Hà Triều - Hoa Phượng, đôi bạn nổi tiếng của sân khấu cải lương Nam Bộ. Ảnh tư liệu. |
Nhắc đến Hoa Phượng, người ta không thể quên người bạn viết của ông là Hà Triều. Hoa Phượng đã xa cõi thế 22 năm, còn Hà Triều ra đi cách đây 3 năm. Bạn bè quyết định chọn ngày 22/10 làm ngày giỗ chung đôi bạn gắn bó nhất của sân khấu cải lương. Khi hai ông mất, thành thông lệ, năm nào giới nghệ sĩ cải lương cũng tự phát lập bàn thờ cúng giỗ, có năm nhận được tài trợ, tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Tây Ninh... đứng ra tổ chức luân phiên. Riêng Thoại Sơn, quê hương của soạn giả Hoa Phượng, vì quá xa và còn khó khăn nên đến hôm nay mới thực hiện được lễ kỷ niệm. Bất chấp đường xa, tuổi tác, nhà thơ Kiên Giang, nhà thơ Trần Hữu Phước, soạn giả Huy Sắc, Văn Đức... và nhiều văn nghệ sĩ đã về Thoại Sơn thắp nén nhang, chia sẻ kỷ niệm đẹp về cố soạn giả.
Các nghệ sĩ TP HCM trong trích đoạn "Tấm lòng của biển" của soạn giả Hoa Phượng. Ảnh: A.V. |
Góp mặt trong cuộc tọa đàm, NSƯT Bạch Tuyết khẳng định: "Ngày nào còn sân khấu cải lương, ngày nào còn văn hóa Việt thì Hà Triều - Hoa Phượng vẫn còn mãi mãi". Theo nghệ sĩ Bạch Tuyết, những tác phẩm sân khấu riêng, chung của hai ông không sướt mướt, ủy mị; lời thoại, lời ca thông minh, dí dỏm, đậm chất tình người Nam Bộ. Tuy ra đời gần nửa thế kỷ, các tác phẩm này đều mang tính hiện đại và dân tộc, là sự kết hợp tài tình giữa chèo, tuồng với cải lương. Những tuồng cải lương bình dân của hai ông là "món ăn tinh thần" quý giá của nhiều thế hệ khán giả Nam, Bắc.
Hoa Phượng tên thật là Lương Kế Nghiệp, sinh năm 1933. Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931, tại Kiên Giang. Năm 1955, hai ông gặp nhau giữa Sài Gòn như một định mệnh và cùng sáng tác những kịch bản cải lương làm nức lòng khán giả hâm mộ một thời như: Nỗi buồn con gái, Cô gái Đồ Long, Khi hoa anh đào nở, Mưa rừng... Nhà văn Sơn Nam từng nhận xét: "Nhớ về Hà Triều - Hoa Phượng là nhớ đến cái nghĩa cái tình". Cái nghĩa tình ấy vừa chảy tràn trên những sáng tác chung, riêng, vừa thấm đẫm trong tình bạn đã trở thành huyền thoại của hai người. Năm 1965, vì nhiều lý do, Hoa Phượng chia tay với Hà Triều và tiếp tục đi theo con đường sáng tác của riêng mình. Hơn 60 kịch bản như: Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Gái bán bar, Luật giang hồ... đã ghi dấu ấn của ông trong lịch sử sân khấu cải lương.
Không chỉ là soạn giả, Hà Triều - Hoa Phượng còn là những nhà văn, nhà báo độc đáo của thập niên 1960, 1970. Hà Triều từng viết cuốn Cải lương: Tính dân tộc và hiện đại còn Hoa Phượng viết 7 bước viết kịch bản sân khấu. Đó là những kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà hai ông góp nhặt được trên con đường nghệ thuật của mình. Cuộc đời, sự nghiệp và nhất là tình bạn của hai soạn giả nổi tiếng này còn nhiều điều chưa hé lộ. Vì vậy, bên cạnh niềm vui tri ân, nhiều nghệ sĩ lão thành trăn trở, trong tình hình khó khăn của cải lương hôm nay, cần lắm những công trình tài liệu được tập hợp nghiêm túc và khoa học về hai ông cho thế hệ sau học tập.
D.T. Vân