Diễn viên Tiết Cương và Xuân Thùy. Ảnh: T.T. |
Câu ca dao Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ biết thương con chồng như vận vào cuộc đời của nhân vật Huy trong vở kịch này. Chính mối quan hệ khắc nghiệt giữa con chồng mẹ ghẻ đã làm cho anh trở nên mù lòa.
Mẹ qua đời khi Huy (Tiết Cương) còn nhỏ, ông ngoại (Việt Anh) già yếu không cưu mang nổi nên phải để Huy tá túc trong căn nhà của cha mình (Hữu Nghĩa) và trưởng thành theo thời gian. Huy lớn lên, sống tự lập ngay trong căn nhà của cha với sự lạnh nhạt của người mẹ kế.
Nghe tin cha vợ của chồng tìm cháu ngoại trao của hồi môn, người mẹ kế (Phương Dung) bỗng dưng yêu thương con chồng nhưng không phải bằng tấm lòng nhân hậu mà là một kế hoạch độc ác nhằm hãm hại Huy để cướp đoạt gia tài. Bà đã cùng con trai thay đổi đồ đạc trong gia đình để Huy vấp ngã. Còn Tiến (Mạnh Tràng) - cậu em trai - thì gài cho Huy say xỉn rồi đẩy anh vào phòng ngủ cùng cô bạn gái của mình.
Bà mẹ kế tìm cách bỏ nữ trang vào túi xách của cô gái câm (Xuân Thùy) để vu khống nhưng không ngờ kế hoạch đã lật ngược, người vào phòng ngủ là cha Tiến, người đánh cắp nữ trang chính là cô bạn gái của Tiến vừa mới quen ở quán bia ôm. Chưa được gì nhưng bà mẹ kế của Huy đã mất tất cả. Ông ngoại của Huy đã tìm cho Huy một cô bạn gái tốt và đưa cả hai về quê sinh sống với gia tài 100 triệu đồng mà Huy sắp thừa hưởng.
Các diễn viên Hữu Nghĩa, Phương Dung và Tiết Cương. |
Đây là vở kịch được dàn dựng nhẹ nhàng, phần kết có hậu đã tạo thế đứng trong lòng người xem dù lời thoại chưa sâu sắc lắm. Hành động của hai mẹ con Tiến cũng chính là những tình huống tạo nên tính hấp dẫn cho vở diễn. Tình cảm giữa Huy và cô gái câm tạo cho kịch một nét lãng mạn đúng với tên gọi ban đầu của nó: Chuyện tình nhạc sĩ mù và cô gái câm.
Sự ra mắt của Lâu đài tình ái cho thấy sân khấu kịch Sài Gòn vẫn tiếp tục dựng nhiều vở kịch có nội dung gần với đời thường. Tác giả kịch bản là Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu.
Thanh Phong