Biệt thự bằng đá ẩn mình trên một vách đá cheo leo nhìn thẳng ra bãi cát trắng dài của bờ biển Hwajinpo, quận Goseong, tỉnh Gangwon. Bao quanh biệt thự là những cây thông cao lớn, chỉ cách Khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền vài km về phía đông, theo AFP.
Biệt thự này nổi tiếng với tên gọi Lâu đài Hwajinpo, nơi người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành và gia đình thường xuyên đến nghỉ mát cho đến khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.
Bên ngoài biệt thự là một bức ảnh đen trắng chụp 5 người con của Kim Nhật Thành. Ngay giữa ảnh là ông Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, khi đó mới 6 tuổi. Cạnh ảnh là miếng kim loại hình mũi tên có dòng chữ: "Bức ảnh chụp Kim Jong-il và em gái Kim Jong-hui vào tháng 8/1948".
Sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II, chấm dứt sự cai trị trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Liên Xô thỏa thuận lấy vĩ tuyến 38 làm cột mốc phân chia hai miền, tỉnh Gangwon khi đó thuộc miền Bắc. Tuy nhiên, sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, tỉnh này đã thuộc về phần lãnh thổ Hàn Quốc
Ngoài Lâu đài Hwajinpo còn một số di sản tương tự khác như tòa nhà ba tầng ở Cheorwon, phía bắc Seoul, hiện bị bỏ không nhưng từng là nơi làm việc của Đảng Lao động Triều Tiên.
Lâu đài Hwajinpo bị hư hại đáng kể trong chiến tranh nhưng đã được khôi phục và sử dụng như một khu nghỉ dưỡng dành cho các binh sĩ Hàn Quốc. Năm 1999, chính phủ Hàn Quốc quyết định biến nơi đây thành viện bảo tàng, mở cửa cho công chúng vào tham quan.
"Tòa nhà này chính là nơi họ (gia đình ông Kim) từng ở", hướng dẫn viên du lịch Ham Ji-su nói.
Tầng mái có tầm nhìn ra biển tuyệt đẹp và bên trong một căn phòng nhỏ trưng bày một số hiện vật như: chiếc giường đơn, quần áo, radio, điện thoại – đều có từ khi ngôi nhà được gia đình Kim Nhật Thành sử dụng.
Kim Jong-il chưa bao tới Hàn Quốc mặc dù ông đã hai lần gặp tổng thống Hàn Quốc tại các hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, một lần với tổng thống Kim Dae-jung vào năm 2000 và một lần là tổng thống Roh Moo-hyun vào năm 2007.
Tuy nhiên, ghi chép lịch sử của Triều Tiên nói rằng Kim Nhật Thành từng đến Seoul trong những ngày đầu Chiến tranh Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay không có hồ sơ về chuyến đi của ông trong thời gian chiến tranh nhưng cũng không phủ nhận thông tin này.
Người dân Hàn Quốc và Triều Tiên rất hiếm có cơ hội đi qua biên giới. Nếu muốn sang bên kia ranh giới quân sự, họ phải được chính phủ cho phép. Vào đầu những năm 2000, khách du lịch Hàn Quốc từng đổ xô đến khu nghỉ mát núi Kumgang của Triều Tiên cho đến khi quan hệ hai bên xấu đi vào năm 2008.
Người dân Triều Tiên gần như không bao giờ được phép đi đến Hàn Quốc, ngoại trừ quan chức chính phủ hoặc các vận động viên tham dự các sự kiện thể thao.
Nhưng hướng dẫn viên Ham hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ mở ra cơ hội để ngày càng có nhiều người Triều Tiên tới thăm nhà cũ của Kim Nhật Thành. Cô nhấn mạnh rằng lâu đài Hwajinpo tượng trưng cho sự không chia cắt trên bán đảo.
"Tôi tin rằng đó là biểu tượng của sự hòa thuận," cô nói.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay bước qua ranh giới quân sự để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều. Ông là thành viên đầu tiên trong gia tộc họ Kim đặt chân lên Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên.
Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ - Hàn - Triều. Đây là tiền đề cho cuộc gặp giữa Kim Jong-un và Donald Trump dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Lãnh đạo hai miền dự kiến thảo luận về việc phi hạt nhân và hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Huyền Lê