VNExpress

Thứ năm, 26/12/2024
Chọn địa danh
Thứ sáu, 11/12/2020, 02:08 (GMT+7)

Lễ đổi gác của triều Nguyễn xưa

Thừa Thiên - HuếDu khách muốn hiểu thêm về công việc của lính canh xưa có thể tham gia lễ đổi gác, bắt đầu lúc 8h30 hàng ngày tại Ngọ Môn.

Đến tham quan Đại Nội, ngoài nhìn ngắm vẻ đẹp của thành quách cố đô, du khách còn được xem lễ đổi gác được tái hiện bởi các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, một đội tham gia lễ đổi gác gồm đội trưởng, quan võ, 12 lính ngự. Ngoài ra, vì là lễ tái hiện nên có thêm dàn tiểu nhạc gồm 7 người đi cùng.

Quan võ đứng trước dàn tiểu nhạc và lính ngự. Tất cả theo hiệu lệnh của quan võ để thực hiện các nghi thức.

Nghi thức bắt đầu lúc 8h30 hàng ngày, xuất phát từ Ngọ Môn, sau đó đội đi qua lầu Ngũ Phụng.

Tiếp đó, đội ra sau điện Thái Hòa, đi một vòng tròn, sau đó quay về Duyệt Thị Đường và kết thúc tại đây lúc 9h.

Đội tiểu nhạc sử dụng bài Đăng Đàn Cung (quốc ca thời nhà Nguyễn) trong suốt thời gian diễn ra lễ đổi gác.

Theo cuốn Khâm đinh Đại nam Hội điển Sự lệ, dưới triều Nguyễn việc canh gác và thay phiên nhau của lính được quy định chặt chẽ: “Phàm lính túc vệ ở cung cấm và lính thủ vệ ở các cửa Tử cấm thành, Hoàng thành, đến phiên canh mà không canh gác (người đã hết phiên canh rồi) tự tiện thay thế cho mình cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 60 trượng. Đem người không phải là lính túc vệ , thủ vệ mạo danh mình tự tiện thay thế với nhau, cả người đi thay thế ấy, đều phải phạt 100 trượng. Nếu là quan viên, đều phải gia nặng lên một bậc..."

Ngoài việc giúp du khách hiểu thêm về các hoạt động trong cung cấm của triều Nguyễn, hoạt động này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của di sản Huế.

Vào sự kiện lớn như Festival Huế, số lượng người tham gia tái hiện lễ đổi gác sẽ được tăng thêm để đội hình đẹp hơn.

Ngân Dương

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net