Nghệ sĩ Lê Bình mất sáng 1/5 tại bệnh viện ở TP HCM. Những ngày tháng chống chọi bệnh ung thư phổi, ông vẫn lạc quan, cố gắng viết hồi ký Rong ruổi cùng Lê Bình. Ông ấp ủ hy vọng trải nghiệm gian khổ của bản thân - từ thời thiếu niên đến khi thành người nổi tiếng - giúp cho thế hệ đàn em cố gắng làm việc, yêu và đam mê nghề. Cuốn hồi ký chưa hoàn tất. Tập truyện ngắn Vui buồn cùng chú cháu tôi ông ấp ủ sáu năm qua cũng dang dở. Tro cốt của bố mẹ chưa được đưa về quê hương như ông mong muốn. Ngoài ra, trước khi mất nghệ sĩ có tâm nguyện dùng số tiền phúng điếu lập ra quỹ khuyến học mang tên Lê Bình để trao học bổng cho những học sinh khó khăn.
Lê Bình được khán giả yêu mến qua những vai diễn khắc khổ, cam chịu và nó như vận vào cuộc đời của ông.
Từ nhỏ cuộc sống Lê Bình vốn chông chênh khi rơi vào cảnh bố mẹ chia tay, ông sống cùng ông bà nội (Đồng Tháp). Hoàn thành phổ thông trung học, ông biết cách tự lập nuôi sống bản thân. Sau năm 1975, nghệ sĩ tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương và đội kịch của quận 3 Sài Gòn. Vở đầu tiên ông viết Chuyện khu phố tôi dự thi cấp thành phố, từ đó tên tuổi ông được báo chí biết đến. Lê Bình về diễn tại Sân khấu kịch 5B và gắn bó với vai trò diễn viên, soạn giả.
Những nhân vật gây dấu ấn của ông trong phim: Đất phương Nam, Mùa len trâu, Vịt kêu đồng.. đều là người nông dân nghèo, chân chất, có số phận lận đận. Lê Bình từng chia sẻ ông không có bí quyết nào ngoài việc đem đời ông vào trong vai diễn. "Buồn đến đâu, vui đến đâu tôi cũng đem lên sân khấu. Cuộc đời tôi không khác những vai diễn là bao".
Sống trong cảnh nghèo khó từ bé nên nghệ sĩ hết sức bảo bọc vợ con để không lâm cảnh khổ như ông. Phóng viên Nguyễn Anh Huy, một người thân thiết với nghệ sĩ - cho biết là trụ cột gia đình, ông phải tiết kiệm từ việc mặc, ăn uống, gom góp từng đồng. Món ăn quen thuộc của cố diễn viên là cơm và cá khô. Thậm chí, Lê Bình tự nấu cơm mang theo khi đi quay phim. Ông thường ra một góc riêng của phim trường để ăn.
Chị Minh Thu ở Trung tâm hiến máu nhân đạo TP HCM thường xuyên cộng tác với nghệ sĩ làm chương trình từ thiện. Chị kể mỗi khi sự kiện kết thúc chị thường gom những đồ còn dư như trái cây, nước và những vật dụng hữu ích tặng Lê Bình. "Gia đình Lê Bình không khá giả, tôi biết anh ấy cần những thứ này", chị tâm sự.
Sống hết lòng vì gia đình nhỏ nhưng may mắn không đến với ông. Nghệ sĩ từng thổ lộ vợ ông mê cờ bạc gây nợ nần, con trai thứ hai bị nghiện đưa đi trại cai thuốc, con trai đầu qua đời vì tai nạn giao thông. Nỗi buồn lớn nhất của Lê Bình chính là ly hôn vợ sau 37 năm chung sống. Sống giàu tình cảm, khi đã chia tay vợ, nghệ sĩ vẫn ôm giữ trong lòng tình nghĩa phu thê. Ông từng tâm sự dẫu có còn thương, chấp nhận sống đơn độc vì không muốn quay lại với người vợ từng mê cờ bạc.
Ở tuổi ngoài 60, Lê Bình vẫn phải vừa làm việc, vừa trang trải việc nhà. Hàng tháng ông gửi số tiền nhỏ cho con trai cai nghiện trong Viện nhân ái và tiền cho vợ cũ. Dù được các người con khác hết lòng chăm lo, có lúc, ông không tránh khỏi cảm giác cô đơn. Nghệ sĩ từng bày tỏ nỗi day dứt khi ông quá yêu thương, đùm bọc vợ con nhưng không giữ được gia đình trọn vẹn. "Đôi lúc, nhìn những gia đình khác có đầy đủ bố mẹ, con cái, tôi cũng thấy chạnh lòng, tủi thân. Đến khi lấy vợ, cuộc sống của tôi cũng không được viên mãn. Sau bao nhiêu năm cố gắng chịu đựng, chống chọi, tôi cuối cùng vẫn sống lủi thủi một mình. Thực sự, tôi là người sống vì gia đình nhưng tiếc là không giữ được", ông chia sẻ.
Ngoài ba người con trai ruột, Lê Bình nhận khá nhiều con nuôi. Trong số đó, con gái nuôi - chị Lê Khả Hân - luôn bên cạnh, chăm sóc những ngày ông chống chọi bệnh tật.
Lê Bình được đồng nghiệp, bạn bè quý mến bởi lối sống lạc quan, giản dị, tự trọng và hết mình vì mọi người.
Nghệ sĩ phát hiện bị bệnh ung thư phổi hồi tháng 8/2018. Vì không muốn người nhà và đồng nghiệp lo lắng nên ông giấu mọi người, tự đến bệnh viện khám. Đến khi tình hình sức khỏe chuyển biến xấu, ông âm thầm nằm viện điều trị.
Trong một năm điều trị bệnh ung thư, Lê Bình vẫn đóng phim vì trách nhiệm. Trước khi đi quay một phân đoạn cho Mùa viết tình ca, ông vào bệnh viện xạ trị rồi mới lên xe đi ra Ninh Thuận. Ông đau lắm nhưng thấy nhẹ người vì đã làm tròn vai. Với phim Hồn papa da con gái, ông cũng nén cơn đau để diễn xong phân đoạn nhiều hoạt động. Trước Tết Kỷ Hợi, ông vẫn tham gia vai nhỏ trong phim Táo quậy và cùng êkíp ra mắt phim.
Với đồng nghiệp, Lê Bình hết lòng giúp đỡ. Nghệ sĩ từng dùng số tiền tiết kiệm hỗ trợ diễn viên Mai Sơn Lâm mượn mua xe mới vì thấy đàn em đi xe quá cũ. Ông cũng dạy diễn xuất miễn phí cho nhiều người tại nhà. Có người ở xa khó khăn, nghệ sĩ tạo điều kiện ở lại tại nhà ông. Trong đó có người được ông nhận làm con nuôi và lo chi phí khi gửi sang lớp học diễn xuất của Hồng Vân.
Diễn viên Cát Phượng chia sẻ trong mắt chị, nghệ sĩ Lê Bình là một người anh đáng kính, cả một đời cống hiến cho nhiều nhân vật và kịch bản sân khấu. Ông luôn nở nụ cười hiền từ, thánh thiện... với bất kỳ ai, kể cả khi đau đớn, tinh thần suy sụp nhất.
Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây Nam bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Tác phẩm của ông từng tham gia các liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp. Ông đã giành được ba huy chương vàng, ba huy chương bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng và một bằng khen của Bộ Quốc phòng. Hơn 10 vở kịch của Lê Bình được dàn dựng ở các sân khấu Idecaf, 5B, kịch Phú Nhuận...
Vai diễn đầu tiên của ông trên màn ảnh là nhân vật ông chủ tiệm thuốc Bắc trong phim Dòng sông không quên. Ông tiếp tục được biết đến qua các phim: Đất phương Nam, Đợi khách, Người đàn bà không hóa đá, Hải âu, Đèn không hắt bóng, Mùa len trâu, Cô gái xấu xí, Dưới cờ đại nghĩa... Do ngoại hình cao gầy, khuôn mặt hiền lành, ông thường được giao hóa thân những nhân vật khắc khổ, cam chịu... Ông còn tham gia 16 vai trong loạt phim Cổ tích Việt Nam, được khán giả nhiều độ tuổi yêu thích.