Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng, quê Vĩnh Phúc, đi du học, sau đó lấy chồng Nhật và đang ở Tokyo với cậu con trai 6 tháng:
Năm 2012, khi 26 tuổi, đang làm kế toán cho một công ty cơ khí nhỏ ở Hà Nội, tôi quyết định phải sang Nhật lao động để "đổi đời". Gia đình tôi làm nông, bố mẹ không có của nả gì. Tôi đi làm lương thấp nên dành dụm không được bao nhiêu. Năm đó, dù muốn con gái ở lại sớm lấy chồng ổn định, bố mẹ cuối cùng cũng đồng ý vay mượn 200 triệu giúp tôi sang Nhật theo diện vừa học vừa làm.
Sang bên đó ổn định cuộc sống xong là tôi lao đi "cày" để có tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ và mình nộp học phí. Tôi làm thêm hai việc một lúc, tổng 50-60 tiếng mỗi tuần. Vì học buổi sáng nên thời gian làm là chiều, đêm, mỗi ngày chỉ còn vài tiếng để ngủ.
Hồi mới sang, phải đứng suốt 8 tiếng khi phụ việc ở quán ăn, thậm chí có khi làm cật lực 12 tiếng không được giải lao, chân tay tôi rã rời. Có những ngày ốm, sốt, tôi vẫn cố đi làm, hoặc bị nặng quá thì chỉ biết nằm một mình khóc vì tủi, sau đó lại tự động viên phải cố gắng ăn uống cho nhanh khỏe để đi làm tiếp.
Dù công việc vất vả và nhiều khi thấy buồn, tủi thân vô hạn nhưng tôi muốn ở đây lâu dài. Nhật có dân số già rất đông nên người trẻ dễ kiếm việc và có thu nhập cao. Cơ hội ở khắp mọi nơi. Cuộc sống văn minh, trong lành, mọi tiện nghi đều có sẵn. Nếu về nước, dù có mang được chút vốn, tôi sẽ khó có cơ hội vượt hẳn lên, rồi lại lấy chồng, sinh con, cáng đáng gia đình...
Sau 2 năm sang, tôi quen chồng mình bây giờ qua một người bạn giới thiệu. Anh là người Nhật, hiền lành, ít nói, tuổi gần gấp đôi tôi. Chúng tôi tìm hiểu một thời gian, thấy hợp nhau thì quyết định kết hôn.
Chồng tôi là chủ hai quán cà phê nên khá bận. Quán mở cửa từ 7h sáng đến 10h đêm. Nhân viên làm đến 7h tối hết ca là về, chồng tôi phải trông quán đến 10h đêm. Sau đó, anh còn phải dọn dẹp, chuẩn bị hàng cho ngày mai đi giao nên hầu hết 4-5h sáng mới được về. Về nhà, anh lại vào máy tính kiểm tra đơn hàng, xem nguyên liệu gì hết, cần mua, xong đâu đấy mới đi ngủ tầm 3-4 tiếng là lại dậy đi mua đồ cho nhân viên làm.
Là ông chủ nhưng anh ấy tham gia vào tất cả các việc và hầu như không ngơi tay. Một ngày, ngoài vài giờ ngủ ít ỏi, anh thường chỉ dành cho vợ con một tiếng vào bữa tối.
Nhiều lúc tôi thắc mắc, tại sao không dẹp bớt một quán hay làm ít giờ hơn cho đỡ mệt nhưng anh nói đã quen làm việc như thế suốt 20 năm nay. Hơn nữa, ở Tokyo, tiền nhà, tiền ga, điện nước, bảo hiểm, thuế, bãi đỗ xe... cũng khá tốn kém nên không làm nhiều thì khó mà để ra được khoản dành dụm, lo cho con, dưỡng già. Chồng tôi nói cần phải làm việc cật lực lúc tuổi trẻ để khi về già có thể tự lập hoàn toàn, không phải nhờ cậy tới ai.
Tinh thần tự lực ở Nhật rất cao. Tôi thấy rõ điều này ở mẹ chồng mình. Bà đã 70 tuổi nhưng vẫn đi làm và sống một mình. Ba chồng tôi đã mất, bài vị ở quê cùng với tổ tiên nên cứ cuối tuần được nghỉ, bà lại lái ôtô 2 tiếng để về quê dọn dẹp nhà cửa, chăm lo hương khói. Bà khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chưa phải nhờ cậy bất cứ việc gì tới 3 người con. Chồng tôi là út, các anh chị anh sống quanh Tokyo, nhưng vì đều có công việc bận rộn nên gia đình cả năm chỉ gặp vài lần.
Sau khi kết hôn, tôi nghỉ việc đang làm, về phụ trông quán với chồng. Vài tháng sau đó, tôi có bầu nhưng vẫn vừa lo nội trợ vừa cùng làm ở quán. Sát ngày sinh, tôi chế biến sẵn một loạt đồ ăn trữ trong tủ lạnh để dùng sau sinh vì biết sẽ chẳng nhờ cậy được ai.
Khi tôi sinh, chồng không đóng cửa quán ngày nào nên anh chỉ tranh thủ lúc nào rảnh mới ghé thăm vợ. Tôi phải ở viện 11 ngày vì bị nhiễm trùng. Dù ở bệnh viện đã có y tá lo cho mọi việc, nhiều khi tôi vẫn thấy tủi thân, đau lòng.
Ra viện, vì tôi sức khỏe yếu, vẫn sốt, trong khi con quấy nên mẹ chồng thường tranh thủ sau giờ làm ghé qua mua cơm cho tôi, giặt tã cho cháu. Những ngày đó, không hôm nào tôi không khóc vì cảm giác quá cơ cực, đơn độc. Chồng tôi vẫn theo nhịp làm việc như thường ngày, không hỗ trợ được gì. Cũng may, được mẹ chồng động viên, lại nghĩ chính mình đã lựa chọn cuộc sống này, tôi nhắc bản thân phải gắng gượng lên và dần vượt qua. Tới khi con 20 ngày, sức khỏe tôi ổn hơn thì tôi phải tự làm mọi việc.
Lúc con trai tròn một tháng rưỡi, chồng bảo tôi xuống quán phụ việc những lúc con ngủ vì dịp đó khách đông, nhân viên ít. Vậy là buổi tối, thường tranh thủ lúc con ngủ tầm 9-10h, tôi sang quán phụ rửa ly cốc, lau bàn, tính tiền... tới 12h hoặc khi con khóc to thì chạy về với bé.
Tôi dần quen với nhịp sống đó và hiểu rằng mọi thứ đều có giá. Người Nhật làm ra làm, việc gì cũng dốc hết sức lực và luôn đề cao tính cộng đồng, thậm chí hơn gia đình riêng, thì đất nước họ mới giàu mạnh như vậy. Tôi cũng gặp những người Nhật lười biếng, nhưng rất ít. Còn đa số những chủ cửa hàng, xưởng nơi tôi đã làm, chồng bạn bè, những người quen biết xung quanh, đều tận tụy làm việc, coi công việc là trên hết.
Bản thân tôi cũng phải chấp nhận theo guồng quay mới, chấp nhận gạt đi những nỗi buồn nhớ quê, cha mẹ... để hòa nhập nơi xứ người. Tôi không hề ân hận vì đã không về Việt Nam sống an nhàn hơn, vì tôi biết, ở lại đây sẽ có nhiều thứ mà về quê mình không thể có được, con cái tôi cũng sẽ có một cuộc đời tốt đẹp. Chồng tôi tuy có ít thời gian cho gia đình nhưng anh thực sự yêu và tôn trọng vợ con. Anh không biết làm bất cứ việc nhà nào hay chăm sóc con nhưng luôn hỏi han tôi cần gì và thích trò chuyện với con dù bé chưa biết đáp lại.
Thỉnh thoảng, vào cuối tuần, tôi cũng bế con đi chơi, tụ họp với nhóm chị em người Việt làm dâu Nhật ở các vùng lân cận. Những giây phút đó giúp chúng tôi thấy dịu bớt những lo toan, buồn tủi.
Người Nhật coi chuyện làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày là điều bình thường. Văn hóa này bắt đầu từ những năm 1970 khi đồng lương ít ỏi và người lao động bắt buộc phải làm thêm giờ để tăng thu nhập. Thói quen này được duy trì đến ngày nay.
Do thời gian làm việc kéo dài, số người kết hôn ở Nhật ngày càng giảm. Một báo cáo năm 2017 của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội cho thấy tỷ lệ người Nhật chưa lập gia đình ở tuổi 50 đạt mức kỷ lục với gần 24% ở nam giới và hơn 14% ở nữ.
Trong số những nam giới đã kết hôn, có 35,2% nói rằng công việc khiến họ "quá mệt mỏi" để còn cảm xúc cho chuyện chăn gối.
Vương Linh ghi