Thứ bảy, 27/7/2024
Thứ ba, 21/2/2023, 22:07 (GMT+7)

Lễ hội kén rể ở Hà Nội

Người dân Đường Yên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) tổ chức Lễ hội kén rể với các nghi thức và phần thi nhằm tưởng nhớ công ơn nữ tướng Lê Hoa.

Lễ hội kén rể thôn Đường Yên được tổ chức ngày 2/2 âm lịch hàng năm. Trước khi vào vai diễn, các em nhỏ tham gia trang điểm cho nhau.

Tương truyền, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40-43), làng Đường Yên có người con gái tên Lê Hoa khi đó 17-18 tuổi vẫn chưa chồng, đi theo Hai Bà đánh giặc Đông Hán và lập nhiều chiến công. Sau khi lên ngôi vua, Hai Bà Trưng điều Lê Hoa về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Đất nước trở lại thanh bình, Lê Hoa mở hội kén người hiền tài làm chồng.

Những người vào các vai chính trong lễ hội đều phải trải qua quá trình tuyển chọn. Người đóng vai mẹ của Thánh bà, tức Mẫu bà phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu. Người đóng Thánh bà (tức bà Lê Hoa) cùng hai chàng rể phải là các trai gái chưa có gia đình riêng, học hành giỏi giang, xuất thân trong các gia đình nền nếp.

"Một tháng trước khi diễn ra lễ hội, gần 100 thành viên trong làng đã chuẩn bị và tập luyện", ông Nguyễn Ngọc Doanh, 70 tuổi, thành viên Ban giám khảo, nói.

Năm nay, Nguyễn Thị Hường (20 tuổi) đã được chọn làm nữ tướng Lê Hoa. "Em rất tự hào nhưng cũng hồi hộp vì mình phải đảm nhận một vai quan trọng trong buổi lễ hôm nay", Hường chia sẻ.

Đúng 14h, đoàn rước kiệu nữ tướng Lê Hoa vào đình, hai bên có cụ già chắp tay trước ngực đón Thánh bà.

Nữ tướng Lê Hoa tiến ra sân đình.

Theo truyền thuyết, thế kỷ 17, người dân Đường Yên đã góp tiền xây dựng ngôi đình để thờ bà Lê Hoa. Từ đó, Lễ kén rể cũng ra đời. Sau 60 năm thất truyền, đến năm 2001 lễ hội đã được diễn lại.

Màn trống hội của những người cao tuổi trong làng đã mở màn cho lễ kén rể với đông đảo người dân theo dõi xung quanh.

Màn múa cờ thần và tái diễn cảnh bà Lê Hoa đánh giặc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.

Các chàng rể phải trải qua những cuộc thi. Mở đầu hội thi canh nông, trên sân đình hai chàng rể đóng vai thợ cày mặc quần áo nâu chít khăn trên đầu, đi theo là một đầy tớ mang trống khẩu để cổ vũ, còn hai người đóng làm trâu mặc quần áo đen, đeo mặt nạ.

Phần thi "câu ếch" - người đóng giả làm ếch là các em nhỏ. Ban giám khảo sẽ chấm điểm cao cho những chú ếch nhảy khỏe, nhảy nhanh.

Các chàng rể tranh nhau bắt chạch trong chum. Phần thi thể hiện sự hòa hợp âm dương với mong muốn vạn vật sinh sôi, tươi tốt.

Sau ba phần thi, Ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Người chiến thắng sẽ được chọn làm rể, cùng nữ tướng làm lễ bái tổ đường.

"Lễ kén rể tái hiện những công việc thường ngày của cư dân lúa nước, gửi gắm trong đó những ước vọng về một cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt", ông Nguyễn Ngọc Doanh, thành viên Ban giám khảo, nói.

Giang Huy