Thứ năm, 18/4/2024
Thứ bảy, 23/11/2019, 22:07 (GMT+7)

Lễ cúng 'Thần rừng' của người Pu Péo

Người Pu Péo có dân số chỉ 600 người song sở hữu lễ cúng "Thần rừng" đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.

Người Pu Péo sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh) của tỉnh Hà Giang.

Lễ cúng Thần rừng gắn liền phong tục tập quán của người Pu Péo, để bày tỏ lòng biết ơn trời đất, các vị thần và tổ tiên phù hộ cho dân làng được bình an. Vào ngày làm lễ, phụ nữ và đàn ông sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống mới nhất.

Nghi lễ này được tái hiện vào trưa 23/11 tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2019.

Trước ngày làm lễ, những người đàn ông vào rừng chọn địa điểm, phát quang cây rừng để tạo khoảng đất trống. Một giàn lễ bằng tre để bày đồ lễ lên trên và đặt cả lễ ở dưới đất lót lá dong hoặc lá chuối.

Người Pu Péo quan niệm mỗi khoảnh rừng, mỗi ngọn núi, mỗi xóm bản đều có một vị thần cai quản. Thần ở khu rừng thiêng là quan trọng nhất. Mười hai dòng họ Pu Péo đều cúng rừng thiêng.

Người đàn ông chia nhỏ những phần cơm, trứng trên hai ban thờ để mời các vị thần.

Lễ cúng Thần rừng không chỉ có giá trị về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên.

Lễ cúng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 27/12/2012.

Nghi lễ cúng kéo dài chừng hai tiếng. Hai con gà và một con dê có sừng cùng nhiều đạo cụ được chuẩn bị.

30 phần cơm phần thịt trứng, rượu được chia đủ cho hai mâm lễ.

62 vị thần thuộc 4 phương 8 hướng được mời để chứng nhận con dê về chăn thả và phù hộ cho dân làng được khỏe mạnh, bình an, nhà nhà may mắn, gia súc không bị dịch bệnh; con chuột, con chim không phá mùa màng...

Tay cầm cành cây, thầy cúng gọi mời Thần rừng và các vị thần.

Cặp gà sau khi cúng thần sẽ được rút phần xương đùi và cắm hai chiếc tăm vào để "nghiên cứu". Đây là nghi thức cuối cùng của buổi lễ để biết các vị thần có hài lòng với lễ cúng hay không.

Phần rượu trên mâm lễ được thiếu nữ Pu Péo mời khách - kết thúc phần lễ.

Lễ cúng thần rừng phản ánh niềm tin của con người với thiên nhiên, trời đất và vạn vật, ý thức hướng về tổ tiên nguồn cội, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên đã phù hộ cho cháu con...

Sau phần lễ và phần hội diễn ra cả ngày. Các hoạt động văn hoá của người Pu Péo mang tính cộng đồng cao với những trò đánh cù, chơi khăng, đu quay, đánh cầu lông gà, ném quả bông.

Ngọc Thành