"Trở lại Rome nhiều năm về sau, mọi người ở đó vẫn nhận ra tôi khi gặp trong khách sạn", Eriksson nói với ký giả James Horncastle - chủ mục Serie A của tờ The Athletic. "Rất khó để tôi thanh toán tiền khách sạn, vì họ quá tử tế, quá tình cảm, đúng chất Italy. Một khi bạn đã giúp đội bóng của họ vô địch Serie A, họ sẽ luôn nhớ ơn bạn".
Hôm qua 14/5 đánh dấu tròn 20 năm sau khi Lazio đoạt scudetto gần nhất và tạo nên một cảnh tượng sôi động chưa từng thấy ở thành Rome. Du khách đến thăm thủ đô Italy bây giờ vẫn dễ dàng nhận thấy những tác phẩm grafitti (tranh tường) ra đời trong niềm phấn khích của các CĐV Lazio 20 năm trước. Một trong số đó là bức màu xanh nhạt - màu áo truyền thống của Lazio, với dòng chữ "Cảm ơn Sven". Eriksson - đã 72 tuổi và quy ẩn tại quê nhà Thụy Điển - vẫn nhớ như in những cảm xúc mãnh liệt từ hành trình vinh quang mùa 1999-2000.
"Người ta đổ ra khắp nơi", ông kể. "Họ còn trèo lên cả chiếc Volvo của tôi, và mất một lúc, cảnh sát mới xuất hiện. Họ bảo tôi: 'Mời ngài sang đây'. Tôi ngạc nhiên hỏi: 'Ý anh là sao?', và họ đáp: 'Một người của chúng tôi sẽ lái hộ xe của ngài, còn ngài thì qua đây đi. Chúng tôi sẽ đưa ngài về bằng xe cảnh sát, chứ không, còn lâu ngài mới được về nhà'. Thế là cảnh sát đưa tôi về, và ngày hôm sau, tôi mới tới sở cảnh sát ở Formello để nhận lại chiếc Volvo".
Eriksson là một trong những HLV dịch chuyển nhiều nhất thế giới bóng đá, với 16 lần thay đổi đội bóng, có trải nghiệm cầm quân ở cả châu Âu, châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ. Nhưng tháng 5/2000 và bốn năm ở Lazio (1997-2001) có lẽ là giai đoạn sôi động và đáng nhớ nhất sự nghiệp. Bốn ngày sau khi đoạt scudetto, Eriksson cùng Lazio hoàn thành cú đúp quốc nội bằng chiếc Cup Italy, sau khi thắng chung cuộc Inter 2-1 qua hai lượt trận chung kết. Đến tháng 9/2000, vinh quang lại đến khi thầy trò ông đoạt thêm Siêu Cup Italy, nhờ thắng chính Inter 4-3.
Không lâu sau scudetto, LĐBĐ Anh liên hệ mời ông sang làm HLV trưởng. Cũng từ Anh, Man Utd xem nhà cầm quân người Thụy Điển là ứng viên lý tưởng để tiếp quản ghế HLV trưởng năm 2002, sau khi Sir Alex Ferguson có ý định giải nghệ. Chỉ trong chưa đến bốn năm, Eriksson cùng Lazio đoạt tới bảy chiếc Cup ở Italy - nền bóng đá giàu sức cạnh tranh nhất thế giới bấy giờ. Thành công vang dội với Lazio khiến tên tuổi Eriksson nổi như cồn, và ông được thừa nhận rộng rãi như một trong những HLV hay nhất thế giới.
Lazio khi ấy cũng được đánh giá cao không kém vị HLV phong trần của họ. Bảy chiếc Cup vẫn bị xem là khiêm tốn, trong bốn năm huy hoàng của Lazio với Eriksson. Như Roberto Mancini mới đây tự hào: "Chúng tôi là một siêu đội bóng" và ông có lẽ không quá lời. Lazio dưới trướng Eriksson khi ấy là một trong những tập thể hay nhất lịch sử bóng đá Italy. Họ có Alessandro Nesta, Sinisa Mihajlovic dưới hàng thủ, Diego Simeone, Sebastian Veron ở giữa sân, Pavel Nedved, Sergio Conceicao ở hai biên, và cặp Mancini - Marcelo Salas trên hàng công. Nếu cần đột biến từ băng ghế dự bị, Erikson có thể chọn Fernando Couto, Nestor Sensini, Dejan Stankovic, Fabrizio Ravanelli, Matias Almeyda, Simone Inzaghi và Alen Boksic. Một tập thể giàu tài năng, có chất lượng chiều sâu đủ làm mọi nhà cầm quân khác phải ghen tị.
"Nếu tôi ngỏ lời muốn có một cầu thủ mới, ông chủ Sergio Cragnotti thật sự cố gắng để đưa về cầu thủ ấy", Eriksson kể. "Trường hợp duy nhất mà ông ấy từ chối tôi là Gabriel Batistuta từ Fiorentina, vì chi phí lúc ấy quá lớn, và cậu ta cũng đã lớn tuổi. Năm 1998, Batistuta đã 29 tuổi. Sergio bảo tôi: 'Sao anh không kiếm một cầu thủ trẻ hơn?'. Và cái tên đầu tiên ập tới trong suy nghĩ của tôi là Salas. Rồi cậu ấy cũng tới và cho thấy là một cầu thủ không hề tệ".
Để mừng scudetto đầu tiên của Lazio kể từ năm 1974, trong hè 2000, Cragnotti quyết định chơi lớn, chi 58,5 triệu euro - kỷ lục chuyển nhượng thế giới lúc đó - để tậu Hernan Crespo từ Parma. Các CĐV Lazio khi đó không ngạc nhiên với bom tấn này, bởi họ đã quá quen với những lần chơi ngông trước đó của "Quý Ngài Del Monte" - biệt danh được đặt theo công ty hoa quả đóng hộp nơi Cragnotti khởi nghiệp và gầy dựng nên Cirio - đế chế thực phẩm lớn bậc nhất thế giới.
Năm 1998, vị doanh nhân này là tác nhân của một cuộc đình công mang tên "Cappuccino" do CĐV của CLB đối địch cùng thành phố Roma khởi xướng. Theo đó, CĐV Roma kêu gọi các quán bar trong thành phố không mua sữa từ Cirio, vì nghi ngờ nhà cung cấp này tăng giá bán sữa để trang trải kinh phí vụ Cragnotti chi 28 triệu euro tậu Christian Vieri về từ Atletico Madrid.
Từng cùng Lazio "lừa" qua nhiều đối thủ để lên ngôi vô địch Serie A, nhưng "Serginho", tên thân mật được đặt cho Cragnotti từ thời ông sang Brazil làm ăn, không lừa qua được các điều tra viên trong cuộc điều tra gian lận tài chính ở Cirio năm 2002. Đế chế thực phẩm này sụp đổ vì khoản thâm hụt lên tới cả tỷ euro, và Cragnotti bị kết án tù giam sáu tháng. Như thần Icarus bay lên quá gần mặt trời trong thần thoại Hy Lạp và bị thiêu cháy đôi cánh, cuộc vui của Lazio rồi cũng tới hồi kết. CLB phải bán đi hàng loạt ngôi sao và mất dần vị thế một quyền lực tại Serie A, cho tới khi đội trở lại, cạnh tranh sòng phẳng scudetto mùa 2019-2020.
Trước chương cuối buồn của kỷ nguyên Cragnotti ấy, Lazio dưới trướng Eriksson đã bay lên tới chín tầng mây và sống trong những tháng ngày huy hoàng, rực rỡ nhất. "Khi đón tôi tới Lazio, Cragnotti bảo: 'Thưa Ngài, chúng ta ở đây để chiến thắng. Tôi chưa có danh hiệu nào với Lazio cả. Tôi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho đội bóng, và sẽ tiếp tục đầu tư lớn với Ngài, nhưng chúng ta phải chiến thắng'. 'OK thôi, chúng ta sẽ cố gắng', tôi đáp".
Thật ra, chẳng cần Cragnotti bảo, Eriksson cũng có thừa tham vọng chinh phục khi đến với Lazio năm 1997. Ông khi đó bị xem như một "kẻ thất bại thành công" - biệt danh nặng tính mỉa mai được gán từ lần Eriksson cùng Roma hụt hơi một cách khó hiểu và thất bại trên đường đua tranh scudetto mùa 1986-1987. Những đội bóng Italy sau đó mà ông dẫn dắt - Fiorentina rồi Sampdoria - đều không giúp ông thỏa nguyện, vì họ "chẳng có tham vọng gì". Với Lazio, Eriksson lập ra một bản kế hoạch tỉ mỉ, nhưng đắt đỏ tới mức mà chính HLV này cũng thừa nhận là khiến ông thấy có chút căng thẳng khi trình bày. Nhưng với Cragnotti ở năm 1997, tiền bạc không phải là vấn đề.
Eriksson kể: "Tôi nói với Cragnotti rằng nếu ông muốn vô địch Serie A một lần, hãy mua cho đội thêm ba cầu thủ. Mancini, Mihajlovic và Veron, hãy đưa cả ba về một lúc. Cragnotti không thể làm điều đó, vì chuyện này đúng là bất khả thi. Rồi khi chúng tôi có đủ ba người họ, Lazio đã vô địch. Và tôi nhắc lại chuyện cũ: 'Ba năm trước, nếu sếp mua được cả ba người họ, giờ chúng ta chắc đã có ba scudetto rồi'. Ông ấy đáp: 'Sven à, một với tôi là đủ rồi, tôi hạnh phúc rồi'".
Cả ba cái tên mà Eriksson đề nghị lúc nhậm chức đều là học trò cũ của ông ở Sampdoria. Chỉ Mancini theo chân Eriksson sang Lazio ngay năm 1997, Mihajlovic nhập đội một năm sau đó. Veron đến sau cùng, vào hè 1999, cùng một người Argentina khác Diego Simeone - tiền vệ trung tâm bị Inter thải loại với lý do "không tương thích với Ronaldo".
"Mancini là một thiên tài", HLV người Thụy Điển kể. "Cậu ta đọc trận đấu nhanh hơn bất kỳ ai khác, và có nhãn quan sắc sảo khó tin. Về mặt chiến thuật mà nói, Mancini đã là một HLV ngay từ khi cậu ta chơi bóng trên sân. Bóng đá là cuộc sống của Mancini. Tôi không ngạc nhiên khi cậu ấy về sau trở thành một HLV giỏi, một nhà vô địch. Với Mancini, thất bại, đơn giản, là không thể chấp nhận".
Năm 1997, Mancini đã 33 tuổi - độ tuổi hoàng hôn của sự nghiệp cầu thủ. Nhưng Eriksson vẫn một mực đòi kéo học trò cưng sang Lazio, không chỉ bởi kinh nghiệm, tuyệt kỹ đánh gót ghi bàn điệu nghệ hay tính khí nóng nảy. Ông còn nhìn thấy ở Mancini một hình mẫu "đại ca" có khả năng thúc đẩy đồng đội tiến bộ lên đẳng cấp tương tự. Nếu có bất kỳ ai trong đội làm Mancini thất vọng, vị "đại ca" này sẽ không tha thứ cho người đó.
"Nếu bạn không làm chính xác những gì bạn phải làm trên sân - phòng ngự, tấn công, Mancini sẽ nổi điên ngay", Eriksson kể tiếp về cậu học trò cưng - người bây giờ là HLV trưởng tuyển Italy. "Và với các trọng tài, khi đối mặt, đừng mong cậu ta hành xử kiểu quý ông. Không hề nhé. Nên đôi khi, tôi phải rút Mancini khỏi sân, nếu không thì các trọng tài cũng đuổi cậu ấy. Nhưng cũng có khi tôi chần chừ hơi lâu, và các trọng tài đã thay tôi làm việc đó".
"Nhưng tôi thấy ở Mancini bóng dáng một nhà vô địch, một người giàu nghĩa khí và hào sảng. Khi tôi nói tới sự hào sảng, đó không chỉ là việc cậu ta từng mời toàn bộ cầu thủ Sampdoria tới nhà ăn tối mỗi tuần một lần, bao trọn gói. Mancini còn muốn cả đội cùng chơi tốt, cùng chiến thắng, và cậu ta sẵn sàng làm tất cả vì điều đó. Mancini cũng là một đại ca trong phòng thay đồ. Tôi tin chắc rằng ngay cả khi đã về nhà sau các buổi tập, Mancini cũng không thể rũ bỏ những ý nghĩ về công việc. Cậu ta luôn nghĩ về bóng đá", cựu HLV Lazio nói thêm.
Mihajlovic cũng gần tương tự. "Nếu hôm nay bạn hỏi Sinisa rằng liệu cậu ta có thể chơi ở Serie A nữa hay không, câu trả lời sẽ là 'Có'. Tôi tin chắc luôn. Sinisa từng nghĩ cậu ta nhanh nhất ở Serie A, cái thời còn làm việc với tôi ấy", Eriksson kể. "Và khi tôi bảo cậu ta không nhanh đâu, Sinisa luôn vặc lại: 'Nhưng có đứa nào vượt qua được em đâu, sếp'. Cậu ta rất thông minh, và sở hữu kèo trái tuyệt hảo, hơn hẳn mọi cầu thủ khác. Tôi thật may mắn có một học trò như thế. Tôi từng huấn luyện một Mihajlovic có kèo trái kiệt xuất, và một Beckham có kèo phải siêu phàm. Sinisa không chỉ lợi hại ở các quả đá phạt trực tiếp hay phạt góc, mà còn là một nhà vô địch thực thụ, luôn xem về nhì là vô nghĩa. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với cậu ta".
Ông kể tiếp: "Sau khi tôi tới Sampdoria, Sinisa cũng nhập đội theo diện cho mượn từ Roma, với danh nghĩa một cầu thủ chạy cánh. Sau một thời gian, tôi gọi cậu ta ra và bảo: 'Sinisa này, cậu không phải là một cầu thủ chạy cánh, cũng chả phải một tiền đạo, cậu là một hậu vệ'. 'Không, chắc chắn không phải đâu, sếp', cậu ta đáp. Gã này bướng bỉnh thật sự luôn. Thế rồi tôi cũng thuyết phục được Sinisa lùi về đá hậu vệ trái. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra cậu ta không đủ nhanh ở vị trí đó. Tôi nghĩ đến việc xếp Sinisa đá trung vệ, chơi cặp với Pietro Vierchowod thì phải. Cậu ta phản ứng ngay: 'Không có đâu nha, sếp. Đá hậu vệ trái là quá đáng lắm với em rồi đấy' . Nhưng rồi một cầu thủ nào đó chấn thương, và trong trận đấu, ai đó khác bị đuổi, thế là tôi ra lệnh cho Sinisa: 'Giờ cậu đá trung vệ, không bàn nữa'. Và từ đó, cậu ta đá luôn trung vệ".
Sự pha trộn giữa những cá tính lớn, những bộ óc bóng đá siêu phàm và những tài năng xuất chúng đã biến Lazio thành một đội bóng đáng gờm. Họ đủ mạnh, đủ khéo léo để đè bẹp mọi đối thủ và cũng đủ tinh quái để bắt nạt mọi đối thủ. "Với Veron, chúng tôi có thêm một HLV nữa trên sân bóng", Eriksson nói tiếp. "Veron và Mancini hay có kiểu cùng chạy về khu kỹ thuật, rồi nói 'Sếp, tụi em nghĩ mình cần phải làm thế này, thế kia...".
Không phải ngẫu nhiên mà hiện tại, 10 học trò cũ của Eriksson trong đội hình Lazio đoạt scudetto năm 2000 đã làm HLV trưởng. Họ gồm Nesta (CLB Frosinone), Mancini (tuyển Italy), Mihajlovic (Bologna), Simone Inzaghi (Lazio), Simeone (Atletico), Conceicao (Porto), Giuseppe Pancaro (Pistoiese), Stankovic (Red Star Belgrade) và Almeyda (San Jose Earthquakes).
"Có hai cái tên làm tôi ngạc nhiên", Eriksson nói tiếp, khi nhắc về các học trò cũ đang theo nghiệp cầm quân. "Một là Inzaghi, nhưng cậu ta vẫn còn tương đối trẻ khi tôi rời Lazio. Hai là Conceicao, người đang làm quá tốt ở Porto. Trong những người còn lại, Simeone cực kỳ giỏi về chiến thuật. Thời còn thi đấu, cậu ta không phải là cầu thủ thông minh nhất, nhưng luôn là một vị trí quan trọng của đội. Và Simeone thời đó cũng giống với cậu ta hiện giờ, ở góc độ luôn là một chiến binh, máu lửa. Cả 10 người họ đều là những cầu thủ thông minh, và tôn trọng lẫn nhau. Tất nhiên, cũng có lúc họ cãi vã, nhưng nhìn chung, họ tôn trọng lẫn nhau, và theo một nghĩa nào đó, tất cả đều hiểu rằng họ đang chơi trong một tập thể xuất sắc. Tất cả đều hiểu rằng nếu tôi làm việc của mình, và những người khác làm việc của họ, Lazio sẽ trở thành một đội bóng vĩ đại. Họ cảm thấy đội có thể đoạt mọi danh hiệu".
Nhưng như Eriksson từng trải ở các CLB trước, thành công không đến chỉ trong ngày một ngày hai, ngay cả với chùm sao mà ông có. Lazio chẳng có danh hiệu nào suốt nhiều năm, và không có văn hóa hay bản năng chiến thắng. Phải đến cuối tháng 4/1998 - tức gần một năm sau khi Eriksson nắm đội, khi Lazio thắng chung cuộc Milan 3-2 qua hai lượt trận chung kết Cup Italy. Đó là lần đầu tiên sau bốn thập kỷ Lazio mới có được chiếc Cup này.
"Tôi nhớ đội đoạt Cup vào một ngày thứ 4. Rồi một tuần sau đó, chúng tôi đá chung kết Cup UEFA với Inter ở Paris, và thua 0-3. Đó là một thất bại tệ hại. Chúng tôi chưa vươn tới đẳng cấp cao nhất, và dường như cũng chẳng quan tâm tới trận đấu đó. Đội không có tâm thế để chiến thắng. Với cả CLB, các cầu thủ lẫn các tifosi, đoạt Cup Italy là thành quả lớn quá rồi. Họ vẫn như trên mây, trong khi đáng ra việc phải làm là cố gắng và đánh bại Inter. Chúng tôi học được nhiều điều sau thất bại đó", Erikson nói.
Tuy nhiên, đấy vẫn chưa phải là bài học cuối cùng trước khi Lazio của Eriksson thật sự trở thành một tập thể vô địch. Họ đoạt thêm Siêu Cup Italy trong năm 1998, và trở thành đội cuối cùng nâng cao chiếc Cup C2 châu Âu trước khi sân chơi này bị khai tử năm 1999. Nhưng cũng trong mùa 1998-1999, Lazio để vuột lợi thế dẫn bảy điểm trên đỉnh Serie A, phải ngậm ngùi về nhì với chỉ một điểm ít hơn nhà vô địch - AC Milan của HLV Alberto Zaccheroni. Giống Parma năm 1997, Lazio 1999 tạo ấn tượng họ thiếu bản lĩnh để làm nên cú rướn quyết định trên đường đua tranh scudetto.
Sang mùa 1999-2000, ĐKVĐ Milan tiếp tục nâng cấp đội hình bằng Andriy Shevchenko. Juventus thì vẫn còn nhạc trưởng Zinedine Zidane phía sau cặp tiền đạo Del Piero - Pippo Inzaghi. Trong khi đó, tư cách ứng viên vô địch của Lazio tiếp tục bị nghi ngờ, bất chấp việc họ vừa đánh bại Man Utd - tập thể ăn ba mùa trước đó - trong trận tranh Siêu Cup châu Âu ngay trước thềm mùa giải. Đó là trận đấu mà Mancini suýt ghi bàn bằng tuyệt kỹ đánh gót, còn Mihajlovic, Nedved thì như thể muốn làm thủ môn Man Utd Raimond van der Gouw gãy tay khi cản phá các cú sút, trước khi Salas ghi bàn duy nhất, giúp Lazio thắng 1-0.
Khi nhắc lại thắng lợi ở Monaco này, Eriksson nhún vai, như thể đó là một trận đấu chẳng có gì đặc biệt. Ông nói: "Ừ thì... đó là một đối thủ khó nhằn, nhưng chúng tôi cũng đánh bại họ".
Chiến thắng trước Man-Utd-ăn-ba ấy dường như đẩy Lazio lên một tầm cao mới, một tâm thế mới, nơi những điều khác thường với họ mọi khi bỗng trở nên quá đỗi bình thường. Siêu phẩm của Matias Almeyda ấn định chiến thắng trước Parma vào cuối tháng 9/1999 - một cú vô-lê má ngoài làm Gigi Buffon bó tay - càng củng cố những quan điểm rằng Lazio bắt đầu nghiêm túc thật sự với khát vọng vô địch.
Dù vậy, tới giữa tháng 3/2000, sau thất bại 0-1 trên sân Hellas Verona, thầy trò Erikson thấy họ bị bỏ lại phía sau với tận chín điểm kém đầu bảng Juventus. "Cái cảm giác kiểu 'Lazio sẽ lại không vô địch' tồn tại đến vài tuần sau đó", Eriksson hồi tưởng. "Ngay cả Cragnotti cũng bi quan. Còn tôi thì luôn tin đội sẽ vô địch. 'Chúng ta đang có cơ hội đoạt scudetto. Mọi thứ còn chưa kết thúc cơ mà', tôi nói với cả đội".
Một tuần trước chuyến làm khách ở Turin, bước ngoặt quan trọng xuất hiện. Lazio thắng ngược Roma 2-1 trong trận derby thủ đô, trong khi Shevchenko ghi bàn quyết định, giúp Milan hạ Juventus, và khiến đường đua rộng mở trở lại. Và trận cầu then chốt trên sân Delle Alpi - sân nhà của Juventus lúc đó - rồi cũng đến, CĐV Turin nườm nượp kéo vào sân, nhưng như Eriksson dặn dò các học trò, Lazio chẳng hề sợ hãi. Ở mùa trước đó, Lazio cũng thắng 1-0 trên sân Juventus, và một lần nữa, họ ra về với kết quả tương tự. Simeone ghi bàn quyết định, và mừng bàn thắng theo phong thái vừa kiêu hãnh, vừa lạnh lùng chưa từng thấy.
Nhưng Juventus không sụp đổ ngay sau thất bại ấy. Với lợi thế bốn điểm nhiều hơn, "Lão Bà" nhanh chóng bước tiếp với các chiến thắng trước Bologna, Inter, Fiorentina. Cửa vô địch với Lazio ngỡ như càng lúc càng hẹp lại.
Cánh cửa hẹp ấy cứ tồn tại trước mặt thầy trò Eriksson cho tới khi mùa giải còn hai vòng. Hellas Verona, dưới trướng Cesare Prandelli, một lần nữa vào vai khắc tinh của các ông lớn, bất ngờ quật ngã Juventus 2-0. Cú ngã như khiến Juventus của Carlo Ancelotti bắt đầu run rẩy, dù họ vẫn giữ lợi thế hơn hai điểm trước khi vào vòng cuối. Các trụ cột Juventus khi đó như Antonio Conte, Ciro Ferrara, Edgar Davids liên tục lên giây cót tinh thần, rằng không thể trượt ngã trước vinh quang đang cận kề. Lịch sử có vẻ cũng ủng hộ "Lão bà", bởi đối thủ ở vòng cuối là Perugia đã hết động lực chiến đấu. Và đội này cũng chưa từng thắng Juventus tính từ những năm 1970.
Lazio của Eriksson vì thế phải thắng Reggina, đồng thời cầu mong một phép màu nào đó đến trong trận Perugia - Juventus. Và phép màu đã đến trên sân Renato Curi. Sau hiệp một hòa 0-0, trời bỗng mưa to trong 15 phút giải lao, khiến trận đấu bị hoãn tới 82 phút. Do mưa lớn, trọng tài chính Pierluigi Collina phải đi khắp sân để kiểm tra, và dù sân ngập nước, ông vẫn cho chủ nhà Perugia cùng Juventus vào đá hiệp hai.
Cùng lúc, trên sân nhà Olimpico, Lazio thắng dễ Reggina 3-0 bằng các bàn của Inzaghi, Veron và Simeone. Khi đó, thầy trò Eriksson lần đầu tiên trồi lên đỉnh bảng kể từ tháng 2/2000, và phải chờ đợi trong căng thẳng diễn biến trận đấu ở Perugia. "Tôi ngồi đó, trong phòng thay đồ cùng các cầu thủ. Nhiều người còn chẳng buồn tắm, chẳng buồn thay đồ. Một số còn làm mấy việc kiểu mê tín. Một trong số đó là Simeone, cậu ta ngồi lỳ một chỗ suốt 45 phút, chờ đợi và lắng nghe radio. Thấy ngột ngạt quá, tôi phải ra ngoài, tới một văn phòng nhỏ, và đi qua lại một lúc. Mọi thứ trở nên cực kỳ căng thẳng. Cảm giác khi đó thật sự đặc biệt, vì bạn chỉ ngồi đó thôi và hy vọng", Eriksson kể.
Thầy trò Eriksson khi đó hy vọng HLV Perugia Carlo Mazzone - một CĐV nhiệt thành của... Roma, sẽ gia ân với Lazio. Họ cũng hy vọng cú vô-lê của hậu vệ Alessandro Calori mở tỷ số cho Perugia ở phút thứ tư hiệp hai sẽ là bàn thắng duy nhất trong trận đấu. Họ cũng hy vọng chiếc thẻ đỏ của Zambrotta 15 phút trước khi hết giờ sẽ làm Juventus suy sụp. Tất cả đều là những hy vọng rất khó, mơ hồ và mong manh, nhưng, bằng cách nào đó, đều thành hiện thực.
Lazio của Eriksson năm ấy đã đăng quang theo cách độc nhất vô nhị, giúp CLB giành scudetto thứ hai trong lịch sử 100 năm tồn tại, sau lần đầu năm 1974. "Tôi không nghĩ có một đội bóng nào khác vô địch trong hoàn cảnh tương tự chúng tôi, cả trước và sau này", Eriksson nói. Ông nhớ lãnh đội Maurizio Manzini "khóc tu tu như một đứa con nít". Manzini là một phần thân thuộc của Lazio từ cuối những năm 1970. "Ông ấy cứ như chiếc bàn làm việc của tôi, luôn ở đó từ trước khi tôi tới vào buổi sáng mỗi ngày. Khi tôi ra về, Manzini vẫn ở đó. Đôi khi tôi ghẹo ông ấy: 'Ủa, ông không có nhà hả, ông ngủ ở đây luôn hả?'. Và vào cái ngày Lazio đăng quang, Manzini như phát điên. Nhiều người trong chúng tôi cũng điên hôm đó, nhưng ông ấy điên nhất. Nhưng tôi có thể hiểu được cảm xúc ấy, vì Manzini như gắn bó cả đời với CLB", Eriksson kể thêm.
Với Eriksson, niềm vui không chỉ đến từ việc CLB đã đoạt danh hiệu lớn nhất, mà còn vì sau cùng, đội bóng cũng lĩnh hội được tinh thần mà ông xây dựng từ những ngày đầu. "Chúng tôi đoạt scudetto vào ngày Chủ nhật. Bốn ngày sau đó, vào thứ Tư, đội lại đá chung kết Cup Italy, gặp Inter. Những ý nghĩ đối lập thoáng đi qua đầu tôi: 'Ôi không, chúng ta sẽ thua và mất Cup. Nhưng ổn thôi. Dù sao thì đoạt nó cũng tốt mà".
"Tôi gọi các học trò lại và bảo 'Ngay cả khi đội không tập luyện gì, chúng ta vẫn sẵn sàng'. Thế rồi chúng tôi bước vào sân, chiến thắng và đoạt Cup. Để mà so sánh, đội bóng lúc ấy với đội bóng trong năm đầu của tôi ở Lazio có khác biệt rất lớn. Mấu chốt không phải là chất lượng hay kỹ chiến thuật gì cả, mà chỉ là tinh thần. Lazio trở thành một tập thể chiến thắng dù có hạn chế khi chuẩn bị. Chúng tôi ra sân, và đánh bại Inter, mà đó là Inter của Lippi đấy nhé. Thế mới đáng tự hào chứ", Eriksson nói tiếp.
Trước khi bóng đá bị tê liệt vì đại dịch, Eriksson vẫn luôn dõi theo tình hình của Lazio. Đội bóng ấy, bây giờ do học trò cũ của ông Simone Inzaghi dẫn dắt, đã bất bại ở Serie A từ tháng 9/2019, và chỉ kém đầu bảng Juventus một điểm. Dù lạc quan, Eriksson vẫn tỏ ra dè dặt khi được yêu cầu dự báo về khả năng Lazio tái hiện con đường chiến thắng của đội bóng dưới trướng ông 20 năm trước.
"Đang có ba ứng viên, Juventus, Inter và Lazio. Và trong số này, Lazio đang chơi thứ bóng đá hay nhất", ông nói, kèm theo nụ cười ý nhị. "Mọi thứ vẫn luôn lạ lùng trong những năm Lazio vô địch Serie A. Năm 2000, khi vô địch, chúng tôi phải chờ suốt 45 phút. Còn bây giờ, có thể họ sẽ phải chờ 45 ngày".
Nhật Tảo (theo The Athletic)