Ngày 11/2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết bệnh nhân quê ở Đồng Tháp, có bướu cổ to nhưng không điều trị do tâm lý sợ và không đủ tiền. Bệnh viện đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ chi phí phẫu thuật cũng như sinh hoạt cho người bệnh.
Sau một tháng được dùng thuốc kháng giáp, bệnh nhân được nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật.
Bác sĩ Trần Như Hưng Việt, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực Mạch máu – Bướu cổ, cho biết người phụ nữ có bướu giáp to, chèn ép gây hẹp 1/3 khí quản nên việc đặt nội khí quản để gây mê, phẫu thuật là một thách thức lớn. Do đó, bệnh viện phải hội chẩn các chuyên khoa Gây mê Hồi sức, Tai mũi họng và Nội hô hấp, nội soi thanh quản bằng ống mềm.
Ngày 9/2, sau khoảng 5 giờ mổ, khối u có trọng lượng một kg được bóc tách thành công. "Đây là khối u lớn nhất bệnh viện chúng tôi từng ghi nhận", bác sĩ Việt nói.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và chuyển xuống khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu tiếp tục theo dõi. Hiện tình trạng sức khỏe bà ổn định và sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
Bướu giáp là bệnh lý nội tiết phổ biến đứng hàng thứ hai sau bệnh đái tháo đường, thường găp ở nữ nhiều gấp 4 lần so với nam. Tần suất bướu giáp nhân tăng theo tuổi và gặp nhiều ở vùng có thiếu hụt i-ốt. Đa số bướu giáp nhân lành tính không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm từ 6 tháng đến 18 tháng kể từ lần đánh giá ban đầu. Nếu ổn định, đánh giá lại sau 3 năm đến 5 năm.
Đối với người bệnh bướu giáp và cả người khỏe mạnh, cần chú ý đến chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường tiêu thụ rau củ, hạn chế các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn và cung cấp đủ i-ốt cho cơ thể.
Mỹ Ý