Dịch vụ giao hoa tươi trong 4 giờ được Lazada ra mắt từ ngày 18/10 sau khi hợp tác với Dalat Hasfarm. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng bộ phận Giao hàng Hoả tốc của Lazada E-logistics Việt Nam gọi đây là "bước tiến mới" của lĩnh vực giao hàng thương mại điện tử bởi hoa là sản phẩm rất đặc thù, dễ bị hư hỏng nên cần được giao trong thời gian ngắn.
Vài tháng trở lại đây, Lazada liên tục có động thái nhắm vào việc giao hàng nhanh và thuận tiện. Trước đó, đây vốn là yếu tố được Tiki khai thác triệt để và dịch vụ giao trong 2 giờ đã trở thành lợi thế của họ.
Mới đầu tháng 10, Lazada công bố loạt giải pháp để lấy lại phong độ của một "cựu vương" từng dẫn đầu thị trường về lượng khách truy cập. Trong đó, phát triển năng lực logistics là một hướng quan trọng. Nền tảng này đang phát triển dịch vụ chuyển phát P2P (Point-to-Point) trong 2 giờ với các đối tác chọn lọc tại TP HCM và Hà Nội. Cùng với đó là dịch vụ giao hàng trong 4 giờ, áp dụng cho các sản phẩm dưới 15 kg, tức là mua các sản phẩm cồng kềnh vẫn được nhận trong ngày. Hiện có gần 200 gian hàng đủ điều kiện tham gia chương trình giao hàng hoả tốc này, đa phần là các mặt hàng tiêu dùng như đồ uống, thời trang, bỉm sữa.
Thực tế, sau khi Tiki có dịch vụ giao trong 2 giờ, hàng loạt đơn vị khác cũng tung ra các dịch vụ giao nhanh. Ví dụ "Shopee nhận hàng 4 giờ", "Sendo giao hàng 3 giờ" hay Lotte.vn "Giao nhanh chớp mắt" trong 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ.
Tuy nhiên, với hơn 100.000 sản phẩm có thể giao trong 2 giờ và gấp vài lần như thế có thể giao trong 3 giờ, Tiki vẫn dẫn đầu về số sản phẩm có thể giao nhanh.
Sau khi Shopee giành "ngôi vương" về lượng người truy cập qua website lẫn ứng dụng di động tại thị trường Việt Nam, cuộc so kè thu hút người dùng kịch tính nhất là giữa Lazada và Tiki.
Bị Tiki vượt mặt ở "mặt trận" website nhưng Lazada hiện đứng trên Tiki về lượt truy cập qua ứng dụng. Tiki, ngoài chuyện liên tục ghi nhận lỗ thì thành tích khá nổi. Số liệu do Tiki tiết lộ về chiến dịch khuyến mãi hôm 10/10 cho biết, so với chiến dịch 10/10/2018, số khách hàng của hãng tăng 3 lần, số đơn hàng tăng 2,5 lần.
Đến nay, đang có hơn 6 triệu sản phẩm, trải dài trên 26 ngành hàng đang được bày bán trên Tiki. Không chỉ giao nhanh, với mục tiêu "bán mọi thứ", nền tảng này bây giờ thậm chí còn bán cả ôtô hay xe môtô Harley Davidson.
Dĩ nhiên, để chạy đua giao nhanh, cả Tiki và Lazada đều phải tốn không ít tài lực để phát triển hạ tầng logistics. Trong đó, Tiki giao nhanh được là nhờ mô hình "managed marketplace", tức tất cả hàng phải về kho Tiki rồi mới giao, nên chủ động được thời gian. Điều này đòi hỏi công ty phải liên tục mở rộng kho, một trong những lý do mà ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tiki giải thích vì sao công ty vẫn lỗ.
"Riêng thời gian giao hàng trung bình trên toàn quốc của Tiki là ít hơn 2 ngày, trong khi con số này trên toàn thị trường là từ 4-5 ngày", ông Sơn nói. Hiện nay, hệ thống vận hành fulfillment center trên toàn quốc của công ty có tổng diện tích lên đến 60.000 m2, dự kiến lên đến 200.000 m2 vào cuối năm sau.
Không chỉ muốn nhanh hơn, Lazada cũng muốn có khác biệt hơn trong việc giao nhận. Việc vận hành dịch vụ "Điểm Nhận Hàng" lần đầu tiên xuất hiện tại TP HCM, Hà Nội và dự kiến mở rộng ở các thành phố khác là một ví dụ. Người mua có thể chọn nơi để tự chủ động đến nhận hàng, bao gồm nhiều cửa hàng mở 24/7.
Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm nay đạt 5 tỷ USD và dự kiến tăng lên 23 tỷ vào năm 2025. Câu chuyện của Tiki và Lazada cũng đang là xu thế chung khu vực, nơi các nền tảng đang chạy đua để tăng tốc độ giao hàng, sau khi đã hoàn tất xây dựng hệ thống logistics phủ sóng được toàn quốc.
Viễn Thông