Đạo diễn Lê Cung Bắc mất rạng sáng 13/6 sau hơn một năm điều trị ung thư phổi. Hồng Ánh - diễn viên từng được Cung Bắc trao vai trong Người đẹp Tây Đô - lặng người khi hay tin: "Vậy là chú hết đau đớn rồi". Nghệ sĩ Kim Xuân trầm tư nói: "Một bậc thầy của làng phim đã ra đi".
Lê Cung Bắc được xem là "ca lạ" trong làng phim miền Nam. Khác đa số đạo diễn được học bài bản vào thập niên 1970, ông xuất thân là tay ngang. Tốt nghiệp cao học, có bằng thạc sĩ ngành kinh tế, vì quá mê kịch nghệ, ông chuyển hướng diễn xuất. Lúc còn đi học ở Đà Lạt, ông lập một nhóm kịch tên Thụ Nhân, kiêm đủ vai trò từ đạo diễn, biên kịch đến diễn viên. Những vở đầu tay do ông dựng chủ yếu hướng đến khán giả là sinh viên. Thấy đam mê đủ chín muồi, ông xuống Sài Gòn, vừa học vừa diễn cho đài truyền hình và đoàn kịch Bông Hồng.
Nghệ sĩ dần tạo những tiếng vang khi lấn sân sang mảng phim ảnh đầu thập niên 1980. Kinh nghiệm diễn xuất trước đó giúp Lê Cung Bắc dễ dàng hóa thân vào các dạng vai, biến hóa về tính cách. Sau tác phẩm đầu tay - Pho tượng (năm 1983, đạo diễn Lê Dân), những lời mời đóng phim liên tục đến với ông. Ở Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng) - một trong những phim nhựa thành công nhất thập niên 1990, vai giáo sư Hùng của ông được yêu mến với tính cách khẳng khái và tấm lòng thương yêu học trò.
Thời gian dài, Lê Cung Bắc là lựa chọn hàng đầu của các đạo diễn cho những nhân vật phụ mang tâm lý phức tạp, đời tư gai góc. Chẳng hạn, ở phim Dấu ấn của quỷ (1993, đạo diễn Việt Linh), vào vai một lão cùi bị người trong làng xua đuổi, ông gây ám ảnh với lối diễn xuất qua ánh mắt, toát lên nỗi đau của một người thuộc tầng lớp cùng đinh. Chỉ trong 10 năm theo nghề, ông tham gia hơn 200 vai lớn nhỏ, trở thành diễn viên có số lượng phim đồ sộ bậc nhất thời bấy giờ. Nghệ sĩ Kim Xuân nói: "Dù vai mờ nhạt, đơn điệu ra sao, anh cũng biến thành nhân vật đáng nhớ nhờ cách nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng và diễn với cả tấm lòng".
Sự nghiệp diễn xuất dày dạn là bước đệm giúp Lê Cung Bắc đạt đến đỉnh cao khi chuyển sang đạo diễn. Sau tác phẩm đầu tay Trên cả hận thù (năm 1992), ông gây tiếng vang với phim truyền hình dài tập Người đẹp Tây Đô. Dự án thu hút sự chú ý ngay từ giai đoạn casting, với hàng trăm người đẹp, hoa hậu dự tuyển. Nhận ra đôi mắt giàu cảm xúc của Việt Trinh, ông chọn cô vào vai Bạch Cúc - cô gái có số phận truân chuyên khi bị gả cho nhà địa chủ. Từ đây, Bạch Cúc trở thành vai đắt giá bậc nhất sự nghiệp của Việt Trinh. Chị hồi tưởng: "Nhờ sức hút của phim, tôi nhanh chóng thành cái tên đại chúng. Có hôm, tôi đạp xe chạy lòng vòng mấy ngã tư để tận hưởng cảm giác người ta í ới gọi mình là 'người đẹp Tây Đô', 'mợ Hai'... Linh hồn của phim chính là anh - đạo diễn Lê Cung Bắc".
Dòng đời - phim 52 tập, số lượng kỷ lục của Hãng phim truyện TP HCM - trở thành mốc son khác của Lê Cung Bắc. Câu chuyện của Nam, Tín, An, Phú - những cô, cậu học sinh trường làng bị dòng đời xô đẩy - thu hút khán giả màn ảnh nhỏ đầu thập niên 2000. Phim giúp Lê Cung Bắc đoạt giải Đạo diễn do khán giả bình chọn của HTV, làm nên tên tuổi của Võ Sông Hương, Kinh Quốc... Với Vó ngựa trời Nam (năm 2010), ông ghi dấu trong dòng phim lịch sử khi khai thác cuộc đời của thi tướng - nhà quân sự Huỳnh Văn Nghệ, và đoạt giải Cánh diều vàng.
Nhiều diễn viên từng làm việc với Lê Cung Bắc coi ông như người thầy, người cha, dù chưa từng được ông trực tiếp dạy. Đạo diễn Phương Điền nói cố đạo diễn mở lối cho anh đến với nghiệp làm phim. Sau khi tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh, anh được ông chọn đóng một vai phụ trong Người đẹp Tây Đô. Diễn xong cảnh đầu, ông nhìn anh, giơ ngón tay cái tỏ ý tán thưởng: "Thằng này diễn cũng được đó chớ". Anh được đẩy "đất" diễn lên vài chục phân cảnh, từ đó vai này trở thành cơ hội quý cho anh trong nghề. Vài năm sau, anh được ông rủ đi làm phim Cõi tình, giao cho vị trí phó đạo diễn.
Là đạo diễn kỳ cựu, Lê Cung Bắc vẫn luôn tiếp thu ý kiến từ tổ sản xuất, diễn viên, dù có người cách ông vài chục tuổi. Ông có câu cửa miệng là "Chỉ được cái nói đúng". "Sau này, chúng tôi thường bắt chước câu đó. Mỗi lần quay phim thường nói với nhau như một cách chỉ bảo thân tình", Phương Điền nói.
Hồng Ánh nói một trong những may mắn nhất trong đời làm nghề là chị được gặp Lê Cung Bắc. Chị từng thi Diễn viên triển vọng do Lê Cung Bắc làm giám khảo, rồi được ông mời thử vai Bạch Vân của Người đẹp Tây Đô - khi mới 18 tuổi. Từ đây, Hồng Ánh xây những viên gạch nền móng cho nghề diễn dưới chỉ dẫn của Lê Cung Bắc. Chị nhớ: "Ông rất thương diễn viên. Ông có thể la rầy tổ quay, ê-kíp sản xuất, ném đồ đạc lung tung. Nhưng trước mặt diễn viên, ông luôn dịu giọng, xin lỗi vì không kiềm được tính nóng. Nhìn ông có vẻ dữ dằn nhưng kỳ thực lại rất hài hước, hay pha trò với mọi người".
Những năm cuối đời, đạo diễn nén đau chống chọi với chứng ung thư. Năm ngoái, sau tám tháng trị bệnh lao và phổi, Lê Cung Bắc đau cột sống, tê hai chân. Nhập viện, ông phát hiện mình bị ung thư phổi, bệnh đã di căn vào cột sống. Bà Bùi Thị Giang - vợ đạo diễn - cho biết khi ấy, ông suy sụp vì không thể đi lại. Có lúc, ông ngồi khóc một mình, nói với vợ không thể sống như vậy. Thời gian sau, ông tự vực dậy tinh thần. Ông nghĩ đến chuyện cố tổng thống Mỹ George H.W. Bush vượt qua bạo bệnh để tiếp thêm động lực sống. Nhiều đêm, sau các đợt hóa trị và xạ trị, ông phải ngủ ngồi vì khó thở. "Anh rất kiên cường, đau đớn nhưng vẫn cố gắng ăn uống vì sợ vợ con buồn", bà Giang nói.
Hồng Ánh nhớ lúc quay phim cuối cùng - Giã từ cô đơn (năm 2019), ông vẫn xông xáo, mặc quần short chỉ đạo ê-kíp trên phim trường. Thấy cảnh đó, chị ngạc nhiên khi ở tuổi ngoài 70, đạo diễn còn đầy nhiệt huyết với nghề. Chỉ khi tình trạng của ông trở nặng, các đồng nghiệp mới hay đạo diễn mang trọng bệnh. Khi họ đến thăm, ông phải ngồi xe lăn đón tiếp vì ung thư đã di căn vào xương, hai chân đau nhức.
Trên giường bệnh, ông vẫn hào hứng bàn chuyện hậu kỳ cho phim cùng những dự án còn dang dở. Ai nhắn tin, gọi điện, ông liền bắt máy trả lời với phong thái sảng khoái vì không muốn làm mọi người lo. "Những ngày cuối, ông vẫn tươi tỉnh, không phải ông giấu bệnh mà vì ông luôn muốn hình ảnh mình mãi đẹp trong lòng bạn bè", Hồng Ánh nói.
Nhật Dung