồng thượng lưu xứ Huế?
- Bà Thái Tuyết Mai đứng đầu gia tộc, có vẻ đẹp sang trọng, thanh lịch. Tôi từng hóa thân thành nhiều nhân vật sang hèn trên sân khấu. Nhưng chưa có vai nào tôi được chăm chút như một bà hoàng từ phục trang, phụ kiện đến tách trà tôi uống, căn phòng tôi ở. Tôi không cần phải lo gì, kể cả bộ móng tay. Nhưng đó cũng là áp lực. Ngoài đầu tư nhiều về phần nhìn, tôi muốn làm sao hoàn thành tốt phần nội tâm nhân vật.
Tôi đến Huế trước ngày bấm máy để gặp nghệ sĩ Bội Trân, người phụ nữ Huế điển hình, cũng là nhân vật nguyên mẫu của Thái Tuyết Mai. Tôi theo chị Bội Trân học cách làm phụ nữ Huế, từ lối đi đứng đến cách nói chuyện từ tốn, mềm mỏng. Những cảnh tôi vẽ tranh, nấu bún bò, làm bánh... trong phim đều do chị dạy. Chúng tôi trò chuyện về cuộc đời làm dâu của chị ở gia đình quý tộc xứ Huế. Tôi cảm nhận nỗi đau của chị, một người mẹ cô đơn vì mất con trai, và biến nó thành nỗi đau của mình trên phim.
- Chị thích nhất cảnh quay nào?
- Cao trào của phim là khi hai người mẹ chất vấn, thức tỉnh nhau và bà mẹ (Hồng Vân) đập tan chiếc vòng ngọc gia bảo, tượng trưng cho hạnh phúc ảo của con dâu. Thông thường, người thuộc thế hệ trước được mặc định là khó tính, khó thay đổi. Nhưng ở phim này, mẹ chồng lại là người cảnh tỉnh con dâu. Rất may, tôi và Hồng Vân đều bắt đúng cảm xúc. Nhiều thành viên đoàn phim cho biết họ lặng người khi xem chúng tôi diễn cảnh đó.
Ngoài ra, tôi thích phân đoạn tôi vừa vẽ tranh vừa nói chuyện với con trai (Lê Xuân Tiền). Đó là cảnh khó, làm sao để không quá dâng trào vì Thái Tuyết Mai luôn giữ sự bình thản, nhưng phải làm khán giả hiểu bà cô đơn.
Cái khó của nhân vật này là bên ngoài sang trọng, nền nã, không mất lòng ai, không ăn to nói lớn, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Chồng mất, con trai duy nhất ở xa. Sống bên mẹ chồng hồn nhiên, bà phải lèo lái gia đình bên bờ vực phá sản. Sự khó tính của bà là có lý do. Tôi phải vật lộn để giữ bí mật ấy đến cuối phim.