Ngày 7/7, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu.
Thứ trưởng Ái cho hay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chỉ đạo Bộ làm cơ quan chủ trì cùng với đơn vị liên quan hoàn thiện nghi thức tuyên thệ với các chức danh của Nhà nước. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã họp hai phiên để đề xuất nghi thức tuyên thệ.
Tại cuộc họp, Cục Văn hóa cơ sở đã báo cáo về hình thức và nội dung lễ tuyên thệ ở một số nước trên thế giới, nghi lễ tuyên thệ nhậm chức tại Việt Nam qua một số thời đại và nghi lễ tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 vừa qua. Cục cũng đề xuất nội dung nghi lễ tuyên thệ như: các chức danh thực hiện nghi lễ tuyên thệ; địa điểm; thời gian; trang trí, đại biểu dự lễ; trang phục người tuyên thệ; trình tự tiến hành; nghi thức tuyên thệ; nhạc lễ; người điều hành buổi lễ tuyên thệ...
Đại diện các cơ quan đóng góp nhiều ý kiến về nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Sau buổi họp này, các ý kiến sẽ được tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, bốn chức danh: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ.
Quá trình thảo luận về nghi lễ này sau đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải điều chỉnh theo hướng đảm bảo tính trang nghiêm hơn nữa, không nên để người đứng tuyên thệ, có người ngồi cầm điện thoại quay phim, chụp ảnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, trong lễ tuyên thệ, tất cả đại biểu trong hội trường đều phải đứng dậy.
Xuân Hoa