- Từ nguồn cảm hứng nào anh viết tiểu thuyết đầu tay "Sao thầy không mãi teen teen"?
- Tôi đã tưởng sau Gái nhảy, Trai nhảy... tôi không còn một chút ngây thơ nào từ trong tim đến tận mắt cá chân. Hóa ra tôi nhầm. Tôi vẫn viết được sách cho teen. Nhưng thú thực, để viết tác phẩm này, tôi không chỉ cần sự ngây thơ mà cần cáu giận. Tôi cáu giận những người đã tuyệt vọng về đổi mới giáo dục. Tôi chắc chắn rằng: Giáo dục không phải là huấn luyện; Trường học không phải trại lính; Sách giáo khoa không phải là khẩu hiệu; Thầy cô không phải là thượng đế. Chừng nào trẻ em còn không thích thú với việc học, không yêu thầy cô bằng trái tim thì giáo dục thất bại. Vì vậy, trong sách của tôi, "các ông tướng bà tướng" học trò rất thích học - nhất là học môn lịch sử. Chúng thích học vì chúng không thấy sự khác biệt chút nào giữa học và chơi. Cả hai thứ đều tuyệt vời như nhau, ngây ngất như nhau.
- Vì sao anh quan tâm, chọn môn Lịch sử tạo điểm nhấn cho cuốn sách?
- Lịch sử là môn học làm tốn giấy mực nhất trong các cuộc tranh luận gần đây về giáo dục nước nhà. Gần như người ta đã tuyệt vọng về nó. Hay nói đúng hơn, tuyệt vọng về cách làm sao cho nó hấp dẫn với người học. Chính vì thế, tôi muốn điên lên, tôi nghĩ ngược lại hoàn toàn. Lịch sử đáng ra và chắc chắn phải là một môn học hay nhất, sinh động nhất mà tuổi teen được tiếp thu.
Và trong việc học, vai trò của người thầy rất quan trọng. Chừng nào học sinh còn không si mê thầy cô, chừng đó giáo dục còn thất bại. Với nhiều học trò tuổi teen, thầy đẹp trai tất nhiên rất thu hút. Nhưng ông thầy trong sách của tôi không chỉ đẹp về ngoại hình mà cách dạy học của ông ấy mới là vẻ đẹp quyết định. Trong sách của tôi, người thầy ấn tượng thể hiện trong câu thoại: "Thưa ông hiệu trưởng. Ở đây tôi không dạy Sử. Tôi dạy cách học Sử". Và một học trò ấn tượng có thể đặt ra câu hỏi: "Thưa thầy hiệu trưởng, tại sao dân tộc Việt Nam anh hùng, lịch sử Việt Nam vẻ vang, mà sách lịch sử Việt Nam lại in không đẹp?"
- Làm thế nào để cuốn sách của anh hấp dẫn khi chủ đề nó xoay quanh học hành, nhà trường, chuyện giáo dục?
- Có điên mới viết sách bàn toàn chuyện về giáo dục. Một cuốn truyện teen thì giáo dục và chơi, chơi và yêu, yêu và tò mò, tò mò và khao khát, khao khát và hồi hộp, hồi hộp và nghi ngờ, nghi ngờ và giành giật... đều phải trộn lẫn vào nhau. Chừng nào một đứa trẻ đến trường còn mang khuôn mặt khác, ra đường mang khuôn mặt khác, và về nhà mang một khuôn mặt khác, thì chừng đó, giáo dục và Văn học còn thất bại.
- Sách của anh có các câu kiểu như: "Ai không thông minh đừng đọc sách này", "Lịch sử của bạn sẽ khác sau khi đọc cuốn sách này"... chúng dường như thể hiện sự kiêu ngạo của tác giả. Anh nghĩ sao về nhận xét đó?
- Đấy là niềm tin. Một người sáng tác phải có niềm tin về những gì mình viết. Mặc dù anh ta có thể sai lầm. Trong đời tôi chắc chắn cũng có vô số sai lầm và tôi cũng sẽ còn vô số sự tự tin. Tôi không biết chọn cách tồn tại nào khác ngoài điều đó cả.
- Anh nghĩ điều gì khiến sách của anh khác biệt so với tác phẩm của các nhà văn viết cho tuổi teen khác?
- Theo tôi, có tuổi teen có hai loại: thông minh tột cùng và ngây thơ tột cùng. Trong khi đó, nhiều người chỉ miêu tả teen hiền lành tột cùng hoặc trong sáng tột cùng. Tôi muốn sau khi đọc xong cuốn sách của mình, các bạn teen trở nên kiêu hãnh, người lớn trở nên hối tiếc vì đã không tin tưởng con mình, nhất là sự tin tưởng dành cho con gái. Bất kể chuyện gì viết cho trẻ con, thật ra mục đích cuối cùng cũng dành cho người lớn đọc. Đánh thức sự trẻ con trong tâm hồn một người già có khi còn quan trọng hơn đánh thức sự già đời trong tâm hồn một đứa bé.
Nhân đây tôi xin tha thiết yêu cầu những ai đọc các dòng này, tới hiệu sách cầm cuốn sách tôi lên, mở ra, đọc thử vài trang và quyết định xem có nên mua cho đứa con gái 17 tuổi của mình đọc hay không. Và hãy tự hỏi lần gần nhất anh hay chị mua truyện cho con cái đọc là lúc nào?
- Điều gì ở tuổi hoa niên, tuổi học trò tạo ấn tượng với anh nhất?
- Đối với teen, cái gì ở thế giới xung quanh cũng nghiêm túc, tràn đầy sức sống và cảm xúc, không có cái gì tầm thường. Chúng thấy một vẻ đẹp trai rất vĩ đại, một vẻ đẹp gái của ai đó rất vĩ đại, một giọng hát hay rất vĩ đại, mái tóc nhuộm hight-light rất vĩ đại, thậm chí một hình xăm cũng mang đến cho chúng cảm giác ngất ngây rất vĩ đại... Cái duy nhất mà teen coi thường lại chính là tiền bạc và địa vị.
Teen có thể khóc vì Sơn Tùng M-PT chứ khó khóc vì tỷ phú hay triệu phú. Teen hơn hẳn tất cả người lớn ở chỗ chúng không khiếp sợ những giá trị vật chất. Đó chính là điều người lớn chúng ta không khi nào còn quay lại được trong cuộc đời mình.
Cuốn Sao thầy không mãi teen teen của đạo diễn Lê Hoàng dày khoảng 270 trang, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP HCM và công ty Phương Nam Books ấn hành. Sách ra mắt bạn đọc từ ngày 27/9. Ở tuổi 58, Lê Hoàng khiến độc giả trẻ ngạc nhiên vì ông không cần lên gân mà vẫn "cực teen" trong văn phong hài hước, bay bổng, sinh động pha trộn với sự đanh đá - điều vốn tạo nên dấu ấn thú vị ở đạo diễn này. Thông qua nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết là cô gái 17 tuổi có nickname Ly Cún, tác giả vẽ nên thế giới học trò gần gũi, nghịch ngợm, hồn nhiên, ham học hỏi, khao khát những khám phá mới về bản thân cũng như thế giới xung quanh. Đọc xong sách, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: "Cá nhân tôi rất thích thú và biết ơn cuốn sách nhỏ này". Còn nhà văn Đoàn Thạch Biền (một trong những nhà văn nổi tiếng viết cho tuổi học trò với nhiều tác phẩm như: Tôi thương mà em đâu có hay, Ví dụ ta yêu nhau, Tình nhỏ làm sao quên...) cho biết, anh phải bật cười nhiều lần vì cách viết dí dỏm và thông minh của Lê Hoàng. |
Chi Mai thực hiện