From: Minh Minh
Sent: Friday, January 22, 2010 8:34 AM
Chào các chị,
Tôi xin góp chút ý kiến sau khi đọc tâm sự của các chị về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tây hay Ta cũng vậy, ai cũng có xấu có tốt tùy theo cách họ được giáo dục, và kế đến là môi trường mà hằng ngày họ va chạm. Chúng ta có quyền lựa chọn, vậy thì hãy làm những lựa chọn thông minh.
Việc đầu tiên xin bàn về ảnh hưởng của gia đình. Để bảo vệ mình, tôi nghĩ các cô gái trước khi lấy chồng nên tìm hiểu kĩ về gia đình chồng tương lai, đừng bao giờ yêu theo kiểu "không cần biết anh là ai, không cần biết anh từ đâu". Hôm nay ta phải đổi lại "lấy chồng xem tông" chứ không phải là "xem giống". Vì ngày nay "con giống" hơi xấu cũng có thể thay đổi được bằng tiến bộ khoa học. Còn "tông" mà tệ, thì xin thưa, chị em có khi phải khổ cả đời để "chỉnh sửa".
Đàn ông hư một phần rất lớn do lối giáo dục của gia đình. Các bạn từng phẫn nộ vì bài viết của anh Mạnh Hùng, có thể hiểu vì sao. Vì anh Mạnh Hùng thuộc vào một gia tộc năm thê bảy thiếp như thế, hỏi làm sao anh phân biệt đúng sai? Đơn cử như chồng tôi, vì là con trai một giữa một bầy vịt trời, nên luôn được cha mẹ ưu ái. Dù anh sống ở Mỹ từ rất nhỏ, nhưng không hề có tính ga lăng của đàn ông Mỹ, vì từ nhỏ ở nhà đã chẳng quen đỡ đần cho ai. Thêm vào đó, cha mẹ chồng tôi luôn tự hào về đứa con cao to xinh trai của mình, luôn luôn dung dưỡng cho những đòi hỏi vô lý của anh, nên lúc nào trong đầu anh cũng nghĩ mình là nhất.
Thứ hai, đến ảnh hưởng của môi trường sống. Vì xuất thân từ gia tộc năm thê bảy thiếp, lại sống ở nơi "em út" được coi là chuyện thường, nên anh Mạnh Hùng vẫn duy trì lối suy nghĩ lệch lạc của anh. Còn chồng tôi, anh sống ở xã hội Tây phương, nơi mà không ai bênh vực cái kiểu như thế, nên sau khi bị tách ra khỏi bố mẹ ruột để lập gia đình, anh phải học cách thay đổi để thích nghi với vai trò đàn ông đúng nghĩa, để giữ tình yêu của vợ. Cũng may cho anh là tôi thông cảm những tật xấu của anh là do giáo dục mà ra, nên tôi cố gắng uốn nắn lại. Thế nhưng, cũng có lắm lúc tôi thật sự muốn điên lên vì cái cách "công dân hạng nhất" của anh. Nhưng bây giờ đã muộn rồi, trách chỉ biết trách tôi không tìm hiểu kỹ "cha mẹ chồng" mình thôi!
Nếu chị em ta ai cũng lấy chồng theo kiểu chọn tông, thì tôi dám cam đoan các bà mẹ Tây hay Ta, nếu không muốn con trai mình ế thì phải thay đổi cách giáo dục lại thôi. Cũng giống như một bạn đã viết, tôi hoàn toàn phản đối việc phụ nữ vắt kiệt sức mình để đạt được 3 tấm bằng hầu để giữ chân chồng. Nếu khổ sở như thế để được chồng đáp lại bằng cách nấu cơm cho ăn để hãnh diện với mọi người, tôi thà sống độc thân và "tuyển" một bà đầu bếp hợp khẩu vị tôi về nhà nấu cho tôi. Phụ nữ Việt Nam ơi, hãy biết yêu quý bản thân mình thay vì sống cho dư luận như vậy. Và bạn Lê Phương ơi, khi nào bạn lên mục này mà không còn thấy những dòng tư tưởng như thế nữa thì hãy mang chồng về Việt Nam mà sống.
Các anh chồng, dù Việt hay Tây của chúng ta, khi sống ở môi trường không phải "trọng nam khinh nữ" sẽ không bao giờ dám đòi hỏi những tấm bằng đó hết. Nhưng ở Việt Nam, khi những cô gái nhà lành, có học thức còn "được" dạy cách làm vợ hoàn hảo kiểu đó; khi những cô gái nhà không lành, xinh đẹp, mơn mởn luôn sẵn sàng với mọi giá từ bình dân tới cao cấp nhan nhản trong nhà hàng, khách sạn, quán bia... thì liệu những người vợ như chúng ta có giữ nổi những ông chồng? Các bạn đừng bao giờ thần thánh hóa đàn ông, vì với trái tim yếu ớt, đa cảm của các ông, sống trong một môi trường đầy cám dỗ như thế, việc không sa chân là rất khó.
Có thể bạn sẽ hỏi lại tôi sao các ông không phải giữ mình, mà mình phải giữ các ông? Xin thưa, môi trường Việt Nam giống như tiệc buffet, "all you can eat", nghĩa là thức ăn bao giờ cũng nhiều, cũng sẵn sàng cho thực khách, vậy bao nhiêu người sẽ chọn chỉ ăn một món đây? Tôi luôn tự tin rằng mình yêu chồng nhưng rất cứng rắn, dứt khoát trong xử sự, vì vậy, tôi sẽ không bao giờ đẩy cuộc hôn nhân của tôi vào ngõ cụt bằng cách cấp cho chồng cái vé vào nhà hàng buffet như thế.
Vài dòng chia sẻ, mong giúp ích được cho các bạn nữ. Xin cám ơn tòa soạn.