Một nét độc đáo trong đời sống văn hóa Australia là rất nhiều lễ hội với đủ các cấp độ: quốc gia, thành phố, quận, huyện, trường học, thậm chí khu phố. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này với số ảnh hạn chế, tôi muốn giới thiệu với các bạn một số lễ hội ở Canberra và mà tôi có dịp tham dự.
Lễ hội ở đây, dù lớn hay nhỏ, đều mang tính cộng đồng rất cao. Đó là hoạt động của tất cả mọi người, người cùng tham gia, đóng góp và cùng hưởng không khí vui tươi, sảng khoái, văn minh, lành mạnh do lễ hội mang lại. Đó còn là những “ngày của gia đình” như người Australia thường gọi, dịp để cả gia đình vui bên nhau ngoài căn nhà của họ. Lễ hội góp phần không nhỏ tăng cường sự gắn kết trong từng cộng đồng nhỏ, và rộng ra là cả dân tộc Australia, một đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa.
Một điểm nổi bật là lễ hội được tổ chức giản dị, tiết kiệm, không khoa trương lãng phí, nhưng vui tươi, lành mạnh, đù đó là tầm quốc gia như ngày Quốc khánh, đón Năm mới… hay tầm “khu phố”. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày cuối tuần để nhiều người có thể tham dự. Người đến lễ hội mang theo tấm trải, ghế xếp; có người mang theo cả lều bạt để che mưa, nắng, chăn đắp những hôm trời lạnh cùng đồ ăn, thức uống như đi picnic vậy. Thậm chí có gia đình mang theo cả bếp ga BBQ chuyên dụng, bàn xếp rồi nướng thịt thơm lừng như bữa tiệc ngoài trời.
Người ta có thể nằm ngồi thoải mái trên các triền cỏ xanh mướt. Mọi người tự tìm cho mình chỗ “cắm trại” thích hợp. Đến trước, ngồi trước, đến sau, ngồi sau; không chen lấn, xô đẩy. Không ai làm phiền người khác. Mặc dù đông đúc, nhưng ai cũng cảm thấy dễ chịu. Luôn luôn có đủ chỗ cho mọi người. Đó là dịp để trò chuyện, nhưng ai cũng nói nhỏ nhẹ, vừa đủ nghe nên không ồn ào, ầm ĩ. Không ai vứt rác xuống đất, dù là mẩu giấy nhỏ xíu gói kẹo cao su. Người ta bỏ vào túi nilon mang theo, hay bỏ vào các thùng rác được ban tổ chức bố trí rất nhiều quanh đó. Thường có thêm một số quầy bán đồ ăn nhanh, trò chơi cho mọi lứa tuổi, quầy bán đồ lưu niệm, nhất là sản phẩm thủ công của người Australia.
Ở các lễ hội lớn, ban tổ chức bố trí phương tiện cấp cứu phòng khi có người ốm đau đột ngột, và phương tiện cứu hỏa phòng bất trắc. Cũng có vài ba cảnh sát, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của họ là “trang trí”, vì mọi người đều rất tự giác tuân thủ văn hóa nơi công cộng. Ngay cả ngày Quốc khánh cũng không có diễn văn. Chỉ có một sân khấu dựng tạm với một dàn âm thanh “khủng”; một MC giới thiệu các tiết mục văn nghệ do các nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư trình diễn, không có thù lao. Các hoạt động biểu diễn như ca múa nhạc, múa lân, đua thuyền, lướt sóng trên hồ…đều do người tình nguyện hay các câu lạc bộ đóng góp miễn phí.
Lễ hội không những không tốn kém, một số còn thu được khoản tiền từ những người tham dự. Số tiền đó bao giờ cũng được dùng vào mục đích từ thiện và mục đích xã hội. Thông điệp của lễ hội là gắn kết cộng đồng, hài hòa giữa các nhóm chủng tộc và văn hóa khác nhau và mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.
Thông điệp đó không ồn ào, không băng rôn khẩu hiệu, thậm chí không thể hiện thành lời, nhưng tinh tế và lắng đọng trong lòng người. Sau mỗi lễ hội, người người cảm thấy gắn kết với nhau hơn, nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa, tinh thần và vật chất của cộng đồng; bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa, nơi cộng đồng sinh sống. Mỗi lễ hội là một viên gạch nhỏ góp phần xây nên nền móng vững bền của cộng đồng gắn kết trong đa dạng“mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người.
Cứ đến ngày Quốc khánh, 26/1, dân Canbrra và các vùng lân cận tụ tập về thảm cỏ xanh trên bờ hồ Burley Griffins, đối diện với Thư viện Quốc gia, tham dự các hoạt động chào mừng. Trong ảnh là nơi diễn ra các hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh. Tòa nhà bên kia hồ là Thư viện Quốc gia. Bất kỳ một cuốn sách nào xuất bản ở Australia đều gửi lưu chiểu ở thư viện này. Giữa hồ là Đài phun (Water Jet) kỷ niệm Thuyền trưởng Cook – người Anh đầu tiên đặt chân lên lục địa này tháng 4/1770. Đài cao 147 mét, biểu tượng của Canberra. Hàng cây hoa trắng ven hồ là dẫy anh đào do chính phủ Nhật Bản tặng. |
Biểu diễn mô tô nước. Các vận động viên tham gia biểu diễn là những người tình nguyện, hoặc thành viên câu lạc bộ. Xe mô tô là của riêng họ. Đôi khi có thêm tiết mục bơi thuyền rồng của cộng đồng người Australia gốc Hoa trình diễn, và tiết mục nhảy dù. Hoạt động chào mừng Quốc hhánh thường kết thúc vào lúc 9h tối bằng màn bắn pháo hoa từ hồ lên. |
Các hoạt động chào mừng Ngày thành lập Thủ đô cũng được tổ chức bên hồ Burley Griffins, hồ lớn nhất ở trung tâm thành phố. Burley Griffins buổi sớm ngày kỷ niệm thành lập thủ đô. Trong ảnh, máy bay lên thẳng đang biểu diễn. Đây là chiếc máy bay chuyên chở bệnh nhân cấp cứu từ các vùng xa tới bệnh viện Canberra. Phần lớn kinh phí hoạt động của nó là từ các nguồn đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức từ thiện. |
Hội hoa được tổ chức từ ngày 17/9 đến 16/10 hàng năm, lần đầu tiên vào năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày thành lập nước. Đây là hoạt động văn hóa lớn và kéo dài nhất trong năm, trưng bày hàng triệu bông hoa các loại, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật như biểu diễn ca, múa, nhạc chuyên ghiệp và nghiệp dự, các chương trình tạp kỹ, hội họa, thời trang kết bằng hoa lá…khiêu vũ, kéo dài suốt một tháng. Có nhiều hoạt động vào các buổi tối. Đặc biệt các cây hoa được giữ tươi từ lúc khai mạc tới khi kết thúc hội, và dù có hàng vạn người thăm quan trong một tháng trời, nhưng không một bông hoa hay một cành cây nhỏ bị bẻ gẫy. Tôi đã thăm 3 hội hoa ở đây, nhưng chưa lần nào thấy cảnh sát bên trong khu vực hội! |
Anh họa sĩ trên xe lăn này đang say sưa ghi lại sắc màu kỳ diệu của Hội hoa. |
Dinh Toàn Quyền là nơi làm việc của ngài Toàn Quyền, đại diện cho Nữ Hoàng Anh tại Australia. Mỗi năm Dinh mở cửa một ngày cho người dân vào thăm. Hội từ thiện The Smith Family là cơ quan tổ chức ngày hội này. Tất cả số tiền thu được dành cho Quỹ hỗ trợ giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi lần tổ chức hội, Quỹ thu được khoảng bốn mươi ngàn đô la Australia. Trong ngày hội, Câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển của Hội Người cao tuổi đóng góp tiết mục khiêu vũ. Các vũ công mặc trang phục cổ và biểu diễn các điệu múa cổ từ thời nước Australia mới được thành lập. |
Chiếc xe Rolls Royce của bà toàn quyền được mang ra trưng bày cho khách thăm quan. Trẻ em có thể vào ngồi hẳn trong xe để chụp ảnh! |
Australia là nước đa chủng tộc, đa văn hóa. Chính sách của nước Australia khuyến khích các chủng tộc duy trì sắc thái văn hóa riêng của mình, gắn kết trong một xã hội hài hòa. Vì vậy ở Australia có các hoạt động như Ngày Hài hòa (Harmony Day) và Ngày Hội đa văn hóa (Multi-Cultural Day). Trong ngày hội, các chủng tộc khác nhau giới thiệu văn hóa của mình, thông qua các tiết mục ca, múa nhạc, ẩm thực… Trong ảnh là một thổ dân Australia biểu diễn nhạc cụ truyền thống của mình. |
Một điệu múa dân tộc. |
Có rất nhiều lễ hội cộng đồng do các quận, huyện tổ chức. Các lễ hội này thường được tổ chức vào ngày cuối tuần tại công viên của mỗi quận, huyện. Đó là ngày thực sự vui vẻ, ấm cúng cho các gia đình. Có nhiều hình thức vui chơi, giải trí, thể thao, văn hóa, nhiều thức ăn ngon và đồ lưu niệm. Trong ảnh là quang cảnh rất đặc thù của một lễ hội cộng đồng. |
Một cậu bé Việt Nam tham gia thi tô màu tại lễ hội. |
Đồ thủ công mỹ nghệ bày bán tại một sạp ở lễ hội. |
Đặng Thế Truyền
Độc giả gửi video/bộ ảnh dự thi về thegioi@vnexpress.net. Riêng video, độc giả có thể gửi link từ YouTube về địa chỉ như trên. VnExpress khuyến khích những bộ ảnh/video kể về những trải nghiệm của bản thân tác giả ở Australia.
Mỗi tuần, ban giám khảo sẽ chọn 5 comment ngẫu nhiên của độc giả ở Việt Nam để tặng quà là 4 vé xem phim ở Megastar hoặc bản in tranh thổ dân.