![]() |
Một cảnh trong phim "Hến ơi là Hến", biên kịch Lê Công Hội. |
- So với các nhà văn cùng thời Tự lực văn đoàn, tên tuổi của Trần Tiêu (em trai nhà văn Khái Hưng) đứng ở một góc khuất khiêm nhường. Lý do nào thôi thúc anh chuyển thể tác phẩm này?
- Tiểu thuyết Chồng con ra đời trước Cách mạng tháng Tám nhưng tôi nghĩ bạn đọc thuộc nhiều thế hệ, nhất là độc giả trẻ hiện nay có thể tìm thấy bóng dáng của hiện thực xã hội nông thôn cổ truyền Việt Nam hàng thế kỷ trước với những sinh hoạt, tập quán, phong cảnh thiên nhiên trong những làng mạc vùng đồng bằng Bắc bộ chất chứa biết bao vui buồn... Tất cả dường như phủ dày lên số phận của những người nông dân lương thiện nói chung và số phận người phụ nữ nói riêng. Tôi đã đọc và ngấm những trang sách này từ hồi học lớp 10. Bây giờ tôi nhìn thấy trong tiểu thuyết này bóng dáng của bà nội tôi, mẹ tôi và những người đàn bà ở làng tôi thời ấy khi chuyển thể thành kịch bản.
- Với giọng văn dung dị, khúc chiết, "Chồng con" đề cập đến thân phận người phụ nữ nông thôn, những con người ''lầm lũi''..., suốt đời phải sống trong cảnh nghèo khổ, túng quẫn. Vậy anh đã thể hiện chủ đề đó như thế nào?
- Tôi rất tâm đắc với lời đề dẫn của tiểu thuyết này: Chồng con là cái nợ nần. Đây chính là điểm gợi mở để tôi tìm đến và tiếp tục khám phá niềm vui, nỗi buồn của những người mẹ, người vợ, người chị... mà nhà văn đã gửi gắm qua những trang viết sống động và đầy màu sắc hiện thực... Tôi tin là các cảnh đời, cảnh người mà nhà văn tái hiện vẫn còn nóng hổi hơi thở cuộc sống và có ý nghĩa đến tận hôm nay và mai sau.
Chất liệu văn học của tiểu thuyết này rất dày dặn. Nhân vật chính là bà Lý Bổng, về nhà chồng từ năm 15 tuổi. Trước lúc cưới, nhân vật này không hề biết mặt chồng mà chỉ nghe nói đó là một cậu bé 13 tuổi, nhỏ con. Cưới rồi mà chồng vẫn chỉ suốt ngày mê mải thả diều và chơi trò xây chùa, nặn tượng... Bà Bổng suốt một đời thờ mẹ chồng, thờ chồng và thờ con. Đấy là một người đàn bà tần tảo, hiền lành, cả đời hy sinh. Ở bà tập trung các đặc tính công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ VN. Tôi nghĩ các phẩm chất này vẫn giữ nguyên giá trị với phụ nữ thời nay. Ngoài bà Lý Bổng là những chị Vát, bà Lý Thịnh, bà xã Chính... Họ là những người phụ nữ đẹp, mỗi người một cá tính, một số phận, nhưng tựu trung lại trong 4 chữ tam tòng, tứ đức.
- Để phim mang được hơi thở của cuộc sống hôm nay, anh có xây dựng thêm những nhân vật mới?
- Cốt truyện dày dặn, nên với những nhân vật trong tiểu thuyết như đã kể trên, trên cơ sở một số nhân vật mẫu đã và đang sống qua 2 thế kỷ, tôi bồi đắp cho số phận nhân vật dày dặn hơn và tất nhiên là xây dựng các tình huống cho phù hợp với phim ảnh. Từ tiểu thuyết đậm chất nhân văn của một nhà văn trước Cách mạng tháng Tám, tôi muốn được kể câu chuyện với giọng bi hài và... thú thực là tôi vẫn hồi hộp lắm.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)