![]() |
Đạo diễn Lê Hùng. |
- Từ lâu, ông đã quen dàn dựng các chương trình sân khấu nhỏ trong Nhà hát Tuổi trẻ. Ông có gặp trở ngại gì khi bắt tay vào làm một "sân khấu thiên nhiên" với bối cảnh là toàn bộ đảo Tuần Châu?
- Khác với sân khấu trong Nhà hát là khán giả chỉ xé vé, đi vào và ngồi yên trong rạp. Sau đó, người làm chương trình có điều kiện chủ động dẫn khán giả. Còn ở đảo, chúng tôi có hai cái khó, một là phải làm sao cho họ nhập cuộc ngay vào các màn biểu diễn. Hai là phải tận dụng và kết hợp một không gian lớn làm sao cho từng sân khấu đơn lẻ như sân khấu suối, đảo, nước và khu ẩm thực độc lập phát huy. Nếu làm không khéo thì đêm Noel nguyên thuỷ rất dễ trở thành thùng nước gạo vì có nhiều thứ quá, nào là ca, múa, hài kịch rồi lại cá heo, quan họ, lễ giáng sinh, trình diễn mẫu.
- Ông có thể tiết lộ vài chiêu để “dẫn” khán giả?
- Ví dụ như phần Nhạc hội sân khấu đảo sẽ bắt đầu bằng màn chào hỏi của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên và hoa hậu. Sau đó, người dẫn chương trình hướng khán giả ra sân khấu hồ. Khi thuyền đi vòng quanh đảo, lúc đó màn trình diễn hoa đăng bắt đầu. Đèn laser tạo sao và ánh sáng huyền ảo sẽ được quét liên tục lên bầu trời. Tiếp đó, MC sẽ giới thiệu xuất xứ của những ngọn đèn trời của vùng Thái Bình giống như những khinh khí cầu nhỏ. Đèn trời được thả lên, từ từ bay lơ lửng. Phần này phải được tính kỹ về hướng gió để đèn bay lên như một giấc mơ ánh sáng rồi từ từ rơi xuống biển, chứ không để rơi về phía rừng thông, cháy rừng như chơi. Tuy vậy cũng phải có xe cứu hỏa túc trực sẵn sàng.
Chúng tôi sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền từ lúc bắt đầu khai mạc lễ hội. Đèn và âm nhạc của từng sân khấu nối nhau bật lên. Riêng sân khấu nước là hình ảnh về ngày Chúa giáng sinh được mở cửa liên tục. Mỗi du khách bước vào đây sẽ được người mẫu đứng chờ sẵn để trao nến. Một ông già Noel vẩy nước làm phúc cho du khách. Khi vẩy xuống mặt nước thì bất ngờ cá heo vọt lên. Đến tôi cũng rất háo hức chờ đến giây phút đó.
(Theo Thể Thao & Văn Hóa)