Thứ năm, 28/11/2024
Thứ năm, 8/2/2018, 14:48 (GMT+7)

Lễ cúng ông Táo chầu trời của gia đình Sài Gòn

Với bó hoa cúc, đĩa trái cây, kẹo thèo lèo... đủ để làm nên một mâm cúng trong ngày tiễn ông Táo chầu trời của người Sài Gòn.

Cũng như nhiều gia đình ở TP HCM, trước ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bà Đoàn Thị Bích Thùy (68 tuổi, ở quận 3) lại đi chợ để sửa soạn mua đồ cúng tiễn ông Táo chầu trời.

Theo bà Thùy, vật phẩm cúng của người Nam Bộ rất đơn giản, gồm có hoa cúc, đĩa trái cây kèm đĩa kẹo thèo lèo (kẹo đậu phộng và kẹo vừng) và bộ vàng mã "cò bay, ngựa chạy". Một số nơi nấu thêm chè xôi hoặc chỉ có đĩa trái cây là đủ.

"Trước đây, vàng mã cò bay, ngựa chạy là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy, không có khung tre cầu kỳ kiểu miền Bắc. Bây giờ vàng mã phổ biến hơn, mẫu mã cũng đẹp hơn", bà Thùy nói.

Bà Thùy mua trái cây với hai loại quả nhãn và mãng cầu (quả na). Chi phí cho một mâm cúng đầy đủ vào khoảng 150.000 - 200.000 đồng.

Hoa cúc là thứ không thể thiếu trong mâm cúng. "Để giữ hoa được tươi, từ chiều và tối 22 tháng Chạp phải ngâm trong nước lạnh", bà Thùy giải thích.

Kẹo thèo lèo là vật phẩm độc đáo trong lễ cúng ở miền Nam. "Người Sài Gòn quan niệm mọi thứ vừa đủ nên mâm cúng không cần cao lương mỹ vị, quà bánh đắt tiền", bà nói.

Sau khi bày biện đầy đủ vật phẩm, bà Thùy làm lễ cúng vào lúc 5h ngày 23 tháng Chạp tại bếp ăn của gia đình.

"Vào ngày này, có nhiều người cúng chiều và tối nhưng với gia đình tôi luôn cúng từ sớm. Ngày xưa, nghe ông bà bảo cúng sớm để ông Táo về trời sớm, báo cáo với Ngọc Hoàng, chứ đến chiều và tối, nhiều người cúng quá, ông Táo cũng bị kẹt đường", bà Thùy phân trần.

Mâm cúng ông Táo được đặt trang trọng trên bếp gas của gia đình. Theo bà, trước đây kinh tế khó khăn, các gia đình thường làm lễ cúng bên bếp đất, còn ngày nay tiện nghi đầy đủ nên việc bày biện mâm cúng thực hiện trên bếp gas và bếp điện.

Vừa thắp nhang và cầu khấn xong, bà Thùy sửa soạn pha cà phê ngay tại bếp để lấy hên trong ngày bán quán.

Sau khi nhang cháy được 1/3, bà Thùy lấy bộ vàng mã đem đốt để kết thúc lễ cúng. "Đã thành phong tục nên năm nào gia đình tôi cũng làm lễ khoảng 30 phút để tiết kiệm thời gian, vừa đủ cầu ước bình an, may mắn đến ông Táo", bà nói.

Theo bà Thùy, kết thúc lễ cúng ông Táo trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua và thả cá chép ra sông và hóa vàng áo mũ thờ như miền Bắc.

Thành Nguyễn