Thị trấn có khoảng 10.000 người nhưng chỉ có 3 cảnh sát, tòa án gần nhất cách đó 12 giờ lái xe và không phải ai cũng có đủ chi phí kiện tụng. Vì vậy đánh nhau để giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng là truyền thống của người dân.
Phong tục này có tên là Takanakuy, ghép giữa hai từ "Takar" nghĩa là "đánh" và "Nakuy" nghĩa là "có đi có lại". Diễn ra từ ngày 24 - 26/12 hàng năm, lễ hội diễn ra với mục đích bắt đầu một năm mới với một khởi đầu mới, nên mọi cuộc chiến đều bắt đầu và kết thúc bằng một cái ôm.
Mọi người sẽ đứng thành vòng tròn để xem những trận đánh một đấu một. Luật quy định các đấu thủ được phép đấm, đá và tát. Các hành động như cắn, giật tóc, đánh khi đối phương bị ngã và ôm nhau đều bị cấm. Xung quanh đấu trường là những giám khảo cầm roi và sẵn sàng can thiệp khi các đấu thủ hay đám đông trở nên quá khích.
Thị trấn Santo Tomás nằm ở dãy Andes, cao 3.600 mét. Người dân đều rèn luyện sức khỏe từ bé để có thể sinh tồn và làm việc tại môi trường khắc nghiệt. Các trận chiến này cũng để chứng minh với cộng đồng rằng bạn là người đáng tin cậy, sẵn sàng bảo vệ bản thân và những người thân yêu trước những bất công và nghịch cảnh.
Vào ngày lễ Takanakuy địa vị xã hội được bỏ qua. Các trận chiến có thể diễn ra giữa sếp với nhân viên, phục vụ bàn với chủ cửa hàng, hay chị em trong nhà với nhau. Mọi người đều có thể tham gia, bất kể giới tính và tuổi tác. Phụ nữ cũng bắt đầu đánh nhau trong những năm gần đây, mặc dù không phải ai cũng hài lòng về điều đó.
Một quy tắc quan trọng của lễ hội Takanakuy là không có người chiến thắng. Khác với một phiên tòa, những trận đánh này không phải để phán quyết người đúng kẻ sai. Mọi người đều có thể tự do diễn giải cuộc chiến của mình theo cách họ muốn, ví dụ như để tận hưởng cảm giác chiến thắng, để giải tỏa cảm xúc, hay đơn giản là trả thù.
Đức Anh (Theo VICE)