Thứ hai, 23/12/2024
Thứ năm, 19/1/2017, 19:23 (GMT+7)

Lễ cúng ông Công ông Táo của một gia đình miền Bắc

Đi chợ từ sáng sớm, bà Tuyết sắm đủ đồ làm mâm cỗ chay và không thể thiếu 3 con cá chép - "phương tiện" cho các Táo lên chầu Ngọc Hoàng.

Theo quan niệm dân gian, trước 12h ngày 23/12 âm lịch, các Táo phải lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo tất cả công việc trong năm của gia chủ. Vì thế, hầu hết gia đình thường làm cỗ cúng ông Công ông Táo trước ngày này.

Sớm 22/12 âm lịch, bà Nguyễn Thị Tuyết (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) đi chợ sắm đồ lễ cúng ông Công ông Táo, gồm hoa quả, rau củ và không thể thiếu 3 con cá chép vàng to khỏe "để đưa ông Táo lên trời cho thuận lợi".

Mâm cỗ cúng của gia đình bà Tuyết không cầu kỳ, thường là đồ chay.

Bà Tuyết cùng con gái sắp xếp mâm cơm, canh để cúng.

Sau một năm thờ cúng, bát hương của các gia đình đã đầy và đây là thời điểm để tỉa, chào đón năm mới.

Đồ thờ cũng được lau rửa cẩn thận. Theo quan niệm, đây là cách gột rửa những bụi bẩn của năm cũ, đón tài lộc cho năm mới.

Không thể thiếu trên các ban thờ là ngọn lửa, tượng trưng cho sự ấm cúng đoàn viên.

Bà Tuyết sắp xếp các bộ "quần áo" ông Công ông Táo vào đúng vị trí. Mâm cỗ cúng sẽ gồm ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà. Ngoài ra, còn có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu tiền vàng, "lộ phí" cho các Táo đi đường.

Bà Tuyết sắp xếp đồ lễ sao cho hài hòa nhất. Người miền Bắc thường cúng con cá vàng cùng với lễ cúng ông Công ông Táo.

Trong ngày lễ này, người dân thường cầu sức khỏe, bình an, mong được bỏ qua những lỗi lầm năm qua.

Sau lễ cúng, đợi hết một tuần nhang, ba bộ quần áo cùng tiền vàng sẽ được hóa.

Cuối cùng, bà Tuyết đem thả cá chép xuống sông để ông Táo lấy "phương tiện" lên trời báo cáo. Người dân thường thả cá ở sông vì sông sẽ chảy ra biển lớn; còn ao, hồ là chỗ nước đọng ít được chọn hơn.