Chi Mai -
Nói về ý tưởng ra mắt tập sách, Lê Anh Hoài chia sẻ: "Tôi hình dung, mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó, từng thứ trong vạn vật và muôn loài hiện ra với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế - giới - ngôn - ngữ khác".
Bìa cuốn "Mảnh mảnh mảnh" của Lê Anh Hoài. |
Anh cho rằng, khi ngôn ngữ, có được một cách ghi với con chữ trên một bề mặt (giấy, da thuộc, lá, tre nứa, đá, gỗ, đồ gốm, kim loại, da thịt, màn hình điện thoại - máy tính…), bằng mọi công cụ (bút - mực, đục, axít, kim xăm, máy in, bàn phím…), nó sẽ tiếp tục sống một đời sống khác. Và con người, với hằng hà sa số những hành động, trạng thái tâm lý và tinh thần cũng hiển hiện ra qua từng ngôn ngữ, vừa vẫn giống mà lại thực ra lại khác biệt. Chính vì thế, Lê Anh Hoài mong muốn thơ anh được sống trong những thế - giới - ngôn - ngữ khác.
Khi được hỏi vì sao anh không chuyển ngữ thơ mình sang tiếng Anh, tiếng Hoa hoặc những ngoại ngữ phổ biến hiện nay mà lại là tiếng dân tộc thiểu số, vốn thuộc về cộng đồng nhỏ, thậm chí đang có nguy cơ biến mất, Lê Anh Hoài cho biết: "Mọi thứ ngôn ngữ vốn đều bình đẳng. Vậy tại sao không tìm đến những cộng đồng ở gần mình nhất? Hơn nữa, tại sao phải góp thêm một ngọn gió cho cơn bão xuất phát từ những cộng đồng lớn, đang hàng ngày hàng giờ tàn phá, đè bẹp những cộng đồng nhỏ - không loại trừ các vấn đề về văn hóa và ngôn ngữ?".
Để thực hiện tập thơ này, Lê Anh Hoài được sự giúp đỡ rất nhiều từ GS - TS Lò Giàng Páo, nhạc sĩ - nhà thơ K’Thế, nhà thơ Thạch Đờ Ni, nhà thư pháp - nghệ sĩ đương đại Nguyễn Quang Thắng và họa sĩ - nhà thiết kế Nguyễn Trung Hiếu. "Tôi thực sự biết ơn họ!", anh nói.