Bên trong nhà hát, các nhà quý tộc mới của Nga đứng tựa lưng vào ban công, chăm chú nhìn qua ống nhòm với hy vọng được chiêm ngưỡng chiếc ghế của Nga hoàng, nơi tổng thống đang ngồi.
Ảnh: Vẻ lộng lẫy của nhà hát Bolshoi
Nhưng bạn phải đứng bên ngoài nhà hát thì mới thấy hết được ý nghĩa của sự kiện này. Hàng trăm người, không đủ may mắn để có được tấm vé vào bên trong xem, đã tự nguyện đứng ngoài trời giá lạnh. Mặc dù chương trình được truyền hình trực tiếp trên tivi, nhưng họ không quản giá buốt, đứng bên ngoài nhà hát theo dõi buổi diễn đầu tiên trong nhà hát mới qua hai màn hình lớn. Khi tấm màn sân khấu kéo lên cùng với những cảnh mở màn của vở ba lê “HồThiên nga”, tiếng reo vang dội từ phía đám đông khán giả.
Việc mở lại nhà hát Bolshoi có ý nghĩa chính trị lớn lao. Sau sáu năm tu sửa, người ta đã đưa nhà hát này trở lại cuối thế kỷ 19, thay thế hàng nghìn những gờ, mái được khắc chạm hoặc biển hiệu hình búa liềm thời Xô viết bằng hình đại bàng hai đầu từ thời Sa hoàng. Và điều có ý nghĩa nữa là nó đã làm thỏa lòng mong ước của người dân ở một quốc gia đam mê nghệ thuật.
Một người lính đứng gác bên ngoài nhà hát Bolshoi. Tòa nhà trở nên lộng lẫy như nàng công chúa trong đêm ra mắt. Ảnh: NYT. |
Olga Kuznetsova làm nghề lau dọn. Bà đứng ngoài nhà hát cùng chồng, một tài xế. Hai vợ chồng tay trong tay và lắc lư theo tiếng nhạc. Bà sung sướng đến gần như bật khóc khi nghe thấy âm thanh của vở “Hồ Thiên nga”.
Olga nói: “Hôm nay tôi gặp nhiều chuyện mệt mỏi ở cơ quan. Nhưng sau đó, tôi nghĩ đến việc tối nay đến nhà hát, thấy nhẹ nhõm cả người".
Việc tu sửa nhà hát bị chậm trễ bởi hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến việc sa thải và từ chức của nhiều người cũng như vấn đề kinh phí đầu tư cho việc tu sửa bị đội lên rất nhiều so với dự tính. Sau hai năm kể từ khi việc trùng tu bắt đầu, các quan chức phát hiện những cột gỗ sồi dùng để làm trụ đỡ ở phần móng của tòa nhà đã quá yếu. Việc dỡ bỏ cần phải làm một cách cẩn thận. Công nhân phải gỡ từng miếng gỗ bằng tay. Họ đùa nhau rằng rằng tòa nhà được dựng lên từ các dây điện, và họ phải hết sức cẩn trọng.
Cuối cùng, đêm thứ sáu vừa qua mọi người đã được chiêm ngưỡng nội thất tráng lệ của tòa nhà với những họa tiết và bức tượng cổ dát vàng. Giám đốc phụ trách một công ty chuyên về xây dựng, Vera Babich nói rằng các nghệ nhân chỉ dùng phương pháp cổ xưa nhất. Để dát được vàng đầu tiên họ phải phủ một hỗn hợp gồm đất sét, mỡ cá voi và lòng trắng trứng hỏng lên trên bề mặt. Tiếp theo họ dùng một loại bàn chải làm từ đuôi sóc và chải trên bề mặt cùng với rượu vodka và sau đó đặt lá vàng mỏng lên trên. Khi vàng khô, họ làm mịn và đánh bóng bằng răng động vật.
Olga Sviblova, giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Mátxcơva vừa đi vừa chỉ tay về phía các họa tiết, nói: “Tôi cho rằng các họa tiết ở đây mang đậm dấu ấn về văn hóa. Đó là điều khiến tôi rất vui. Và nếu bạn nhìn thấy các họa tiết đó trước khi tu sửa, thì bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại vui như vậy. Chúng từng bị mất đi dưới thời Xô viết".
Công trình đã phục hồi những chi tiết tồn tại trước năm 1917. Sau Cách mạng tháng Mười cả nhà hát được trưng dụng để sử dụng vào mục đích chính trị, bởi lẽ đây là tòa nhà lớn duy nhất có thể đi bộ từ điện Kremli sang. 1.740 ghế ngồi bọc đệm đã được thay bằng 2185 ghế nhỏ hơn. Các bức bích họa được sơn lại màu trắng và những biểu tượng hoa văn trên tường cũng được gỡ xuống.
Mikhail Sidorov, cố vấn cho chủ tịch tập đoàn Summa, đơn vị giám sát việc thi công tu sửa tòa nhà, cho biết các nghệ nhân đã phải phục hồi nguyên gốc gần 750 mét vải. Công việc này đòi hỏi sự siêng năng và tỉ mỉ. Mỗi ngày họ chỉ làm được 0,9 mét. Trong buổi giới thiệu và đưa các nhà báo đi tham quan tòa nhà, Mikhail chỉ tay vào chữ mạ vàng của Sa Hoàng Nicholas II chạm trên một tấm biển, nói:“Trước đây chúng tôi đã tưởng là sẽ không bao giờ được nhìn thấy những tấm biển như thế này nữa.”
Đám đông khán giả đứng bên ngoài theo dõi đêm mở màn nhà hát Bolshoi, bất chấp thời tiết giá lạnh. Ảnh: NYT |
Không phải tất cả mọi người đều hài lòng với dự án này. Chẳng hạn như vũ công ba lê Nicolai Tsiskaridze. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tháng trước, Nicolai nói ở trong tòa nhà đó “như thể bạn đang ở một khách sạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, và khách sạn đó có hình dáng tương tự nhà hát Bolshoi”. Nicolai chê những đường gờ trang trí trên tường và nói là chúng giống như nhựa được người ta sơn màu vàng còn trần nhà của phòng tập thì lại quá thấp.
“Trần nhà thấp đến nỗi không thể nâng một nữ diễn viên lên. Nếu tôi làm thế thì đầu cô ấy sẽ va vào trần nhà.”
Nhưng những điều đó không làm giảm sự quan tâm của công chúng đối với công trình này. Bằng chứng là từ vài tuần nay, người ta xếp từng hàng dài để mua vé vào chiêm ngưỡng nhà hát. Thời báo Moscow đưa tin rằng cánh phe vé đã thuê những người vô gia cư đứng xếp hàng từ tờ mờ sáng để mua vé, và khán giả phải vất vả tranh giành vé với những người này. Sắp tới, khi vở ba lê “The Nutcracker” của Tchaikovsky công diễn, tình hình chắc sẽ còn căng thẳng và lộn xộn hơn nữa.
Với nhiều người dân Moscow, được đến nhà hát Bolshoi là một kỷ niệm đáng nhớ của cả thời thơ ấu. Với bà Sviblova, giám đốc một bảo tàng danh giá, cảm giác ấy vẫn còn nguyên. Bà đã chuẩn bị một thanh sôcôla sản xuất tại Nga trong túi xách, vì năm 4 tuổi bà cũng đã ăn chính loại sôcôla đó khi đến xem một buổi biểu diễn tại đây.
“Khi tôi lên bốn, loại sôcôla đó là niềm mơ ước”, bà Sviblova nói. “Và cả bánh xăng đuých nữa.”
Trong sảnh của nhà hát, bà Natalya Tsytsyna, 85 tuổi, đứng ngắm xung quanh một cách thích thú. Phía cầu thang, từng đoàn người cả nam lẫn nữ ăn mặc sang trọng lên xuống. Cánh đàn ông thì mặc các loại áo comple, với áo gi lê vàng. Phụ nữ khoác hờ trên vai những chiếc áo lông thú, tóc uốn thành thừng lọn sóng, hoặc buông xõa một cách tự nhiên nhưng được điểm bằng những chiếc cặp đắt tiền. Mùi nước hoa sực nức. Bà Tsytsyna hôm nay mặc một chiếc áo khoác nhẹ cùng với một chiếc váy mềm. Dáng vẻ của bà toát lên sự hài lòng.
“Bolshoi vẫn cứ là Bolshoi,” bà nói. “Với chúng tôi nó là một kỳ quan.”
Cao Thu (theo NYT)