![]() |
Lê Hùng dồn sức đạo diễn vào vở kịch đầu tiên trên cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Lựa chọn phản ánh một thời kỳ lịch sử đặc biệt với việc chuyển giao từ nhà Lý sang nhà Trần, Mỹ nhân và anh hùng tái hiện một bối cảnh xã hội đầy biến động với những mâu thuẫn, xung đột khắc nghiệt, buộc một nữ nhi như Lý Chiêu Hoàng phải có những hy sinh phi thường, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hạnh phúc cá nhân. Bản thân bà vừa là một mỹ nhân, vừa là một anh hùng. Vở kịch cũng đề cập đến công và tội của Trần Thủ Độ - nhân vật đã có ảnh hưởng rất lớn tới triều đại nhà Trần và cũng chính là người ra tay sắp đặt những bi kịch cho Lý Chiêu Hoàng.
“Lý Chiêu Hoàng từng lấy chồng để nhường ngôi báu cho chồng, sau lại phải nhường chồng cho chị gái của mình để giữ gìn cơ nghiệp nhà chồng khi không thể sinh con trai nối dõi. Đó chính là sự hy sinh, nỗi thống khổ của bậc giai nhân tuyệt sắc một thời trong lịch sử Việt Nam. Và tất thảy hạnh phúc và bất hạnh của đời bà không hẳn do bàn tay số phận sắp đặt, mà có sự can thiệp, sắp xếp của Trần Thủ Độ” - Chu Thơm, người viết kịch bản Mỹ nhân và anh hùng - cho biết.
![]() |
Một cảnh trong kịch "Mỹ nhân và anh hùng". |
Tâm đắc với kịch bản từng được đánh giá cao tại trại sáng tác của Hội nghệ sĩ sân khấu, NSND Lê Hùng quyết định huy động những gương mặt sáng giá của Nhà hát Kịch Việt Nam để dàn dựng vở diễn: NSƯT Trung Anh vai vua Trần Cảnh, Tuấn Minh vai Trần Thủ Độ, Thanh Giang vai Lý Chiêu Hoàng. Cặp nghệ sĩ hài nổi tiếng sân khấu phía Bắc Quốc Khánh - Xuân Bắc hiện diện trong hai vai diễn đầy tâm trạng: chép sử già và chép sử trẻ.
Lê Hùng cho biết, anh muốn dàn dựng Mỹ nhân và anh hùng với nhiều trò diễn gây ấn tượng và xúc động. NSND Doãn Châu thiết kế sân khấu, NSƯT Hạnh Nhân phụ trách âm nhạc. Người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo hai nhà hát lớn của Hà Nội tâm sự, anh mong Mỹ nhân và anh hùng ra mắt khán giả vào tháng 9 sẽ là một điểm nhấn cho tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam trong bước đường mới của mình.
Bài và ảnh: Ngọc Trần