Cứ đến tháng 10 hàng năm, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận lại nhộn nhịp với tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginang báo hiệu một mùa Kate rộn ràng tới. Những cô thiếu nữ Chăm duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, bẽn lẽn, e lệ bước chậm rãi trong chuyến hành hương về tháp cổ của dân tộc. Xen những điệu múa quạt, các câu hát dân ca sẽ làm say đắm bất cứ ai đến lễ hội truyền thống độc đáo này.
Người Chăm có ba thành phần tôn giáo gồm Chăm Awal (Bà La Môn), Chăm Ahier (Bà Ni) và Chăm Islam. Theo đó, Kate là lễ hội chung của đồng bào Chăm nhưng lại là lễ tục của người Chăm Bà La Môn. Còn Ramawan (Ramadan) là lễ tục của đồng bào Chăm Bà Ni và Chăm Islam. Mỗi tôn giáo có những hoạt động lễ hội mang sắc thái đặc trưng riêng, luôn là điểm đến thích thú của nhiều du khách ở Ninh Thuận.
Đến với lễ hội Kate, du khách sẽ bắt gặp nhiều gam màu rực rỡ. Trong đó, màu đỏ trắng độc đáo in trên trang phục của các vị chức sắc Chăm. Màu hồng rực xuất hiện trên chiếc khăn thắm của những người phụ nữ. Còn màu đất nung phủ kín những ngôi tháp cổ kính, linh thiêng vốn là nơi hành hương của cộng đồng Chăm. Năm nay , lễ hội Kate Ninh Thuận diễn ra tại ba đền tháp chính. Mỗi đền tháp là một sắc thái riêng với những nghi lễ đầy huyền ảo, hoạt động nhộn nhịp ở khắp xóm làng.
Đền Po Ina Nagar – Làng Hữu Đức
Đền Po Ina Nagar là phụ bản của ngôi tháp Po Ina Nagar Nha Trang. Vì quản ngại xa xôi mỗi khi lên tháp cúng tế hay làm lễ, người Chăm đã rước vong linh của vị Thánh Mẫu về làng Hữu Đức – Ninh Phước để thờ phụng. Được xem là Thánh Mẫu của cả dân tộc, ngôi đền luôn là nơi diễn ra lễ hội Kate trước tiên. Dịp năm nay vào ngày 22/10.
Vào khoảng 1h chiều, người Chăm trong làng sẽ làm nghi lễ rước xiêm y Thánh Mẫu do người Raglai cất giữ mang đến. Nghi lễ xong xuôi, bộ xiêm y được rước quanh làng trong sự cung kính của mọi người rồi tiến vào đền để cúng tế trong những ngày Kate.
Sau phần lễ là những màn múa quạt, khăn truyền thống của các thiếu nữ Chăm duyên dáng. Mọi người chúc tụng và mời nhau ly rượu, tưởng nhớ công ơn các vị thần đã nâng niu che chở và cho mùa màng bội thu.
Tháp Po Rome – Làng Hậu Sanh
Ngôi tháp tọa lạc trong một làng Chăm cổ với nhiều nét huyền bí, linh thiêng. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ với kiến trúc độc đáo, mang dáng vẻ uy nghiêm khác lạ so với những ngôi tháp Chăm khác dọc dải miền trung.
Lễ hội Kate ở đây diễn ra vào sáng 23/10. Buổi sáng cùng ngày, đoàn người trong làng và các vị chức sắc làm lễ rước xiêm y do người Raglai mang đến. Song song với lễ tục là những điệu múa duyên dáng, đầy uyển chuyển của thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống cùng gam màu rực rỡ.
Tháp Po Klaong Garai – Thành phố Phan Rang
Là nơi còn tương đối nguyên vẹn trong các ngôi tháp ở miền Trung, du khách sẽ ngỡ ngàng trước khối kiến trúc hùng vĩ tại tháp Chăm cổ. Đây là nơi hành hương đông đúc của người Chăm. Hầu như các làng Chăm đều đến cúng lễ và cầu nguyện giúp gia đình một mùa Kate tràn đầy sức khỏe và bình an.
Sáng sớm ngày 23/10, các thiếu nữ Chăm sẽ mở hội với nghi lễ múa rước xiêm y vua Po Klaong Garai tại một ngôi đền trong làng. Múa lễ xong, từng đoàn người hân hoan rước kiệu xiêm y vua đưa đến ngôi tháp Po Klaong Garai làm nghi thức cúng tế. Vị chức sắc Ong Camnai sẽ bắt đầu bằng việc té nước cho thần Shiva ở trước cổng tháp chính, nơi thờ tự tượng bán thân Mukha Linga của vua Po Klaong Garai. Sau đó, các vị chức sắc sẽ làm nghi thức tắm rửa và mặc xiêm y cho vua. Lễ tục kết thúc cũng là lúc mọi người vui mừng chúc tụng nhau, ca hát và nhảy múa tạo nên một mùa lễ hội đầy sôi động.
Thông tin thêm: Lễ hội Kate diễn ra chính thức trong bốn ngày, riêng phần hội sẽ kéo dài cả tháng. Chiều ngày 22/10, lễ diễn ra ở đền Po Ina Nagar – làng Hữu Đức, huyện Ninh Phước. Sáng 23/10, lễ diễn ra ở tháp Po Rome – làng Hậu Sanh, huyện Ninh Phước. Sáng 23/10, lễ diễn ra ở tháp Po Klaong Garai – phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang. Ngày 24/10, phần hội diễn ra ở làng nghề Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc với các màn thi dệt, thể thao và văn nghệ dân gian đặc sắc. Ngày 25/10, lễ cúng Kate trong các gia đình người Chăm diễn ra ở các làng có đồng bào Chăm Bà La Môn sinh sống. |
Văn Trãi