Thứ sáu, 22/11/2024
Thứ bảy, 14/1/2023, 06:20 (GMT+7)

Lễ cúng ông Táo của gia đình gốc Hoa

TP HCMSáng 22 tháng Chạp, chị Lê Thị Ngọc Chi, 37 tuổi, ra chợ Xóm Củi ở phường 12, quận 8 mua lễ vật chuẩn bị cúng ông Táo.

Hơn 100 năm trước, ông bà ngoại chị Chi từ Phúc Kiến, Trung Quốc di cư sang Sài Gòn lập nghiệp. Mẹ chị là bà Trần Thị Ngọc Thảo, 73 tuổi cũng được sinh ra ở Việt Nam và kết hôn với ông Lê Văn Cượng. Chị trở thành thế hệ thứ ba trong gia đình, mang hai dòng máu Việt - Hoa.

Từ bé chị Lê Thị Ngọc Chi đã được mẹ chỉ dạy những phong tục truyền thống của người Hoa, nhất là những nghi thức cúng vào ngày lễ, Tết.

Người Hoa quan niệm sáng sớm ngày 25 tháng Chạp, Táo Quân phải vào chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn Táo Bà thì vào Tây Vương Mẫu tại Diêu trì cung. Thời xưa, vua quan làm lễ tiễn Táo Quân vào ngày 22 hoặc 23, dân thường cúng vào tối ngày 24 tháng Chạp. Dẫu vậy, nhiều năm nay gia đình chị Chi có thói quen cúng vào sáng 22.

Hôm nay, chị Chi đi chợ mua vật phẩm chuẩn bị cho lễ cúng Táo Quân. Mâm lễ cúng của người gốc Hoa không thể thiếu bộ đồ Táo quân, giấy tiền, vàng mã, kẹo thèo lèo, mứt, bánh tổ, mía và quýt.

Chi ghé chợ Xóm Củi mua một hai cây mía. "Người Hoa cho rằng, cây mía với nhiều đốt, mắt mía tượng trưng cho những bậc thang khi ông Táo leo về trời. Nếu đi dọc đường có khát nước lấy mía ra ăn cho ngọt giọng để vợ chồng ông Táo vui vẻ không nói điều bậy bạ", chị giải thích.

Ngoài kẹo thèo lèo với mứt, bánh tổ là lễ vật không thể thiếu khi cúng ông Táo cũng như dịp năm mới. Người Hoa hay gọi là bánh Niên Cao, theo âm tiếng Hoa là "Nian Gao", tượng trưng cho việc nâng cao bản thân trong mỗi năm mới, có nhiều điều tốt đẹp hơn năm cũ.

"Đồ ngọt để ông Táo ăn sẽ có tâm trạng vui vẻ, chỉ bẩm tấu điều hay lên Ngọc Hoàng. Còn bánh tổ vừa dẻo vừa ngọt khiến ông Táo bị dính chặt miệng, không thể bẩm báo những điều xấu với Ngọc Hoàng", người Hoa quan niệm.

Trong mâm cúng Táo Quân, người Hoa hay chọn quýt. Theo chị Chi, "quýt" đồng âm với "cát" (cát tường = may mắn). Người Hoa hy vọng ông Táo sẽ bẩm tấu những lời tốt lành, mang lại may mắn cho gia đình.

Sau khi mua đủ lễ vật cúng ông Táo, chị Chi bày lễ vật lên đĩa và bắt đầu làm lễ tiễn Táo Quân về trời. "Theo phong tục của người Hoa, bộ đồ Táo Quân gồm một ông, một bà. Tối hôm qua, tôi nhờ cháu gái mua giúp, con bé không biết mua nhầm bộ hai ông, một bà như người Việt. Lỡ rồi, tôi nghĩ ông bà cũng thông cảm thôi", chị nói.

Chị cũng cho hay, người Hoa thường phải mua thêm một loại đồ mã gọi là "cò bay ngựa chạy", ngụ ý nếu Táo ông, Táo bà muốn đi đường bộ thì dùng ngựa, muốn lên trời thì cưỡi hạc. Có gia đình còn cúng kèm cỏ tươi để giúp ông Táo thăng thiên sớm hơn.

Chi bày biện lễ vật lên gian thờ cúng Táo quân ở bếp nhà mình gồm đồ ông Táo, bánh kẹo ngọt, giấy tiền, vàng mã, trái cây và mía.

Chị Chi đốt ba cây nhang lớn, bắt đầu làm lễ vào khoảng 9h. Theo phong tục của người Hoa, đây là thời gian phi mã, ông Táo sẽ về trời nhanh nhất trong ngày.

"Tôi cầu mong Táo quân sẽ tấu những lời tốt đẹp đến Ngọc Hoàng mang lại may mắn cho gia đình. Mong cho năm mới mọi người luôn khỏe mạnh, nhà cửa yên ấm, mọi việc đều thuận lợi", cô nói.

Ngoài ra, người Hoa còn có nghi thức bôi rượu lên các cánh cửa bếp để Táo Quân rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, khó có thể tâu bẩm lại toàn bộ lỗi sai của gia chủ. Tuy nhiên, nhiều năm qua gia đình Chi đã bỏ nghi thức này.

Sau khi lễ cúng xong xuôi, Chi mang bộ lễ vật Táo quân đốt cùng giấy tiền, vàng mã ở trước cửa nhà.