Takayama là một trong ba lễ hội lớn được liệt vào hàng di sản văn hóa dân tộc quan trọng nhất ở Nhật Bản, được tổ chức tại thị trấn cổ Takayama thuộc tỉnh Gifu. Rất đông du khách đến lễ hội để chiêm ngưỡng những chiếc kiệu rước đầy sắc màu rực rỡ. Lễ hội tổ chức thường niên hai lần trong năm vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân (hay còn gọi là Sanno) diễn ra vào ngày 14 -15/4 ở đền Hie, lễ hội mùa thu (hay còn gọi là Hachiman) tổ chức ngày 9 – 10/10 ở đền Hachiman.
Lễ hội Takayama xuất phát từ thời kỳ cai trị của các Daimyo thuộc dòng họ Kanamori ở Hida vào năm 1718. Mặc dù, tiết trời thu se lạnh nhưng bầu không khí lễ hội Takayama ở đền Hachiman diễn ra rất nóng, nhất là khi 12 chiếc kiệu rước đầy màu sắc, trang trí nhiều karakuri ningyo – búp bê máy có thể di chuyển và nhảy múa - diễu hành qua các con phố cổ. Đây cũng chính là tiền đề của những con robot hiện đại Nhật Bản. Các họa tiết lộng lẫy được tạo bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân bậc thầy gọi là Hida No Takumi. Chúng thường được mô tả là “mobie Yomeimon” gắn với hình ảnh chiếc cổng Yomeimon nổi tiếng của ngôi đền Nikko.
Đoàn rước diễu hành quanh thị trấn thường bắt đầu từ 9h và kết thúc lúc 18h trong suốt hai ngày diễn ra lễ hội mùa thu Takayama. Đám đông đứng chen chúc hai bên đường đều bị cuốn hút bởi chiếc kiệu khênh ngôi miếu di động chở vị thần Shinto (gọi là Mikoshi), đẹp như một bức tranh đang chuyển động. Ai nấy đều tỏ ra phấn khích trước màn nhào lộn trên không của những con rối karakuri ningyo. Đặc biệt, vào buổi tối đầu tiên của hội, những chiếc xe diễu hành sẽ được đặt dọc con đường của thị trấn Takayama khoảng từ hai đến ba giờ đồng hồ thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.
Hàng năm, lễ hội mùa thu Takayama thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Các khách sạn ở trung tâm thị trấn thường kín lịch đặt phòng từ vài tháng trước diễn ra lễ hội. Những thị trấn lân cận như Furukawa và Gero Onsen thì ở khá xa và khó xem được lễ hội buổi tối. Vì vậy, nếu bạn muốn đến đó hòa mình vào lễ hội thì nên đặt phòng trước nửa năm.
Một số lễ hội mùa thu độc đáo bạn cần biết
Ngày 16/9: lễ hội cưỡi ngựa bắn cung diễn ra tại đền Tsurugaoka Hachimangu ở Kamakura.
Ngày 7 – 9/10: lễ hội Kunchi ở đền Suwa (Nagasaki) trình diễn điệu múa lân Trung Quốc.
Giữa tháng 10: Lễ hội thành phố Nagoya nổi bật với cuộc diễu hành chân dung của ba lãnh chúa thời phong kiến được khác họa lộng lẫy.
Ngày 14 - 15/10: lễ hội “đánh nhau” tổ chức tại đền Matsubara thuộc Himeji, còn được gọi là lễ hội Kenka Matsuri.
Khoảng giữa tháng 10 và tháng 11: Triển lãm hoa cúc ở đền Meiji, chùa Asakusa Kannon tại thành phố Tokyo.
Ngày 17/10: Lễ diễu hành kiệu, xung quanh có các thuộc hạ mặc áo giáp trong lễ hội mùa thu tại đền Toshogu (Nikko).
Ngày 22/10: Lễ hội kỷ nguyên ở đền Heian (Kyoto), còn gọi là lễ hội Jidai Matsuri. Ngoài ra còn có lễ hội lửatổ chức tại đền Yuki, Kurama, cũng thuộc Kyoto.
Từ ngày 2 - 4/11: Lễ diễu hành thuyền trong lễ hội Okunchi tại đền Karatsu (Saga).
Ngày 3/11: Nghi lễ rước vua thời phong kiến trong lễ hội Daimyo Gyoretsu (Hakone)
Giữa tháng 11: Lễ hội Rake Fair và Tori-no-ichi tại đền Otori (vùng Kanto) và cuộc thi đấu sumo diễn ra trong 15 ngày tại Fukuoka.
Ngày 15/11: Lễ hội Shichi-go-sandành cho các bé 3, 5, 7 tuổi. Các ông bố bà mẹ sẽ dẫn con đến để cảm tạ thần hộ mệnh.
Hồng Lam